.

Chăm lo phát triển đảng viên khu vực miền núi

.

Là xã miền núi, số lượng đảng viên ít nhưng những năm qua, Ðảng bộ các xã Hòa Bắc, Hòa Phú đã xây dựng và thực hiện hiệu quả nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng Ðảng; đặc biệt là chú trọng phát triển đảng viên mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên.

Một buổi sinh hoạt chi bộ tại thôn An Châu (xã Hòa Phú).
Một buổi sinh hoạt chi bộ tại thôn An Châu (xã Hòa Phú).

Ông Hồ Tăng Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc chia sẻ: “Với đặc thù là địa phương miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn, nên để lãnh đạo, xây dựng được tổ chức Đảng vững mạnh, Đảng ủy xã quán triệt mỗi đảng viên phải gương mẫu trong lối sống, tiên phong làm kinh tế. Từ đó, đảng viên nói dân mới nghe, mới tin và tổ chức Đảng mới nâng cao được chất lượng hoạt động ở cơ sở”. Trong 5 năm qua (2012-2016), toàn xã kết nạp 50 đảng viên, đưa số lượng đảng viên toàn Đảng bộ xã lên 169 đồng chí, trong đó đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số là 49 người. Ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) bày tỏ: “Từ khi chi bộ thôn được thành lập, các đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn đã gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua, phát triển kinh tế gia đình bằng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt được áp dụng đúng kỹ thuật”. Từ hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình, các đảng viên đã tích cực đến từng hộ dân trong xóm tuyên truyền, vận động, truyền kinh nghiệm, hướng dẫn người dân cách sản xuất để phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Việc đổi thay cách nghĩ, cách làm đã giúp cuộc sống nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn từng bước được cải thiện, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên.

Còn tại xã Hòa Phú, những năm qua, công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số được Đảng ủy xã xác định là một nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng và thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải, để thực hiện tốt công tác phát triển Đảng, đặc biệt là với đối tượng người dân tộc thiểu số, Đảng ủy xã hằng năm đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ trực thuộc nắm rõ các quy trình, thủ tục hồ sơ kết nạp Đảng, triển khai các bước giới thiệu tạo nguồn đảng viên; thường xuyên chỉ đạo các chi bộ trực thuộc quan tâm công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới. “Đặc biệt, cán bộ xã thường xuyên xuống cơ sở, nơi các chi bộ có ít đảng viên cũng như các chi bộ thôn tập trung đông người dân tộc thiểu số để chỉ đạo xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch của cấp trên, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các chính sách dân tộc, từ đó phát hiện những quần chúng tích cực và giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ được thử thách, rèn luyện; tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp, tăng số lượng đảng viên là người dân tộc thiểu số của đảng bộ. Hiện nay, toàn Đảng bộ xã có 205 đảng viên và có 5 chi bộ thôn tiếp tục được củng cố”, ông Hải cho biết.

Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường, huyện xác định, làm tốt công tác phát triển Đảng tại các địa phương, nhất là ở các xã miền núi như Hòa Bắc, Hòa Phú..., sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ở các chi bộ, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao dân trí cho người dân. Do đó, huyện đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương quan tâm, đẩy mạnh công tác phát triển Đảng ở nông thôn, miền núi, chú trọng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lê Trung Thắng cho biết, để nâng cao chất lượng đảng viên tại các xã miền núi thì việc xem xét, kết nạp đảng viên được tiến hành chặt chẽ, đảm bảo về điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục, nguyên tắc. “Huyện đã quán triệt, phân công cấp ủy viên phụ trách và báo cáo tiến độ phát triển đảng viên ở các thôn khó khăn. Cấp ủy các xã cũng cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn để nắm tình hình nguồn phát triển đảng viên và chỉ đạo các đoàn thể chủ động bình xét, giới thiệu quần chúng ưu tú để cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; tiếp tục giao nhiệm vụ và rèn luyện, thử thách trước khi xét kết nạp vào Đảng”, ông Lê Trung Thắng cho hay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo huyện cũng cho rằng, công tác phát triển đảng viên vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn, nhất là trong công tác tạo nguồn quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng. Do điều kiện đời sống còn thấp nên nhiều người rời quê lên thành phố để làm việc, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cho công tác phát triển Đảng. Mặt khác, một bộ phận thanh niên theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; số khác đi học nghề và xin vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp; một số ít thanh niên tuy ở lại địa phương nhưng chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, chưa có ý thức phấn đấu, rèn luyện.

“Thời gian tới, Huyện ủy Hòa Vang xác định tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn Điều lệ của Đảng về công tác phát triển đảng viên, nhất là tại các thôn, xóm còn ít đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, phân công các đồng chí đảng ủy viên theo dõi, phụ trách từng thôn, xóm, tăng cường đảng viên trẻ về các thôn, xóm cùng tham gia sinh hoạt, tuyên truyền, lựa chọn, giúp đỡ quần chúng ưu tú giới thiệu với cấp ủy để xem xét kết nạp”, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Trường nhấn mạnh.

Bài và ảnh: QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.