.

Chiêng vang giữa phố

.

Năm ngoái lỡ nhịp với “Trưng bày và giới thiệu Văn hóa đồng bào Cơ tu” lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng, năm nay quyết không “dại dột” nữa. Và, thật chẳng bõ công chút nào, khi tiếng chiêng vang lên tưởng đâu sẽ đi lạc vào chốn thị thành phố xá nghênh ngang, xe cộ nhộn nhịp, nhưng cuối cùng lại nhặt khoan chạm vào những trái tim trót yêu giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Tiếng chiêng giữ nhịp cho điệu múa Tung tung Da dá.
Tiếng chiêng giữ nhịp cho điệu múa Tung tung Da dá.

1. Sáng 29-3, nắng sớm lên pha chút mây như dự báo thời tiết trên ti-vi đêm trước, vừa đủ sáng để chủ và khách tay bắt mặt mừng trước sân Bảo tàng Đà Nẵng. Trang phục thổ cẩm xen lẫn âu phục, tiếng Cơ tu hòa với tiếng Kinh. Chủ thể của hoạt động tôn vinh “Nét đẹp văn hóa Cơ tu” sáng hôm đó là trên 30 đồng bào dân tộc Cơ tu đến từ các huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế), Nam Giang, Đông Giang (Quảng Nam).

Khách không phải chờ lâu. Chiêng, trống hòa giọng cùng nhau trong nhịp bước của những người đàn ông dáng hình nhuốm màu sơn cước. Họ đi thành vòng tròn, những hoa văn rung lắc theo âm vang của nhạc cụ, những ánh mắt bỗng dưng chùng xuống rồi trở nên mơ màng như chìm vào không gian của một buổi tế thần linh trong những hội hè người Cơ tu.

Một lát, là phần trình diễn điệu múa Tung tung Da dá của bà con Cơ tu đến từ thôn Phú Túc, huyện Hòa Vang. Thấp thoáng trong những sơn nữ vầy đoàn trong điệu Da dá, tôi nhận ra bà Đinh Thị Năm, nguyên Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Phú Túc, xã Hòa Phú. Dù đã ít nhiều nhạt phai xuân sắc, nhưng bà vẫn còn tham gia đội múa, bởi các cô gái trẻ vẫn chưa ai vượt qua bà cái mềm mại của đôi tay, cái nhịp nhàng của đôi chân.

Già làng Alăng Cần và Đinh Văn Lương giờ tuổi đã cao, việc dẫn dắt bà con trong thôn xuống phố lần này được giao lại cho ông Đinh Văn Trí, người được xem là cái “kho chữ” của người Cơ tu Phú Túc. Người đàn ông ngoài thất tuần này vừa dõi theo các vũ công đi vòng quanh trong sân, vừa chậm rãi giảng giải cho một bạn trẻ là tình nguyện viên của Bảo tàng Đà Nẵng: Trong tiếng Cơ tu, Tung tung nghĩa là vươn cao một cách mạnh mẽ, vững chãi. Vì thế, điệu múa Tung tung dành cho nam giới với những động tác chắc nhịp và hùng dũng. Khi múa, người đàn ông đóng khố và khoác tấm choàng phía sau từ vai xuống lưng, phía trước từ vai xuống bụng tạo thành chữ X. Ở những lễ hội hiến tế thần linh,  người múa có thêm đạo cụ: tay trái cầm khiên hình tròn hoặc hình thang cân, tay phải cầm thanh kiếm hoặc cây giáo lưỡi ngắn.

Còn Da dá có nghĩa là thẳng hàng, ông Trí nói tiếp, khi múa người con gái giơ đôi tay vuông góc ra hai bên, song song với cổ để thể hiện sự đứng đắn, chung thủy. Họ giơ tay lên cao tỏ lòng tạ ơn trời và nhún nhảy đôi chân tỏ lòng tạ ơn đất. Vì thế, thật không ngoa khi Tung tung Da dá được xem là “Vũ điệu dâng trời” của người Cơ tu.

Chiêng trống hòa nhịp cùng những bước đi hùng dũng của đàn ông, những cái nhún nhảy dịu dàng của phụ nữ. Buổi sáng cuối tháng Ba trở nên đẹp hơn trong lòng những ai nhìn ngắm và lắng nghe tự tình của một trong những nền văn hóa của dân tộc.

