.

Quy định rõ trách nhiệm địa phương về quản lý tài nguyên, khoáng sản

.

Sáng 4-4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).

Tại hội nghị, đa số đại biểu đồng ý về phạm vi điều chỉnh của dự án luật; thống nhất tên của dự thảo luật là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.

Trong buổi sáng làm việc, một số đại biểu nêu băn khoăn về việc các quy định quản lý tài sản công vô hình - đặc biệt là tài nguyên, khoáng sản - chưa được thể hiện rõ. Điều đó có thể dẫn tới việc quản lý lỏng lẻo, gây thất thoát nguồn tài sản rất quan trọng này. Các quy định về quản lý tài sản công trong dự thảo luật chưa bao quát hết chính khái niệm tài sản công trong dự thảo luật. Cụ thể, theo dự thảo luật, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tiền thuộc ngân sách Nhà nước, các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối Nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

Đề cập vấn đề này, có đại biểu đề xuất ý tưởng quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố về việc quản lý tài sản công, trong đó có tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn để bảo đảm hiệu quả trong quản lý tài sản công.

Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo cho biết sẽ ghi nhận, nghiên cứu để hoàn thiện thêm bảo đảm tính bao phủ hơn nữa của dự thảo luật.  Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình thêm, Khoản 1, Điều 6 Dự thảo luật đã quy định rõ nguyên tắc: “Mọi tài sản công đều được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan”. Quy định như vậy đã mang tính bao phủ, vì ngoài luật này còn có các luật chuyên ngành khác như: Luật Đất đai, Luật Tài nguyên, khoáng sản… Các chế tài và biện pháp quản lý về tài nguyên, khoáng sản đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành, nhưng cần gia cố thêm để thể hiện rõ hơn trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

TTXVN

;
.
.
.
.
.