.

Góp sức trẻ cho thành phố thân yêu

.

Sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, lớn lên cùng thành phố đổi mới qua từng ngày, nhiều bạn trẻ sớm trưởng thành và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Đà Nẵng thân yêu...

Chị Lê Thị Thu Hà (giữa), Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang xuống đồng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân. 							Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Chị Lê Thị Thu Hà (giữa), Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang xuống đồng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

1- Đầu năm 2010, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ trẻ theo Đề án 89 do Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng tuyển chọn và tổ chức, nữ đảng viên trẻ Lê Thị Thu Hà là một trong 5 học viên tốt nghiệp xuất sắc, được phép lựa chọn địa bàn công tác, nhưng chị không chọn ở trung tâm thành phố mà xin về làm công tác tại Văn phòng UBND xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Đến tháng 9-2010, trước tình hình thiếu hụt cán bộ trẻ, có năng lực ở một số địa bàn trọng yếu, lãnh đạo huyện Hòa Vang gặp gỡ, động viên trí thức trẻ tình nguyện lên làm việc ở xã miền núi Hòa Bắc. Sau chuyến khảo sát Hòa Bắc cùng chồng mới cưới, chị Hà gặp lãnh đạo huyện xin được nhận nhiệm vụ khó khăn, xa xôi ấy.

Chị Hà tâm sự: “Lúc mới lên lo lắm bởi ở đó toàn các cô chú lớn tuổi, trong khi mình còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều. Thế mà không ngờ lại được các bác, các cô chú chủ động gặp gỡ, động viên, trao đổi tình hình, kinh nghiệm công tác… tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để tôi sớm ổn định nơi ăn ở và công việc. Thấy mọi người chân thành, giúp đỡ tận tình, tôi nghĩ mình phải cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của cán bộ địa phương và người dân”.

Với cương vị Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách về kinh tế, chị Hà chủ động đến từng nhà, trò chuyện xem bà con cần gì, muốn gì để phát triển sản xuất. Thấy đất sản xuất nhiều nhưng xã không có hệ thống thủy lợi, chỉ có một số giếng bơm ngoài đồng, được khoan từ 6-7 năm trước nhưng không phát huy hiệu quả vì phải kéo điện từ nhà ra đồng quá xa, chị về phố, làm việc với Điện lực Đà Nẵng, rồi liên hệ Điện lực Liên Chiểu để mua cột điện bê-tông cũ với giá chỉ bằng 1/20 so với giá mua mới, rồi thuê xe cẩu đến chở về.

Thấy chị ngược xuôi vì bà con nông dân, Điện lực Đà Nẵng vừa hỗ trợ vật tư, thiết bị như cột, dây điện, hệ thống tiếp địa... vừa hỗ trợ nhân lực trong dựng cột, kéo dây. Hệ thống điện lưới dài gần hai cây số vắt ngang cánh đồng, xã chi tiền sửa chữa, cải tạo và khoan mới giếng nước ngay trên bờ ruộng, người dân chỉ việc chi tiền mua máy bơm, cắm điện vào là có nước tưới thường xuyên. Nhờ vậy, năng suất cây trồng tăng lên rõ rệt. Ông Võ Trung, nông dân thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc cầm bông lúa chín vàng trên tay vui vẻ nói:

“Tui đếm bình quân năm nay mỗi bông lúa có từ 450 đến 500 hạt mà không có hạt lép. Mấy năm trước, được mùa cũng chỉ 400 hạt thôi. Có nước từ giếng bơm chị Hà, bà con chủ động làm hai vụ chắc ăn, không lo bị đói nữa. Chị Hà giỏi lắm chú ơi”.

Giải quyết cơ bản vấn đề thiếu nước cho hơn 70% diện tích đất sản xuất, chị tính tiếp đến việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả nhất, như vận động bà con chuyển dần việc nuôi thả rông gia súc sang nuôi nhốt một phần, tăng cường công tác giám sát, tiêm phòng dịch, xây dựng một số mô hình trang trại nhỏ nuôi gia cầm, lợn, dê...

Anh Đinh Văn Mai, người dân tộc Cơ tu, cán bộ Ban Dân vận Đảng ủy xã Hòa Bắc tâm sự: “Chỉ riêng việc kéo được lưới điện ra đồng, xây dựng hệ thống bơm thủy lợi, chị Hà đã tạo được bước đột phá cho sản xuất của địa phương.

Chị Hà làm được nhiều việc cho bà con lắm, dù chị không phải là người địa phương”. Hiện nay, với cương vị Chủ tịch UBND xã, chị Lê Thị Thu Hà tiếp tục cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Hòa Bắc đẩy mạnh phát triển kinh tế, ưu tiên giảm nghèo bền vững, từng bước xây dựng nông thôn mới.

