Chiều 26-4, Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật và cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016, do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy làm Phó Trưởng đoàn, có buổi làm việc với UBND các quận: Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Báo cáo của 3 quận cho biết, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế các địa phương bảo đảm đúng quy định cấp trên. Công tác sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dựa trên những người có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức. Bên cạnh đó, các địa phương động viên cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn, lớn tuổi, năng lực công tác hạn chế… nên nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc để được hưởng chính sách tinh giản biên chế. Riêng quận Ngũ Hành Sơn, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản 9 trường hợp, trong đó có 2 công chức và 7 viên chức. Cả 9 trường hợp này đều nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, nhìn chung việc tinh giản biên chế tại địa phương rất khó khăn, nhất là phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Vì trên thực tế có cơ quan, đơn vị hầu hết đội ngũ cán bộ tuổi đời còn trẻ nên không có đối tượng nằm trong diện tinh giản. Hiện nay, quận Hải Châu đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu đến cuối năm 2017 có hơn 80% dân số trên địa bàn quận Hải Châu có tài khoản điện tử.
Các quận cũng cho biết, việc triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại cấp cơ sở đã nảy sinh một số bất cập như việc luân chuyển, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức gặp khó khăn do vướng mắc chế độ của công chức, viên chức kèm theo. Các quận đề xuất xem xét tăng cường thêm một phó chủ tịch UBND các cấp để thuận lợi trong quản lý, lãnh đạo và điều hành. Cùng với đó, sớm ban hành hướng dẫn thi thăng hạng viên chức, công chức sự nghiệp; bổ sung thêm điều kiện tinh giản biên chế tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP về “sức khỏe không bảo đảm nhiệm vụ” để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Về biên chế, kiến nghị cân đối phương án giao biên chế cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhất là biên chế công chức và biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn giám sát Trần Văn Túy ghi nhận những kết quả tích cực trong việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước của 3 địa phương. Điểm nổi bật là đã phát huy vai trò của người đứng đầu trong cải cách bộ máy hành chính Nhà nước. Cùng với đó, việc triển khai mô hình quận điện tử, phường điện tử đã chuyển dần từ chính quyền quản lý sang phục vụ nhân dân nhưng không làm cho bộ máy biên chế phình to.
Phó Trưởng đoàn giám sát Trần Văn Túy đề nghị các địa phương tùy tình hình thực tiễn cần có những đổi mới, sáng tạo để vận dụng thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu tinh giản để bảo đảm bộ máy hành chính gọn nhẹ, làm việc năng động, hiệu quả.
VIỆT DŨNG