Chiều 24-4, tại di tích Hải Vân quan, Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất phương án bảo vệ, phát huy giá trị Hải Vân quan.
Theo đó, các bên thống nhất một số nội dung quan trọng như tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ theo hồ sơ di tích; ban hành quyết định phân cấp quản lý di tích (đơn vị trực tiếp quản lý, phối hợp quản lý); triển khai nghiên cứu, thăm dò và khai quật khảo cổ tất cả các hạng mục công trình để tạo cơ sở khoa học và bảo đảm tính xác thực trong việc tu bổ, tôn tạo các yếu tố gốc gắn liền với di tích Hải Vân quan.
Hai địa phương cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để di dời, giải tỏa loại bỏ các bộ phận, hạng mục công trình không liên quan đến hiện trạng gốc của di tích. Hai sở đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND thành phố Đà Nẵng giao trách nhiệm cho Sở VH-TT của tỉnh mình nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Hải Vân quan trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thỏa thuận chủ trương lập quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân quan gắn với phát triển du lịch bền vững. Trước mắt, trong tháng 5-2017, đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tổ chức lễ rước bằng di tích cấp quốc gia; giao UBND huyện Phú Lộc, UBND quận Liên Chiểu phối hợp xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng chấn chỉnh việc buôn bán, bảo vệ môi trường, hạn chế tác động làm ảnh hưởng các yếu tố gốc gắn liền với di tích.
NGỌC HÀ