.

Già làng, trưởng bản: Nói dân nghe, làm dân tin

.

Là những người có uy tín và vị thế lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn dân cư, do đó các già làng, trưởng thôn đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 tặng quà lưu niệm cho các già làng, trưởng thôn tiêu biểu của Quân khu.
Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 tặng quà lưu niệm cho các già làng, trưởng thôn tiêu biểu của Quân khu.

74 già làng, trưởng thôn (buôn, bon) tiêu biểu đại diện cho hơn 6.000 già làng, trưởng thôn thuộc 11 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã chia sẻ với nhau nhiều kinh nghiệm trong buổi gặp mặt ý nghĩa, đầm ấm vừa được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức tại Đà Nẵng.

Là 1 trong 2 khách mời tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng tham gia trong cuộc gặp mặt này, ông Lê Văn Nghĩa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chia sẻ: “Được tham dự cuộc gặp mặt này tôi vui lắm. Các già làng, trưởng bản ở các dân tộc khác nhau nhưng đều thể hiện tình cảm gắn bó, thân thương. Mọi người thẳng thắn trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế ở thôn, bản để có thể học tập lẫn nhau. Có nhiều cái hay của họ để mình học hỏi”. Theo ông Nghĩa, thôn Phú Túc hiện có 142 hộ với 546 nhân khẩu, trong đó chỉ có 18 hộ là người dân tộc Kinh, còn lại đều là dân tộc Cơ tu. “Dân tộc nào cũng là người Việt Nam và mọi người trong thôn sống rất hòa đồng. Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ghi nhận những đóng góp của chúng tôi nên chúng tôi tự thấy mình phải phát huy hơn nữa trách nhiệm với bà con, nhất là trong công tác xóa đói, giảm nghèo, vận động bà con phát huy bản sắc dân tộc mình”, ông Nghĩa bộc bạch.

Không chỉ là những người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng thôn tiêu biểu còn là những người rất giỏi trong công tác dân vận. Như trường hợp của già làng Hồ Văn Dinh (70 tuổi, dân tộc Ca Dong, trú xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Già Dinh chia sẻ, trước đây có một thời gian tại xã Trà Bui có một bộ phận bà con nhẹ dạ cả tin đi theo lời truyền đạo trái phép. Ông cùng với các già làng khác đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Đến nay, những bà con được tuyên truyền đã nghe và tin theo ông để không bị đối tượng xấu lôi kéo. “Nhìn thấy quê hương mình ngày càng giàu đẹp, đời sống ngày càng đi lên, bà con chăm lo làm ăn, tôi vui lắm. Tôi vẫn thường xuyên đi vận động, nhắc nhở con cháu, bà con nhân dân trong thôn, nóc không nghe lời xúi bậy, giữ vững sự đoàn kết trong nhân dân”, già Dinh tâm sự.

Các già làng, trưởng thôn cũng chính là “cầu nối” hiệu quả giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương với lực lượng vũ trang và người dân. Song để làm tốt điều này, theo già làng Mai Thanh Vân (làng Suối Đá, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định), trước tiên bản thân già làng, trưởng bản phải là người trong sạch, gương mẫu và biết chăm lo cho đời sống của chính mình và của nhân dân. “Trước kia bà con trong làng chúng tôi chỉ trồng sắn nên thu nhập rất thấp. Khi tôi mạnh dạn trồng keo và có thu nhập cao, đời sống ổn định, tôi đã vận động bà con làm theo nên cuộc sống của người dân trong làng giờ đều khá lên rồi”, già làng Vân chia sẻ. Già Vân cũng kể lại câu chuyện cách đây hơn 1 năm, ông phát hiện trường hợp có ý định theo kẻ xấu và kịp thời báo cáo cho công an địa phương cùng đến nhà vận động, giải thích, can ngăn. “Nay chúng tôi còn thường xuyên theo dõi và giáo dục tới các thế hệ trẻ, động viên các cháu học sinh chăm học, không nghe lời người khác rủ rê làm những việc sai trái. Các cháu đều nghe và cứ có gì nghi ngờ hay người lạ vào làng là báo ngay cho chúng tôi”, già Vân nói thêm.

Theo Trung tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5, địa bàn Quân khu 5 có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh, gồm 11 tỉnh, thành phố với dân số gần 12 triệu người cùng 47 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 13%. Với trách nhiệm, sự hiểu biết cũng như khả năng thuyết phục nhân dân, các già làng, trưởng thôn trên địa bàn Quân khu 5 đều phát huy tốt thế mạnh của mình để triển khai hiệu quả các mô hình công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, làm cho đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện và sự giác ngộ của nhân dân được nâng cao. Điều này góp phần rất lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Quân khu.

“Chúng tôi mong muốn thời gian tới, các già làng, trưởng thôn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng và sự tín nhiệm của dân làng để cùng chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, vận động bà con nơi mình sinh sống đoàn kết, chung tay xây dựng làng xã văn hóa, giàu mạnh và bình yên”, Trung tướng Trần Quang Phương nói.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.