.

Điểm tựa của người nhiễm HIV

.

Sau 10 năm hoạt động, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) đã trở thành điểm tựa cho hàng ngàn bệnh nhân, góp phần hạn chế tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

Tiết mục tuyên truyền về phòng, chống HIV do Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức.
Tiết mục tuyên truyền về phòng, chống HIV do Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức.

Chị M. (40 tuổi) ở huyện Hòa Vang là một trong số hàng trăm người đang được điều trị ARV tại Phòng khám ngoại trú thuộc Bệnh viện Da liễu thành phố Đà Nẵng. Bị lây nhiễm HIV từ chồng 4 năm nay, chồng mất đã 2 năm, có lúc chị không còn muốn sống. Nhưng 2 con nhỏ dại, đều may mắn không nhiễm HIV, nên chị lại gắng gượng. Chị M. tâm sự: “Các cán bộ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; các y, bác sĩ đã hỗ trợ thuốc men, vật chất, kinh phí và cả động viên tinh thần để tôi cũng như những người nhiễm HIV/AIDS vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống”.

Nhờ sự quản lý, tư vấn và chăm sóc tốt, Trung tâm mà hiện nay khoảng hơn 93% người nhiễm HIV/AIDS (quản lý tại phòng khám ngoại trú) được điều trị ARV, trong khi chỉ tiêu theo hướng dẫn về điều trị của Tổ chức Y tế thế giới là 80%. Tính sơ bộ, các phòng khám ngoại trú trên địa bàn thành phố đã quản lý hơn 2.200 lượt bệnh nhân và điều trị ARV cho hơn 1.700 lượt. Tại đây, người bệnh được cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị tại phòng khám ngoại trú, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

Bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm cho biết, một trong những hoạt động đáng chú ý trong hơn 10 năm qua là thành phố đã triển khai được 2 cơ sở điều trị thay thế các chất gây nghiện bằng Methadone với gần 600 người được xét chọn, thu dung điều trị. Trong quá trình triển khai chương trình, thành phố không phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới HIV và cũng qua chương trình này, nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu trong cộng đồng cũng giảm đáng kể. Nhờ vậy, dịch HIV trên địa bàn thành phố được khống chế, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được duy trì ở mức dưới 0,15%. Hiện nay, các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đầy đủ đến từng địa phương, tổ dân phố như truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao; điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS.

Chương trình can thiệp giảm tác hại trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao luôn được Trung tâm chú trọng thông qua các hoạt động truyền thông nhóm, cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí, tiếp thị xã hội bao cao su, triển khai đặt bao cao su trên 80% các cơ sở dịch vụ lưu trú…; nhờ đó đã góp phần giảm tác hại của lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn.

Nhằm bảo đảm quản lý, chăm sóc và điều trị ARV, 100% phụ nữ có thai nhiễm HIV, 100% trẻ em nhiễm HIV, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ em luôn được Trung tâm đẩy mạnh. Nhờ đó, có 96,8% trẻ em có mẹ nhiễm HIV không bị lây nhiễm bởi mẹ. Theo bác sĩ Đào, thời gian đến, Trung tâm sẽ đẩy mạnh các dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, truyền thông chương trình can thiệp giảm tác hại và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS.

Bài và ảnh: HƯƠNG SEN

;
.
.
.
.
.