.

Mái ấm nhân đạo

.

Gần 50 thanh-thiếu niên khuyết tật, quê ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã tìm được niềm vui trong cuộc sống và sự hy vọng về tương lai tại Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện của Hội Chữ thập đỏ thành phố.

Tại lớp dạy nghề in thủ công của Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện.
Tại lớp dạy nghề in thủ công của Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện.

Đến Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện (nằm trên địa bàn phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), chúng tôi thấy không khí nhộn nhịp của các thanh-thiếu niên khuyết tật đang chăm chú học và làm nghề thủ công. Các em lưu trú ở đây và được giáo viên tận tình hướng dẫn từng động tác nhỏ.

Tại lớp dạy làm hương, cô Nguyễn Thị Hà nhẹ nhàng hướng dẫn cho 12 em sản xuất hương bằng máy và đóng gói, hoàn thiện sản phẩm. Nhiều em còn lóng ngóng, một số em khác lại làm rất thành thục. Những em có chân tay bình thường thì se hương bằng máy, những em chân bị tật nhưng đôi tay bình thường thì xếp hương vào bao và dán nhãn… Cô Hà cho biết, các em đã làm được nhiều loại hương, sản phẩm được hợp đồng tiêu thụ tại các nghĩa trang liệt sĩ và một số đại lý trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, lớp in lụa có 10 bạn trai, dáng khỏe mạnh, nhưng bị khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ, được thầy giáo Phạm Ngọc Tĩnh hướng dẫn kỹ thuật in thủ công và đang in các mẫu biểu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Thầy Tĩnh vừa chỉ dẫn cho một em mới vào, vừa bộc bạch: Mình phải thật kiên trì, nhỏ nhẹ, khéo léo động viên và thực hiện những động tác đơn giản để các em dễ dàng tiếp thu.

Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện thành lập năm 1997, trước đây đóng ở phường Hòa Hải, từ năm 2015 chuyển về phường Hòa Quý với cơ sở mới khang trang, rộng rãi. Hằng năm, Trung tâm tiếp nhận những người khuyết tật có khả năng học nghề, độ tuổi từ 14-25. Riêng từ năm 2017 trở đi, Trung tâm tiếp nhận thêm trẻ tự kỷ từ 13 tuổi trở lên. Vào đây, các em được nuôi miễn phí, học nghề và hưởng 10% khoản tiền lãi từ sản phẩm do các em tạo ra. Giám đốc Trung tâm Lê Tấn Hồng cho biết: Tùy theo dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật của từng em, Trung tâm bố trí đào tạo nghề phù hợp để các em có thể tìm kiếm việc làm và muộn nhất đến 27 tuổi sẽ trở về với gia đình.

Hằng năm, lãnh đạo Trung tâm nỗ lực tìm kiếm, vận động các tấm lòng nhân ái gần xa ủng hộ để bảo đảm cuộc sống cho các em, đồng thời tích cực giới thiệu những em lành nghề cho các nhà tuyển dụng. “Ngoài kết quả sản xuất, kinh phí hoạt động của Trung tâm từ nguồn tài trợ của Tổ chức Quỹ Brittany, Hope (Hoa Kỳ) cùng  sự ủng hộ của các nhà hảo tâm”, ông Lê Tấn Hồng chia sẻ.

Từ kết quả nuôi dạy của Trung tâm, nhiều thanh - thiếu niên khuyết tật đã trở thành thợ lành nghề, được tuyển vào làm việc trong các công ty, doanh nghiệp và tạo được cuộc sống ổn định. Đơn cử như em Trần Sáu (quê xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) sau 4 năm được Trung tâm nuôi và dạy nghề in đã được tuyển vào làm việc tại Công ty In Hoàng Duy trên đường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng). Còn em Nguyễn Thị Mỹ Ái (quê xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), bị khuyết tật cơ cổ, hai tay yếu, được Trung tâm đón vào nuôi và dạy nghề làm hương từ năm 2013. Bây giờ, không những làm thành thạo mọi công đoạn, em còn trợ giúp cô giáo hướng dẫn lại các bạn khác.  

Nhờ lao động hợp lý nên việc phục hồi chức năng của các em cũng tiến triển tốt, có những trường hợp xây dựng gia đình. Cụ thể như em Nguyễn Xuân Thịnh (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) và em Đinh Thị Thủy (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cùng bị câm điếc. Vào Trung tâm, Thịnh học nghề in, Thủy học nghề thêu và nảy nở tình yêu trong sự đồng cảm, cưu mang của mái ấm nhân đạo này. Giờ đây, hai em có một mái ấm gia đình hạnh phúc tại xã Hòa Tiến và thỉnh thoảng lại bế con về thăm Trung tâm với niềm biết ơn sâu sắc.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.