.

Ô nhiễm môi trường kéo dài: Nghi nước thải do nhà máy mạ kẽm gây ra

.

Ngày 2-4, trên trang mạng xã hội facebook, người dân thôn Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) phản ánh việc một nhà máy mạ kẽm hoạt động xả nước thải ra môi trường trong thời gian dài làm chết lúa, cá và các sinh vật khác, gây mùi hôi thối; nhân dân đi làm đồng lội phải nước thải về bị ngứa, ghẻ lở.

Cánh đồng bàu Lệ Sơn, nơi ô nhiễm gây hiện tượng cá và vịt chết.
Cánh đồng bàu Lệ Sơn, nơi ô nhiễm gây hiện tượng cá và vịt chết.

Sáng 3-4, lãnh đạo thôn Lệ Sơn Nam đưa chúng tôi đi thị sát tại bàu Lệ Sơn (đồng ruộng chung cho 3 thôn Lệ Sơn Nam, Nam Sơn, Lệ Sơn 2) và nghe những bức xúc mà người dân cũng như chính quyền địa phương phản ánh. Ông Đặng Văn Hảo, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến 2 cho biết, bàu Lệ Sơn là vựa lúa gần 4ha nuôi sống cả 3 thôn. Tuy nhiên, khi bàu bị ô nhiễm, người dân gặp nhiều khó khăn như cá chết, lúa không phát triển và không thể nuôi vịt. Hệ quả kéo theo là ốc bươu vàng phát triển tràn lan. Trong vụ mùa đông - xuân, nhiều hộ dân trồng lúa ở đây mất trắng dù phải cấy đi, cấy lại nhiều lần.

Ông Mai Hồng Lạc, Trưởng thôn Lệ Sơn Nam cho biết: “Bàu Lệ Sơn không chỉ trồng lúa mà còn chăn nuôi, đánh bắt cá. Nhưng từ tháng 6-2016 đến nay, khi nước thải từ một nhà máy ở xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) xả xuống gây ô nhiễm nặng, cá chết trắng. Nhiều hộ dân ở khu vực này đều bị thiệt hại”. Chị Lê Thị Ánh (thôn Lệ Sơn Nam) có một sào ruộng nhưng không thể sản xuất. Trước đó, gia đình chị thường thả nò đơm cá, mỗi đêm kiếm hơn 100.000 đồng, nhưng từ khi nguồn nước bị ô nhiễm, cá chết nên nguồn thu cũng mất.

Có lẽ thiệt hại nặng nhất là hộ ông Đặng Quang Đằng (thôn Nam Sơn). Ông Đằng nuôi 500 con vịt đẻ trứng ở cánh đồng nói trên hơn một năm trước, thu nhập khoảng 1,2 triệu đồng/đêm. Nhưng từ tháng 6-2016 đến nay, mỗi khi mưa lớn, kéo theo nước thải nghi từ nhà máy mạ kẽm nhúng nóng của Công ty T.Đ.T. (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đổ về khiến đàn vịt của ông chết. Đàn vịt 500 con hiện chỉ còn 70 con. Một báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang năm 2016 cũng cho biết, sau khi có phản ánh của người dân các thôn Lệ Sơn Nam và Nam Sơn, đơn vị đã tiến hành kiểm tra thực tế và thấy số vịt hộ ông Đặng Quang Đằng chết rất nhiều, mỗi ngày 20-40 con. Cơ quan thú y đã lấy mẫu kiểm tra thì kết quả âm tính với virus cúm A/H5N1 và âm tính với virus dịch tả vịt. Cơ quan thú y cũng khẳng định, vịt nhà ông Đằng chết không phải nguyên nhân dịch bệnh. Điều này khiến người dân nghi ngờ vịt chết do ăn, uống phải nguồn nước ô nhiễm.

Sau khi có sự phản ánh của người dân, nhất là khi xảy ra sự việc vịt, cá chết tại cánh đồng Lệ Sơn Nam và Nam Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thành phố kiểm tra thực tế, lấy mẫu nước để phân tích. Theo Sở TN-MT, qua kiểm tra thực tế cho thấy, gần khu vực này chỉ có phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty T.Đ.T (địa chỉ thôn 2, Thái Sơn, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang hoạt động có xả nước thải vào mương dẫn nước chảy vào khu vực đồng ruộng của người dân các thôn Lệ Sơn Nam, Nam Sơn. Mẫu nước lấy tại kênh dẫn tự nhiên bên cạnh Phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty T.Đ.T, về thông số sắt: vượt 2,3 lần, kẽm: vượt 2,9 lần so với cột B2, QCVN 08-MT: 2015/BTNMT. Sở TN-MT thành phố Đà Nẵng đã đề nghị UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH T.Đ.T, yêu cầu đơn vị phải thực hiện xử lý nước thải sản xuất đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, không để tình trạng cá, vịt bị chết như thời gian vừa qua.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Chương, Quản đốc Công ty T.Đ.T cho biết: “Nếu người dân cho rằng nhà máy gây ô nhiễm thì các anh kiểm tra ruộng lúa ngay sát nhà máy, lúa vẫn lên xanh. Nếu nhà máy gây ô nhiễm, người dân ở đây sẽ phản ánh, còn bàu Lệ Sơn cách đây đến 3km”. Ông Chương khẳng định rằng, nhà máy đã nỗ lực bảo vệ môi trường nhưng ông cũng thừa nhận những lúc mưa lụt, nước sẽ tràn ra ngoài. “Công ty có các giấy tờ đầy đủ về bảo vệ môi trường. Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn thường đi kiểm tra”, ông Chương cho biết.

Trong khi đó, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết, người dân các thôn Lệ Sơn Nam, Nam Sơn và Lệ Sơn 2 thường xuyên kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri về tình trạng nói trên. Lãnh đạo địa phương cũng đã nắm tình hình và phản ánh lên cấp trên. Cơ quan chức năng thành phố cũng đã có kiến nghị đến thị xã Điện Bàn nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

;
.
.
.
.
.