Nhà ông Trần Văn Sung vừa xây xong đã tự nguyện đập một phần để lùi vào cho đường kiệt rộng hơn. Nhà ông Nguyễn Đình Ký trong lúc lùi cổng ngõ, bờ tường, thấy nhà hàng xóm nghèo liền ra tay hào hiệp, giúp luôn chi phí cùng lui vào cho kiệt rộng ra, đẹp hơn. Cấp trên chưa có chủ trương nhưng bà con ở kiệt 227 đường Nguyễn Văn Thoại (dài 600m), phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà đã tự nguyện động viên nhau đập tường rào, cổng ngõ để mở rộng đường kiệt.
Mặc dù ở vị trí “đất vàng” đang có giá từ 40-50 triệu đồng/m² nhưng các hộ dân kiệt 227 đường Nguyễn Văn Thoại vẫn quyết tâm tự nguyện mở rộng kiệt. |
Kiệt 227 Nguyễn Văn Thoại - nơi cư trú của 122 hộ dân thuộc 3 tổ dân phố: 41, 42 và 42A vốn là con đường kiệt mà cổng ngõ nhiều nhà nhô ra, thụt vào, chiều rộng không đồng đều, nơi rộng nhất là 3,8m và hẹp nhất là 3,5m. Ý tưởng mở rộng đường kiệt này xuất phát từ một số hộ dân ở tổ 41 và lập tức được nhiều hộ dân ủng hộ nhưng chưa phải là tất cả.
Theo ông Phạm Hồng Xuyên, Trưởng ban công tác Mặt trận và ông Ngô Trọng Hối, tổ trưởng tổ 41, những ý kiến chưa đồng thuận đã đặt ra rất nhiều câu hỏi: Đang ở yên lành như thế này mấy chục năm nay, đường đi vẫn thế, sao phải mở rộng làm gì? Nếu mở rộng, ai dời đường điện, đường ống nước sinh hoạt? Chính quyền quận, phường chưa có chủ trương, sao dân phải tự bỏ tiền ra đập rồi xây lại tường rào, cổng ngõ mới? Đường kiệt ở vị trí đắc địa (song song và cách đường Võ Nguyên Giáp 300m) gần bãi biển Mỹ Khê, giá đất đang lên 40-50 triệu đồng/m² sao lại lùi vào, cắt bớt diện tích nhà mình đi?... cùng rất nhiều câu hỏi khác.
TDP 41 tổ chức họp đến lần thứ tư mới thông tư tưởng, 98% hộ dân cùng nhận thức: Việc mở rộng kiệt sẽ không gây thiệt hại lợi ích cho người dân mà trước hết là tạo đường thông hè thoáng. Việc này rất đúng với chủ trương thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và “Thành phố 4 an”, lại đúng vào dịp thành phố kỷ niệm 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bà con kiệt 227 đường Nguyễn Văn Thoại cần hưởng ứng bằng cách ghi dấu một công trình đóng góp cho sự khang trang, sạch đẹp đô thị thành phố. Sự đồng tình của 98% hộ dân tổ 41 đã lan sang cả 2 tổ 42 và 42A. Sau khi được UBND phường đồng ý cho mở rộng kiệt, 3 TDP họp dân, thành lập Ban vận động mở rộng kiệt và nhận được sự đồng thuận của đại đa số.
Hai mươi ngày trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, 40 hộ dân tổ 41 đồng loạt đập bỏ tường rào, cổng ngõ để mở rộng kiệt. Sau Tết đến nay, các hộ ở 3 tổ nói trên tiếp tục tiến hành lùi bờ rào, cổng ngõ để kiệt rộng hơn. Hộ ông Lê Minh Tâm có chiều ngang mặt tiền nhà dài đến 10m đã tiến hành đập ngay trước Tết Nguyên đán và lùi vào đến 0,8m. “Tôi là thành viên Ban vận động nên phải gương mẫu, nói là tự giác làm trước liền. Vận động đừng nói suông. Một ngàn câu nói vận động không bằng một việc gương mẫu làm trước”, ông Tâm nói. Nhiều tấm gương làm mẫu đã xuất hiện. Hộ ông Phan Chiến khi tiến hành xây mới căn nhà 3 tầng đã sửa thiết kế lùi vào 0,6m. Hộ ông Trần Văn Sung vừa làm xong nhà mới được một tháng đã rất hăng hái lùi vào 0,6m đúng yêu cầu của Ban vận động.
Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là một số hộ khó khăn về kinh phí đập bỏ và xây mới tường rào, cổng ngõ. Ngay lập tức, mạnh thường quân là anh C. (đề nghị chưa công bố tên) ủng hộ quỹ hỗ trợ các hộ khó khăn 150 triệu đồng. Vậy là cộng đồng 3 tổ dân phố kiệt 227 lại dấy lên phong trào nhà nào có điều kiện, kẻ ít người nhiều tự nguyện ủng hộ thêm vào quỹ hỗ trợ lùi tường rào, cổng ngõ. Ban vận động đã hỗ trợ bình quân mỗi hộ khó khăn 2,2 triệu đồng, hộ khó khăn hơn được hỗ trợ nhiều hơn. Nhiều hộ không nhận tiền hỗ trợ để nhường cho hộ khó hơn. Ông Nguyễn Nam đập xong tường rào, cổng ngõ xây mới hết 20 triệu đồng nhưng không nhận hỗ trợ. Hộ ông Nguyễn Đình Ký không nhận tiền hỗ trợ mà còn hào hiệp giúp luôn hộ hàng xóm bên cạnh tất cả chi phí đập bỏ và xây tường rào, cổng ngõ mới. Nhà ông Hoàng Xuân Thảo tốn đến 10 nhân công để đập phần xây dựng kiên cố nhưng vẫn ủng hộ 10 triệu đồng. Nhà ông Trần Văn Hùng dù không phải lùi cổng ngõ nhưng cũng ủng hộ 5 triệu đồng... Còn nhiều tấm lòng hào hiệp khác chung tay giúp các hộ khó khăn. Số tiền quỹ hỗ trợ đã xấp xỉ 300 triệu đồng.
Bài và ảnh: SƠN TRUNG