Nhận xét về cán bộ trực thuộc, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường nói: “Chúng tôi tự hào vì có những cán bộ tâm huyết, hết lòng vì dân như nữ Chủ tịch xã Lê Thị Thu Hà. Điều đó chứng tỏ nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ mà huyện triển khai nhiều năm qua đã và đang phát huy hiệu quả, tạo nên một đội ngũ cán bộ vừa có năng lực, trình độ, tâm huyết cho những nhiệm kỳ kế tiếp”.

2- Cùng nguyện vọng được góp sức xây dựng Đà Nẵng, Võ Văn Chi – tiến sĩ trẻ ở Đà Nẵng cũng đang miệt mài với bộn bề công việc tại Khu Công nghệ cao. Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới gặp được anh trong một quán cà-phê nhỏ.

Câu chuyện với Chi bắt đầu chậm rãi, nhẹ nhàng như ánh mắt, lời nói của chàng trai trẻ nhưng ngọn lửa nhiệt huyết ẩn sau đôi kính dày khiến anh có vẻ già dặn hơn nhiều so với tuổi 30. Chi kể, công việc nhiều vì thế buổi trưa của anh cũng thường khá đơn giản, có thể là dĩa cơm bình dân ngay gần cơ quan hoặc ổ bánh mì mua vội nơi góc phố.

Nhưng khi nói về công việc, Chi trở nên hào hứng, say sưa. “Khu Công nghệ cao là lĩnh vực mới mẻ. Nhiệm vụ của nhóm chúng tôi hiện nay là nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, ứng dụng, phát triển, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Chi và các đồng sự được yêu cầu xem xét, thẩm định dự án, thẩm định công nghệ… xem có phù hợp hay không”.

Câu chuyện của Võ Văn Chi quay lại với buổi đầu về nước, mới 26 tuổi, anh đã là tiến sĩ ngành Điện tử Nano tại Đại học Grenoble (Pháp). Anh được tiếp nhận và bố trí làm việc tại Ban quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Sau khi tốt nghiệp, Chi nhận được không ít lời mời ở lại nước ngoài nhưng anh luôn xác định, phải về đóng góp công sức để đền đáp cho quê hương, nơi mình sinh ra, lớn lên. Võ Văn Chi kể, hồi còn học trung học, một lần xem chương trình trên ti-vi về vật liệu nano, dù chưa biết rõ đó là cái gì, nhưng trong anh đã dấy lên khát khao được biết, được làm chủ cái mới, thứ vật liệu đặc biệt siêu nhỏ này.

Cơ hội tiếp cận tri thức mới, công nghệ mới xuất hiện khi Chi được chọn tham gia Đề án 922 “Đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài”. Ba mẹ, bạn bè động viên, Chi quyết định thực hiện ước mơ từ thuở bé bằng việc chọn chương trình Kỹ sư chất lượng cao (hợp tác đào tạo với Pháp) chuyên ngành Vật liệu tiên tiến tại Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và sau đó thực tập làm luận án tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Grenoble (Pháp).

Trong quá trình thực tập, Chi được cấp học bổng toàn phần để làm luận án tiến sĩ với đề tài “Tính chất từ của các cấu trúc nano trên graphene trên kim loại” mà không cần thông qua khóa học thạc sĩ. Đồng thời, lúc đó anh nhận được học bổng 1.080 euro/tháng và TP. Đà Nẵng hỗ trợ thêm 500 euro tiền sinh hoạt phí/tháng.

Tháng 3-2013, Võ Văn Chi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Grenoble (Pháp) với đề tài “Tính chất từ của các cấu trúc nano trên graphene trên kim loại”, trở thành tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam chuyên ngành công nghệ nano. Từ chối lời mời hấp dẫn ở lại làm việc tại Trung tâm phát xạ ứng dụng bức xạ Synchrotron châu Âu (ESRF), Võ Văn Chi quyết định về Đà Nẵng, góp sức phát triển ngành công nghệ cao - một ngành mới đầy hứa hẹn nhưng còn khá non trẻ ở thành phố này, cũng là thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đã giao ước khi tham gia Đề án 922.

“Hiện thành phố đang đầu tư một số ngành thuộc công nghệ cao như: Công nghệ sinh học, năng lượng sạch, công nghệ thông tin, vật liệu mới. Trong tương lai, công nghệ cao sẽ trở thành một ngành trọng tâm, mũi nhọn…”, Võ Văn Chi tin tưởng khẳng định.

Anh cũng hy vọng, ngành công nghệ nano sẽ tạo nên cuộc cách mạng công nghệ vào thập niên 2020 và các sản phẩm nano sẽ được sản xuất đại trà vào năm 2025. Ở Việt Nam, những năm gần đây, công nghệ nano bắt đầu được quan tâm với việc thành lập một số cơ sở nghiên cứu như Phân viện Vật liệu điện tử thuộc Viện khoa học Vật liệu tại Hà Nội (từ năm 2004) và Phòng thí nghiệm nano tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (từ năm 2004).

