Sáng 3-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ Ba. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận, góp ý một số vấn đề quan trọng và còn nhiều ý kiến khác nhau của 5 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quy hoạch. Đây là những dự án luật quan trọng được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai và sau kỳ họp thứ hai đã được các cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ, cùng với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày, kết quả phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ hai có 266/397 đại biểu đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự thảo luật, một số ý kiến lại cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự của Bộ luật Hình sự năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), đồng thời chưa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách không đồng ý với cách lý giải của những ý kiến đề nghị không xử lý hình sự với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi với 3 tội danh ít nghiêm trọng và nghiêm trọng như trên.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đồng tình với việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi tới dưới 16 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng ít nhất là với 3 tội danh trên. Đại biểu đề nghị: “Có thể giảm nhẹ hình phạt, chứ không thể không xử lý” để tránh “dung túng cho các em, trái cả về lý luận và thực tiễn”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đồng tình với việc cần quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với cả tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng với 3 tội danh cụ thể nêu trên, vì cho rằng tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa, có tính chất phức tạp, phi nhân tính nên cần phải răn đe. “Tôi không đồng tình với lý giải rằng tuổi này nhận thức chưa đến. Những em mà cố ý gây thương tích, hiếp dâm mà tình trạng hiếp dâm vừa qua nổi lên không thể là trẻ em bình thường nữa mà trẻ em cá biệt, cần xử lý”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng không đồng ý với lý giải rằng, việc không xử lý hình sự với trẻ em ở các trường hợp này là vì lợi ích lớn nhất của trẻ em. Đại biểu cho rằng, chính việc xử lý nghiêm mới tạo ra môi trường tốt cho trẻ em được hưởng lợi ích tốt nhất, không thể vì một vài trẻ em phạm tội mà làm ảnh hưởng tới nhiều trẻ em khác, người khác trong xã hội.
TTXVN