Nếu tội sử dụng “thuộc hủy diệt sinh thái” được thừa nhận trong luật hình sự quốc tế thì các hoạt động của Monsanto đã phạm phải tội danh như vậy, các thẩm phán quốc tế tuyên bố trong phiên tòa chống lại tập đoàn hóa chất khổng lồ của Mỹ tại La Hay, Hà Lan ngày 18-4.
Các thẩm phán trong Tòa án Quốc tế về Monsanto tại La Hay, Hà Lan ngày 18/4 (Ảnh: EFE) |
Hãng tin AP đưa tin, Tòa án Quốc tế Monsanto tại La Hay, Hà Lan do các nhóm các nhà hoạt động thiết lập ngày 18/4 đã đưa ra ý kiến tham vấn về các hoạt động của tập đoàn hóa chất khổng lồ của Mỹ. Chủ tọa - thẩm phán Françoise Tulkens - đã thay mặt ban bồi thẩm gồm 5 thành viên công bố kết luận sau hai ngày điều trần hồi tháng 10 năm ngoái và nhiều tháng xem xét các bằng chứng.
Monsanto là công ty công nghệ sinh học của Mỹ từng sản xuất chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.
Phiên tòa đã xem xét 6 vấn đề chính liên quan tới các hoạt động của Monsanto. Trong vài tháng qua, 5 thẩm phán nổi tiếng thế giới của Tòa án Quốc tế Monsanto đã lắng nghe 30 nhân chứng và các chuyên gia từ 5 châu lục nói về các vấn đề được đưa ra ra tòa.
Đối với 4 vấn đề liên quan tới các vấn đề về nhân quyền, tòa kết luận rằng Monsanto đã “đã tham gia vào các hoạt động gây tác hại tới các quyền của con người về một môi trường và lương thực lành mạnh, và sức khỏe tốt”.
Tòa án cho hay, Monsanto đã làm ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe các các nông dân và những người khác khắp thế giới khi sản xuất và bán nhiều loại hóa chất nguy hiểm, như thuốc diệt cỏ Roundup, và các loại hạt giống biến đổi gen.
Vấn đề thứ 5 liên quan tới sự đồng lõa của Monsanto trong các tội ác chiến tranh trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn (1962-1973), hơn 70 triệu lít chất độc da cam (chứa dioxin) đã bị rải xuống gần 2,6 triệu héc-ta đất tại Việt Nam, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam. Hóa chất đó cũng gây tổn hại cho các binh sĩ Mỹ và các nước khác, gây ra các vụ kiện tụng về sự liên quan của Monsanto trong cuộc chiến.
Về vấn đề thứ 6, tòa án kết luận rằng nếu tội sử dụng “thuộc hủy diệt sinh thái” được thừa nhận trong luật hình sự quốc tế thì các hoạt động của Monsanto đã phạm phải tội danh như vậy. Khi đi đến kết luận này, tòa án nhấn mạnh rằng tội sử dụng thuộc hủy diệt sinh thái nên được quy định chính xác và rõ ràng và được khẳng định bởi luật hình sự quốc tế.
Bảo vệ thế giới khỏi các hóa chất độc hại
Được thành lập bởi một nhóm gồm các tổ chức xã hội dân sự nên kết luận của tòa không có giá trị ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, các kết luận này đã thúc đẩy nỗ lực lớn hơn của nhóm “nhằm bảo vệ các hạt giống, đất, các cộng đồng và xã hội, hành tinh và chính chúng ta khỏi các hóa chất độc hại”, Vandana Shiva, người đứng đầu tổ chức Navdanya, cho biết hồi năm ngoái.
Các thẩm phán cũng viết rằng “kết luận tham vấn này là tín hiệu mạnh mẽ gửi tới không chỉ những người liên quan tới luật pháp quốc tế, mà còn là nạn nhân của các hóa chất độc hại và quyền lực của các tập đoàn. Phiên tòa đã tạo ra các liên kế và chia sẻ thông tin quan trọng giữa các luật sư và các tổ chức đại diện cho các nạn nhân. Vì vậy, nhiều khả năng kết luận này sẽ dẫn tới các vụ việc pháp lý hơn chống lại Monsanto và các công ty tương tự… Các công ty gây thiệt hại tới sức khỏe, thực phẩm và môi trường nên và sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ”.
Katherine Paul, giám đốc Hiệp hội những người tiêu dùng Organic, cho rằng “hi vọng công việc mà Tòa án Monsanto hoàn thành trong 6 tháng qua sẽ giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách quốc tế và các tòa án trong bối cảnh họ tìm kiếm các cách thức nhằm buộc các tập đoàn đa quốc gia chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà họ gây ra đối với quyền của chúng ta về sức khỏe và môi trường có lợi”.
Theo Dân trí