Tuy nhiên, quy mô và kết quả nghiên cứu về công nghệ nano tại Việt Nam đến nay vẫn còn nhiều hạn chế và Chi mong muốn góp phần mình vào sự phát triển của ngành công nghệ non trẻ này.

3- Với thạc sĩ Võ Mai Hương, 28 tuổi, chuyên gia về thị trường Nhật của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng thì ra đi là để trở về. Nhờ vào chính sách đúng đắn của lãnh đạo thành phố, mình may mắn được học tập và trau dồi kiến thức, kinh nghiệm tại Nhật Bản và Úc.

Thành phố trẻ đang trong giai đoạn phát triển và cần tụi mình trở về. Mình muốn góp một phần bé nhỏ để xây dựng và phát triển thành phố, như là một lời tri ân với những người đã cho mình cơ hội để trưởng thành”, Hương thổ lộ.

Với ý nghĩ đó, sau thời gian được cử đi học nước ngoài, Hương trở về ngay để góp sức xây dựng quê hương. Khá kiệm lời nên ít ai nghĩ rằng Hương đang phụ trách tổ công tác xúc tiến đầu tư cho thị trường Nhật Bản (Japan Desk) thuộc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, UBND thành phố Đà Nẵng. Công việc hằng ngày của Hương và các bạn trong tổ là tổ chức hoạt động quảng bá, hội thảo giới thiệu đầu tư và các đoàn xúc tiến đầu tư của thành phố tại Nhật Bản, đồng thời cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, tiếp đón các đoàn doanh nghiệp từ Nhật đến khảo sát môi trường đầu tư, hướng dẫn quy trình thủ tục triển khai dự án. Đồng thời, Hương cũng là người giúp đối tác - những nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc về giấy phép lao động, thuế… trong quá trình đầu tư vào thị trường Đà Nẵng.

Quá trình làm việc, nghiên cứu thị trường, văn hóa, lối sống, phong cách làm việc, Hương nhận thấy nhà đầu tư Nhật có nhiều điểm khác biệt so với nhiều nhà đầu tư ở các nước khác, đó là chậm nhưng chắc. Từ khi nhà đầu tư khảo sát lần đầu đến khi đưa ra quyết định và triển khai đầu tư phải mất vài năm ròng rã. Bởi vậy, với nhiệm vụ của mình, Hương và các bạn cũng phải theo sát họ để hỗ trợ, giúp đỡ.

“Nhiều lúc mình cũng sốt ruột nhưng không vội được. Các nhà đầu tư Nhật thường rất kỹ tính nhưng lại rất chắc chắn, nghiêm túc trong mọi dự án. Một khi họ đã quyết định triển khai thì thường làm rất nhanh và rất thành công, đóng góp rất lớn về ngân sách và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động tại địa phương”, Hương thổ lộ.

Bên cạnh việc hỗ trợ các nhà đầu tư, Hương còn kết nối với Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản JETRO, các hiệp hội và các đối tác Nhật Bản để chuyển thông tin đến nhà đầu tư một cách nhanh chóng và đầy đủ hơn.

Cho đến nay, Japan Desk đã tham mưu cho Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư ký kết 4 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác là hiệp hội, ngân hàng Nhật Bản. Hương cho biết, khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi nhắc đến Đà Nẵng đều nghĩ đến một thành phố du lịch và nghỉ dưỡng chứ chưa hề nghĩ đây là một điểm đầu tư cực kỳ hấp dẫn, tiện lợi. Chính vì vậy, Japan Desk được thành lập với mục tiêu chính là nhằm tiếp cận nhà đầu tư theo hướng mới để thay đổi hình ảnh của thành phố Đà Nẵng trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, giúp họ biết đến tiềm năng và các cơ hội đầu tư tại thành phố.

Sinh ra trong một gia đình có gia cảnh không mấy khá giả, ba làm công nhân còn mẹ buôn bán nhỏ, nhưng Hương luôn nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Với thành tích xuất sắc trong những năm học phổ thông (giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh), Hương được chọn tham gia Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố (Đề án 922).

Với mong muốn được tìm hiểu về nền kinh tế của các nước đang phát triển, Hương quyết định chọn ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Ritsumeikan Châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản) để theo học bậc đại học và sau đó tiếp tục nhận được học bổng theo học thạc sĩ ngành Quản trị Kinh tế và Tài chính quốc tế tại Đại học Queensland (Úc).

Bây giờ, với Hương mỗi ngày  làm việc là một trải nghiệm với nhiều điều thú vị bởi cô được đi nhiều, tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư và có cơ hội được đóng góp các sáng kiến, góp phần biến những ý tưởng đầu tư thành những công trình, dự án có ý nghĩa kinh tế-xã hội quan trọng đối với thành phố quê hương mình.  

P.TRÀ – T.THANH

;
.
.
.
.
.