Sáng 27-4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổng kết dự án “Giám sát CBCC, đảng viên sinh hoạt ở khu dân cư năm 2016” và triển khai Đề án giám sát đại biểu dân cử năm 2017.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hải, trong năm 2016, việc đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Mặt trận các cấp và chính quyền địa phương trong thực hiện dự án “Giám sát CBCC, đảng viên sinh hoạt ở khu dân cư” đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực.
Mặt trận các cấp đã xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể tại cơ sở; chính quyền 7/7 quận, huyện và 56/56 phường, xã ban hành kế hoạch giám sát. Kết quả giám sát cho thấy, đa số đảng viên đương chức gương mẫu, nghiêm túc thực hiện Quy định 76-QĐ/TW; phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được cải thiện rõ rệt; tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân được nâng lên.
Một tín hiệu đáng mừng là không có bộ phận, cá nhân nào vi phạm nghiêm trọng Luật CBCC, không có tiêu cực trong thi hành công vụ, CBCC chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của đơn vị. Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh giám sát đối với cơ quan, đơn vị phường, xã, quận mà công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được chính quyền cơ sở duy trì thường xuyên, quan tâm đúng mức; công tác cải cách hành chính tại đơn vị được duy trì và đẩy mạnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên cho biết, dù đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Mặt trận các cấp chưa bám sát kế hoạch giám sát; vẫn còn những CBCC chưa phát huy hết khả năng, năng lực bản thân; đảng viên chưa tích cực tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú; một số CBCC bị xử lý kỷ luật vì vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Không chỉ dừng lại ở việc giám sát CBCC, đảng viên, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án giám sát hoạt động của đại biểu dân cử trên địa bàn thành phố năm 2017 nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và trách nhiệm của đại biểu dân cử trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đối tượng được giám sát là các đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng (khóa XIV); đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; trong đó, chú trọng giám sát kết quả giải quyết những vấn đề mà nhân dân kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri; đặc biệt là giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của các vị đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trước cử tri tại các hội nghị vận động bầu cử.
Thời gian tổ chức thực hiện giám sát gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ quý 1 và tháng 4-2017, thực hiện làm điểm tại 3 quận (Thanh Khê, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn) và 4 phường, xã (Hải Châu 1, Phước Mỹ, Hòa Khánh Bắc, Hòa Phong); giai đoạn 2 sẽ triển khai công tác giám sát trên toàn thành phố trong quý 3 năm nay.
“Quá trình giám sát phải bảo đảm công khai, khách quan, minh bạch theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt, thực hiện giám sát không làm cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức và đại biểu dân cử”, bà Đặng Thị Kim Liên khẳng định.
QUỐC KHẢI