Bánh sừng trâu của bà con Cơ tu huyện Nam Giang. Ảnh: V.T.L
Bánh sừng trâu của bà con Cơ tu huyện Nam Giang. Ảnh: V.T.L

2. Bà con Cơ tu huyện Nam Giang mang đến bánh sừng trâu, món ăn truyền thống của dân tộc mình. Gọi thế, bởi bánh có hình dạng thon nhọn tựa sừng trâu, con vật gần gũi với đồng bào Cơ tu. Được làm từ loại nếp thơm truyền thống proong, được gói trong những chiếc lá rừng, bánh sừng trâu độc đáo ở chỗ không có nhân và không ngâm nếp trước khi gói. Gói xong, bánh được thả vào thau nước lạnh ngâm khoảng hai giờ đồng hồ cho nếp mềm mới mang ra nấu. Vì thế, dù để nhiều ngày bánh cũng không thiu và ăn vẫn còn dẻo thơm hương vị núi rừng.

Cùng với đó là món thịt heo rừng hun khói, một đặc sản của người Cơ tu huyện Nam Giang. Thịt được cắt thành từng thỏi gần bằng 2 ngón tay, khi ăn chấm với 3 loại muối, uống thêm chút rượu cần đưa cay nữa là hết ý. Ông chủ rượu cần Phú Túc Lê Văn Nghĩa “khoe” hôm đó bán được 3 hũ rượu, “rứa là vui cái bụng rồi”.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang – đơn vị cùng với FIDR (Tổ chức Cứu trợ và Phát triển quốc tế) phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức hoạt động này, phân tích rạch ròi cả 3 loại: muối trộn sả ớt, muối trộn tiêu ớt và muối trộn lá cây chàng rây (còn gọi là râng rây). Mỗi loại muối có một hương vị riêng, khi ăn đồ nướng hay rau, củ, quả luộc ai ưng dùng loại gì tùy theo sở thích mỗi người.

Ông Tân kể, 7 năm trước, có lần cùng anh em ghé thăm nhà ông Jơrâm Nhiên, lúc đó ông này làm Chủ tịch UBND huyện Nam Giang. Ông Nhiên đãi khách bằng món phi lê cá trắm thái mỏng trộn với hai loại gia vị gì đó. Khi làm, ông Chủ tịch huyện “đuổi khéo” khách lên nhà trên để giữ bí mật. Nhưng đến khi tất cả ngồi vô bàn, làm vài ly lai rai là ông thiệt tình... khai ra hết. Hai loại gia vị đó là bột láp có vị chua của người Lào, màu nhạt hơn màu cà-phê một chút và lá cây chàng rây giống lá chanh nhưng có mùi cua nướng. Đồng bào Cơ tu quả là “cao thủ” trong việc chế biến các món ăn dân dã miền sơn cước. Hôm đó, ăn gỏi cá nhưng khách ai cũng cảm thấy cái bụng êm ru, bèn xin chủ nhà một ít bột và lá cây về dưới phố ăn gỏi cá biển.

Giờ gặp lại loại muối trộn lá chàng rây, ông Tân như gặp lại bạn cũ. Sẵn dịp, ông cho biết thêm, gia vị chính của người Cơ tu là ớt, tiêu rừng. Đôi lúc họ cũng thêm vào kiến đỏ hoặc mối để làm giàu thêm hương vị ẩm thực của dân tộc mình. Kiến đỏ chân dài có nhiều loại, có loại ăn vào có vị chua như dấm, có loại ngọt, có loại mặn. Còn mối thì rang lên cho rụng cánh, ăn vào thấy vị bùi bùi, thơm thơm...

Từ tiếng chiêng, điệu múa lại đi bắt quàng qua ẩm thực. Câu chuyện về văn hóa đồng bào Cơ tu sáng hôm đó diễn ra sôi nổi, hào hứng và không kém phần bất ngờ. Một đồng nghiệp công tác ở Tạp chí Phát triển Kinh tế-xã hội Đà Nẵng thử qua 3 loại muối rồi tấm tắc: Ngon thiệt, cái gì ra cái đó!

3. Với chủ đề “Nét đẹp văn hóa Cơ tu”, bà con biểu diễn nhạc cụ, hát lý; giới thiệu một số nghề thủ công, các sản phẩm thủ công truyền thống như sản phẩm nghề dệt, nghề đan mây tre, rượu cần; các loại nông sản, ẩm thực Cơ tu.

