Nếu quy trình giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) vốn không đơn giản với nhiều người thì với đồng bào Cơ tu tại 3 thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) lại giản đơn hơn nhiều. Bởi họ thường nhờ cán bộ làm thay mình với câu “ủy quyền” rất chất phác: Cái bụng của đồng bào chúng tôi ít chữ nên nhờ cán bộ làm giúp...
Công an huyện Hòa Vang làm Chứng minh nhân dân cho đồng bào Cơ tu tại nhà Gươl thôn Phú Túc, xã Hòa Phú. |
Trước đây, cuộc sống của đồng bào Cơ tu trên địa bàn huyện Hòa Vang khá bình lặng. Sáng đi nương rẫy, chiều về quây quần bên bếp lửa gia đình. Mọi người ít tiếp xúc hoặc giải quyết công việc liên quan đến các loại giấy tờ tùy thân. Đến khi giải quyết các TTHC mới vỡ lẽ về giá trị của những loại giấy tờ liên quan trực tiếp đến nhân thân của mình.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, nguyên cán bộ tổ “Một cửa” xã Hòa Phú cho biết, trước đây một số người dân ở thôn Phú Túc rất ngẫu hứng trong việc đổi họ. Kinh tế gia đình khó khăn hay gặp những chuyện buồn thì đổi họ để hy vọng sẽ “đổi vận”. Khi đến UBND xã giải quyết các TTHC thì gặp nhiều phức tạp. “Có trường hợp hai anh em ruột mang hai họ khác nhau. Anh cả thì chọn họ của một vị anh hùng dân tộc, còn người em thì lại chọn họ của vợ. Đến khi có tranh chấp tài sản của bố mẹ để lại, cả hai anh em tất tả làm thủ tục xác nhận nhân thân của mình”, anh Hoàng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, đồng bào Cơ tu ở lứa tuổi trung niên trở lên thường gặp nhiều khó khăn trong việc kê khai các loại giấy tờ, lại giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Cơ tu nên cán bộ “Một cửa” của xã rất khó để hướng dẫn. Chính vì vậy, địa phương bố trí cán bộ xã là người Cơ tu phụ trách tại tổ “Một cửa”; đồng thời yêu cầu khi giải quyết các TTHC cho người dân phải kiểm tra, đối chiếu kỹ thông tin của người kê khai để tránh sai sót.
Huyện Hòa Vang có 2 xã miền núi Hòa Bắc và Hòa Phú có đồng bào dân tộc Cơ tu sinh sống. Những năm qua, ngoài chăm lo về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, các dịch vụ xã hội... chính quyền huyện Hòa Vang và các xã Hòa Phú, Hòa Bắc đẩy mạnh công tác cải cách TTHC cho đồng bào Cơ tu; trong đó có công tác trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí, đăng ký hộ tịch và làm Chứng minh nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Đà Nẵng cho biết, mỗi năm Trung tâm tổ chức tư vấn trợ giúp pháp lý 2 lần ngay tại nhà Gươl các thôn. Để trợ giúp pháp lý một cách dễ hiểu, dễ nhớ, bộ phận cộng tác viên và trợ giúp viên ngoài kiến thức chuyên môn, phải có phương pháp truyền đạt gắn gọn, súc tích, dễ hiểu và nhất là thái độ tiếp xúc với đồng bào phải thân mật, chân tình, cởi mở để mọi người sẵn sàng chia sẻ những thắc mắc, kể cả những điều tế nhị. “Chúng tôi không chỉ hướng dẫn mà còn ghi số điện thoại của đồng bào để thường xuyên liên lạc hỏi tiến độ giải quyết công việc. Với những người già yếu, neo đơn, trợ giúp viên còn phải xuống tận nhà người dân để hướng dẫn thêm hoặc trực tiếp đi làm giúp các thủ tục”, bà Anh cho biết.
Ông Lê Đình Quảng, Phó phòng Tư pháp huyện Hòa Vang cho biết, người dân Cơ tu ít có cơ hội tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật. Trong thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện sẽ phối hợp đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức để đưa các chính sách pháp luật đến với người dân.
Từ những nỗ lực của các ngành, chính quyền sở tại trong công tác cải cách TTHC, đồng bào Cơ tu đã hết e dè khi đến các cơ quan công quyền “làm giấy tờ”. Ông Bùi Văn Cầm, thôn Giàn Bí hồ hởi: “Bây giờ thì sướng rồi. Nếu ngày trước phải lặn lội xuống tận huyện để làm giấy tờ thì bây giờ chỉ cần về xã nộp hồ sơ và ở nhà nhận kết quả. Ngoài ra, việc đăng ký hộ tịch hay làm Chứng minh nhân dân thì không phải mất công vì cán bộ đã trực tiếp xuống làm giúp dân”.
Bài và ảnh: HẠ SƠN