.

Năm APEC 2017: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

.

Nhằm chuẩn bị nội dung cho diễn đàn Phụ nữ và kinh tế APEC với chủ đề tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi về công nghệ, sẽ diễn ra cuối năm 2017 do Việt Nam đăng cai chủ trì, ngày 10-4, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị tham vấn dự thảo kế hoạch hành động về phụ nữ và kinh tế trong APEC năm 2017.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, diễn đàn Phụ nữ và kinh tế APEC năm 2017 có quy mô 500 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế, các tập đoàn và các tổ chức lớn...

Với tư cách đơn vị chủ trì, Bộ LĐ-TB&XH xác định có 3 nội dung ưu tiên trong diễn đàn này là: thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng kinh tế bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.

Để thực hiện 3 nội dung ưu tiên này, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, Việt Nam cần có hướng dẫn luật một cách cụ thể, chi tiết về bình đẳng giới trong doanh nghiệp. Thực tế hiện nay trong các doanh nghiệp, phụ nữ rất muốn học hỏi, đào tạo nhưng vẫn chưa được trao cơ hội. Sự bất bình đẳng giới thậm chí còn được thể hiện bằng việc một số doanh nghiệp chỉ ưu tiên tuyển nam giới, không tuyển dụng nữ giới. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát hằng năm các doanh nghiệp tuyển dụng bao nhiêu lao động nữ, số lượng nữ được tham gia các lớp đào tạo, huấn luyện nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn là bao nhiêu.

Đồng tình với quan điểm này, tại hội nghị tham vấn, đại biểu đến từ Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần xóa bỏ các định kiến về giới, đặc biệt là trong tuyển dụng lao động. Ngoài ra, chính sách cần thông thoáng cởi mở hơn đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động nữ.

Mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ thuế đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động nữ nhưng hiện nay thủ tục để hưởng ưu đãi vẫn còn phức tạp, nhiêu khê nên nhiều doanh nghiệp không sử dụng quyền ưu tiên này. Thực tế, tại TP. Hồ Chí Minh trong 3 năm qua chỉ có 10 doanh nghiệp thực hiện quyền này.

Bên cạnh các chính sách, thái độ đối với nữ lao động trong các doanh nghiệp, các đại biểu dự hội nghị tham vấn mong muốn Nhà nước có các chính sách hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ như: hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp, đào tạo điều hành, hỗ trợ mạng lưới chuyên gia tư vấn, tiếp cận nguồn lực...

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh, bản thân các nữ doanh nhân cần nỗ lực học hỏi để có tầm nhìn toàn diện, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

TTXVN

;
.
.
.
.
.