Bling Cảnh, cô gái Cơ tu cất giọng lên bổng xuống trầm hát lý, đôi lúc giọng cô chùng lại như chừng cảm thấy chưa bao giờ được hát giữa một không gian lạ lẫm không như núi rừng Nam Giang quê cô. Ông Đinh Văn Trí phiên dịch rằng, cô hát tỏ lòng nhớ ơn già làng năm xưa, người có uy tín, đứng ra lập làng cho dân về ở. Một số bạn trẻ, có lẽ là sinh viên, hết ghi chép tỉ mẩn từng hoạt động, lại đến đứng sau Bling Cảnh, nhờ bạn mình chụp vài kiểu ảnh để làm tư liệu và tiện thể “lên phây” (Facebook) cho đẹp.

Một lát, chàng trai Cơ tu ngồi bên Bling Cảnh đánh một bản đàn. Giai điệu nghe rất quen. Thì ra, đó là bài “Dưm cây”, tiếng Cơ tu nghĩa là Đêm chia tay, một bài hát viết lời mới dựa trên giai điệu một khúc dân ca nước ngoài được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thời xa lắc. Tôi có lần nghe ông Đinh Văn Trí khẽ hát bằng tiếng mẹ đẻ rồi giải nghĩa: Đêm nay chúng ta gặp nhau. Mai sẽ đi mỗi người mỗi ngả. Sẽ nhớ nhau. Tất cả anh em hãy bắt tay nhau vui vẻ hát hò. Ngày mai tôi về quê tôi, anh về quê anh. Mặc dù khác quê hương nhưng lòng chúng ta là một…

Nhiều bạn trẻ như Võ Thị Khánh Dung, sinh viên năm nhất khoa Tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), thành viên CLB Tình nguyện viên Bảo tàng Đà Nẵng, tỏ ra bất ngờ khi đến bảo tàng sáng hôm đó. CLB được thành lập hôm 8-1 với 50 thành viên, chưa đầy 2 tháng sau đã được tham gia một hoạt động đình đám đầu tiên tại bảo tàng. Bạn nào cũng ưng ý. Chờ Dung chụp xong mấy kiểu ảnh, tôi hỏi mấy ý, Dung bảo: “Trước em chỉ biết đồng bào Cơ tu qua sách báo, truyền hình. Chừ được thấy tận mắt bà con đánh chiêng, đánh trống, múa hát, đan lát,... mình không lên núi rừng mà vẫn gặp được họ, thích thật”.

Ấn tượng nhất, trong mắt các tình nguyện viên hôm đó, là dệt thổ cẩm thủ công, cho ra những sản phẩm đẹp. Cô gái nhỏ nhắn Bnươch Thị Quỳnh đến từ Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng huyện Đông Giang, thoăn thoắt đôi tay bên cái khung dệt nhỏ. Dung ngẩn ngơ ngồi nhìn, để ý mãi vẫn không biết bằng cách nào mà cô gái Cơ tu bằng tuổi mình lại luồn những cái hạt cườm nhỏ xíu vô được trong từng sợi dệt.

Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Ngô Thị Bích Vân đã kỳ vọng một điều như thế: “Ban tổ chức mong muốn hoạt động này mang đến cho khách gần xa những trải nghiệm chân thật nhất, những cảm xúc ấn tượng và những cảm nhận khó quên khi được trực tiếp giao lưu, tiếp xúc với các nghệ nhân Cơ tu, được tìm hiểu và biết thêm kiến thức về những giá trị di sản văn hóa truyền thống của người Cơ tu thông qua những hình ảnh, hiện vật được trưng bày và giới thiệu ở đây”.

Qua xế trưa thì hoạt động đình đám về văn hóa Cơ tu diễn ra lần thứ hai ở nội thành Đà Nẵng đến hồi vãn cuộc. Bảo tàng Đà Nẵng lại quay về với khung cảnh im ắng thường nhật. Ra về, khách không khỏi dùng dằng, nuối tiếc. Hẹn mùa sau, tiếng chiêng lại dậy lên giữa phố với những thanh âm huyền hoặc núi rừng, những điệu múa, những món ăn... đậm chất Cơ tu hơn nữa.

Ký của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.