.

Những năm tháng sát cánh vì nền độc lập Việt - Lào

.

Với phương châm “giúp bạn là giúp mình”, năm 1949, nhằm mở rộng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên toàn Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra chủ trương “mở rộng mặt trận Lào, Campuchia” để chi viện giúp cách mạng Lào. Ngày 30-10-1949, Bộ Chính trị quyết định tổ chức một bộ phận lực lượng vũ trang lấy tên là quân tình nguyện (QTN), chuyên gia quân sự (CGQS) giúp Lào. Trong đó, Liên khu 5 là đơn vị đóng vai trò chủ chốt, giúp bạn xây dựng lực lượng và đấu tranh vũ trang, chủ động tiến công địch trên chiến trường bắc, trung, Hạ Lào và đông bắc Campuchia.

Đại tá Trần Như Tiếp, Trưởng Ban liên lạc cựu quân tình nguyện, chuyên gia quân sự giúp Lào thành phố Đà Nẵng được Chính phủ CHDCND Lào tặng Huy chương Anh dũng chống Pháp ngày 20-4-2017.
Đại tá Trần Như Tiếp, Trưởng Ban liên lạc cựu quân tình nguyện, chuyên gia quân sự giúp Lào thành phố Đà Nẵng được Chính phủ CHDCND Lào tặng Huy chương Anh dũng chống Pháp ngày 20-4-2017.

Theo hồi ức của cựu chiến binh, Đại tá Trần Như Tiếp, Trưởng Ban liên lạc cựu QTN, CGQS giúp Lào thành phố Đà Nẵng, ngay sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi từ năm 1945, Việt Nam và Lào đã thành lập liên minh chiến đấu bảo vệ chính quyền non trẻ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược hai nước. Sau đó, các Liên khu 3, 4, 5 đều thành lập các đội vũ trang giúp bạn theo Chỉ thị của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng chỉ huy vào tháng 3-1948: “Chúng ta phải đứng vững trên lập trường dân tộc tự quyết, lấy tinh thần huynh đệ mà phụng sự việc giải phóng Lào, phải tích cực đào tạo cán bộ Lào, giúp Lào thành lập quân đội”. Đầu năm 1949, Hoàng thân Xupha Nuvông cử đồng chí Khăm-tày-xi-phan-đon (sau này là Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào) sang Việt Nam trao công hàm đề nghị Chính phủ Việt Nam giúp đỡ Lào thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào.

Khu kháng chiến Hạ Lào sau đó đã được thành lập để giúp đỡ nước bạn. Các xã Tam Dân, Tam Thái, Tam Đại, Tam An, Tam Phước và xã Tam Ngọc, huyện Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ) được chọn làm hậu cứ, căn cứ đứng chân với nhiệm vụ là hậu phương viện trợ vũ khí, quân trang, quân dụng, huấn luyện bộ đội, cung cấp CGQS giúp đỡ các đơn vị quân đội Việt Nam và Lào hoạt động trên chiến trường Hạ Lào, đông bắc Campuchia... Lực lượng tình nguyện hoạt động theo phương thức Ban xung phong công tác, đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập linh động bám dân xây dựng cơ sở và phấn đấu thành các đội quân 3 giỏi: công tác giỏi, chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi.

Lực lượng tình nguyện vừa giúp dân sản xuất, vừa cùng chiến đấu, giúp dân học chữ, chữa bệnh, làm ruộng và phát triển các khu du kích. Buổi đầu hòa mình vào công tác lực lượng tình nguyện rất gian khổ. Nhiều đồng chí hoạt động ở vùng bộ tộc thiểu số phải đóng khố, ở trần, để tóc dài, “cưa răng, căng tai” để vận động nhân dân. Chỉ sau một thời gian ngắn, căn cứ cách mạng đã nối liền các tỉnh đông bắc Campuchia với Hạ Lào và Tây Nguyên (Việt Nam) tạo thành một hành lang an toàn. Quân dân Nam Trung Bộ đã tích cực phối hợp với chiến trường nước bạn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, giải phóng nhiều vùng đất đai trên khu vực Hạ Lào và đông bắc Campuchia, góp phần giành thắng lợi quyết định, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Genève về Đông Dương, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, công nhận độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên 3 nước Việt Nam - Lào -Campuchia.

Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, chính sách của Mỹ ở Lào và Nam Việt Nam là chính sách can thiệp dưới những hình thức khác nhau. Sau Hiệp định Genève, lực lượng kháng chiến Lào tập kết về hai tỉnh Hủa-phăn (căn cứ Sầm Nưa) và Phong-xa-lỳ. Chính quyền Viêng-chăn giành quyền kiểm soát đại bộ phận lãnh thổ Lào (10 tỉnh). Từ giữa năm 1959, Mỹ bắt đầu tiến hành chiến lược chiến tranh đặc biệt ở Lào. Bước vào Xuân Hè năm 1960, cục diện mới xuất hiện trên chiến trường Đông Dương. Xác định đấu tranh vũ trang là chủ yếu ở Lào, ngày 15-7-1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương giúp cách mạng Lào theo hướng: “Ở Hạ Lào thì xây dựng lực lượng chính trị, quân sự bí mật, rồi tiến tới đấu tranh vũ trang”.

Trên cơ sở đó, tại vùng Hạ Lào, Việt Nam tăng cường một số chuyên gia dân sự, quân sự, đội vũ trang công tác. CGQS bố trí từ quân khu đến cấp tỉnh và các tiểu đoàn tập trung; lực lượng chuyên gia gồm các thành phần cán bộ quân sự, chính trị, hậu cần. Chuyên gia dân sự, Đảng được bố trí đến cấp huyện. Đội vũ trang công tác hoạt động theo phương thức khi tác chiến thì tập trung, lúc làm công tác thì phân tán nhỏ đến trung đội, số cán bộ phân tán xuống các địa phương để giúp đỡ cán bộ bản. QTN Việt Nam đã sát cánh cùng bạn tích cực chiến đấu, giúp mở rộng vùng giải phóng từ Thượng Lào đến Hạ Lào và nhiều vùng chiến lược quan trọng, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược 559 chi viện chiến trường nam Đông Dương, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Lào đến thắng lợi.

Dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng các chiến sĩ QTN, CGQS Việt Nam luôn sát cánh với nhân dân Lào, cùng “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, xây dựng và phát triển khu căn cứ kháng chiến Hạ Lào. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, việc xây dựng khu căn cứ kháng chiến Hạ Lào không chỉ là chỗ dựa vững chắc của cách mạng Lào mà còn của cả chiến trường Đông Dương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của ba nước Đông Dương.

ĐOÀN SƠN ghi

;
.
.
.
.
.