Sau cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, toàn thành phố có 8 phường và 3 xã được xếp vào loại 2. Trong cơ cấu tổ chức ở các phường, xã loại 2 chỉ còn 1 phó chủ tịch UBND, so với 2 phó chủ tịch UBND chịu trách nhiệm 2 mảng nhiệm vụ: văn hóa-xã hội và kinh tế trước đây.
Những lúc cả Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND phường loại 2 đều đi họp, cán bộ “một cửa” buộc phải hướng dẫn người dân đến phường khác để giải quyết nhu cầu chứng thực giấy tờ. Trong ảnh: Giao dịch hành chính tại “một cửa” phường Bình Thuận. |
Họp thành phố, họp quận, họp sở, ngành và các cuộc họp ở khu dân cư, họp nhiều đến nỗi lãnh đạo UBND phường không đủ người đi họp. Khi lãnh đạo UBND phường đi họp hết, cán bộ “một cửa” buộc phải hướng dẫn người dân vui lòng đi chứng thực giấy tờ nơi khác. Lãnh đạo UBND phường về cơ quan lúc nào cũng luôn có một chồng hồ sơ cao ngất chờ ký. Nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị với yêu cầu ngày càng cao cũng khiến lãnh đạo UBND các phường loại 2 luôn trong tình trạng quá tải công việc.
Trên thực tế, công tác chỉ đạo, điều hành quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đều tập trung vào chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường. “Từ chỗ 3 người chịu trách nhiệm, nay còn 2, rõ ràng áp lực công việc sẽ lớn hơn nhiều. Hai anh em chúng tôi đã thống nhất phân công nhau cùng chia sẻ nhiệm vụ của mảng kinh tế, mỗi người một ít để bảo đảm việc vẫn phải trôi chảy”, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) Nguyễn Đình Vương, người trước đó từng có 8 năm là Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, nói. Theo ông Vương, phường thuộc địa bàn trọng điểm hoạt động du lịch của quận nên áp lực phải bảo đảm an ninh trật tự, trật tự đô thị rất lớn. Ban ngày, chủ tịch và phó chủ tịch xử lý công việc hành chính đã phân công, thay phiên nhau dự họp ở thành phố, quận, phường và khu dân cư. Đêm về, từ 20 đến 23 giờ, lại cùng các lực lượng công an, dân quân, dân phòng duy trì an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự vỉa hè. Đặc biệt, việc duy trì trật tự trên tuyến đường Trần Hưng Đạo - đoạn giữa cầu Rồng và cầu Sông Hàn - gần như ngày nào cũng phải làm vì đây là đoạn đường thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội đường phố và có nhiều cơ sở dịch vụ vui chơi, giải trí thu hút đông đảo khách du lịch. Sắp tới đây, việc hình thành chợ đêm ở đoạn đường này sẽ làm tăng áp lực công việc cho chủ tịch và phó chủ tịch nhưng sáng hôm sau vẫn phải đi làm chứ không được nghỉ, không dám nghỉ, nghỉ là dồn việc ngay.
Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông (phường loại 2 duy nhất của quận Thanh Khê) Lê Hữu Khanh nêu bất hợp lý: Phường loại 2 thiệt thòi ở chỗ chỉ có 1 phó chủ tịch và 20 cán bộ không chuyên trách theo quy định tại Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 25-5-2016 của UBND thành phố, trong khi phường loại 1 là 22 người. Thế nhưng, nhiệm vụ, công việc của phường loại 2 không ít hơn phường loại 1. Ông Khanh nêu ví dụ: Do không được bố trí riêng chức danh cán bộ tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo như phường loại 1 nên công việc này ở phường loại 2 phải giao cho cán bộ Tư pháp-Hộ tịch kiêm nhiệm. Phường lại có ngành khai thác thủy sản nên phải bố trí 1 cán bộ theo dõi ngành thủy sản mà không được thay đổi “chỉ tiêu cứng” 20 người. Chỉ tiêu thu ngân sách của phường Thanh Khê Đông năm nào cũng được giao cao hơn các phường loại 1 như Tam Thuận, Thanh Khê Tây; chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ lại cao thứ 3 trong 10 phường của quận. Ông Khanh cho hay: “Tôi phải thường xuyên “ôm” hồ sơ về nhà tranh thủ giải quyết vào buổi tối. Trách nhiệm của mình là phải làm, đâu có ai gánh thay được”.
Bất cập nhưng phải thực hiện theo quy định
Hải Châu là quận trung tâm của thành phố nhưng có phường loại 2 nhiều nhất, 6/13 phường thuộc quận. Theo Chủ tịch UBND phường Bình Thuận Phan Dũng, là phường thuộc quận Hải Châu nên nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường rất nặng nề, chiếm nhiều thời gian của lãnh đạo UBND phường. Đặc biệt, trong bối cảnh quận Hải Châu được giao nhiệm vụ xây dựng để trở thành quận kiểu mẫu về trật tự đô thị, môi trường, nhiệm vụ của lãnh đạo UBND các phường thuộc quận nói chung đã nặng nhưng với 6 phường loại 2 càng áp lực hơn. Do đó, cần sửa quy định để các phường loại 2 thực hiện tốt nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch UBND phường Phước Ninh Lâm Thanh Nga, phường loại 1 có những công việc gì, phường loại 2 cũng có những việc ấy, thậm chí còn nhiều việc hơn. Phước Ninh không đạt điểm để nâng lên phường loại 1 nhưng lại là nơi đóng chân của Trung tâm Hành chính quận Hải Châu, là 1 trong 4 phường trung tâm của quận và thành phố.
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho hay: Sở Nội vụ rất chia sẻ với các phường loại 2 chỉ có 1 phó chủ tịch UBND phường nên chịu nhiều áp lực công việc. Việc Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ để tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định nâng phường loại 2 lên loại 1 đều phải đúng quy định pháp luật. Không phải cứ thuộc thẩm quyền của thành phố là có quyền được nâng từ loại 2 lên loại 1 theo ý muốn chủ quan. Biết là quy định pháp luật có bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của thành phố nhưng phải tuân thủ trước và tiếp tục kiến nghị Trung ương xem xét sửa đổi quy định.
Việc phân loại phường, xã thành các loại 1, 2, 3 được quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Các phường loại 1 phải đủ từ 75 điểm trở lên ở các tiêu chí: Quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế-xã hội, các yếu tố đặc thù. Sau cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Đà Nẵng có 9 phường và 3 xã loại 2. Hiện nay, các phường loại 2 đã tiến hành tự chấm điểm và gửi hồ sơ để Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành thẩm định (riêng 3 xã loại 2 của huyện Hòa Vang gồm Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú không nộp hồ sơ). Phần lớn các phường đều không đạt điểm hầu hết do không đủ diện tích tự nhiên. Riêng phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) đã được UBND thành phố điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính phường từ loại 2 lên loại 1 theo Quyết định số 1716/QĐ-UBND ngày 30-3-2017. |
Bài và ảnh: SƠN TRUNG