Những ngày qua, một số tiểu thương ở đình chính của chợ An Hải Bắc (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) phản đối việc xã hội hóa (XHH) xây dựng lại chợ, mặc dù chợ này đã xuống cấp nặng nề và tạm bợ, nhếch nhác từ nhiều năm nay.
Khu vực hàng cá và rau, củ, quả chợ An Hải Bắc che tạm bằng nilon, thường ngập nước vào mùa mưa. |
Chợ An Hải Bắc được xây dựng năm 2002 với tổng diện tích 3.600m2, trong đó, chỉ có khu đình chính của chợ được đầu tư kiên cố, khu hàng thịt bán kiên cố, các khu vực còn lại được đầu tư tạm. Hiện khu đình chính đã xuống cấp nặng, kết cấu bị nứt lòi sắt, trần nhà bằng bê-tông cốt thép bao bên ngoài cũng đã bong lớp vữa xi-măng, lòi sắt gỉ sét. Mái tôn của đình chính được thay mới 2 năm nay cũng lác đác những lỗ thủng chân đinh. Khu chợ tạm ở ngay phía sau đình chính được che tạm bợ bằng những tấm nilon, miếng tôn cũ. Vào mùa mưa, khu vực chợ tạm ngập đầy nước bẩn... Đặc biệt, hệ thống điện tại chợ đã cũ nát, không đồng bộ, rất mất an toàn và không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.
Dựa trên chủ trương của UBND thành phố, UBND quận Sơn Trà đã lập phương án XHH xây dựng lại chợ với tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng, trong đó, ngân sách quận 50%, phần còn lại huy động từ đóng góp của các hộ tiểu thương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Công trình dự kiến khởi công vào tháng 4-2017 và hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão. Trong thời gian thi công (từ 4-5 tháng), các hộ tiểu thương được di dời về buôn bán tại chợ tạm được thiết lập ở khu đất 4 mặt tiền đường Trần Nhân Tông - Trần Thánh Tông - Lê Chân - An Hải 15.
Đáng nói là trong khi đa số các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ An Hải Bắc đều đồng ý với chủ trương xây dựng lại chợ thì một số hộ tiểu thương ở đình chính khăng khăng phản đối phá dỡ đình chính đã xuống cấp để xây mới với nhiều lý do, đồng thời nêu kiến nghị chỉ nâng cấp khu hàng thịt và khu chợ tạm. Trước những ý kiến của người dân, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, quận sẽ có thông báo chính thức bằng văn bản về thời gian làm chợ tạm mới để các hộ tiểu thương di dời sang buôn bán trong thời gian thi công chợ An Hải Bắc. Ngoài ra, cũng sẽ thông tin cụ thể thời gian thi công, thời gian hoàn thành và niêm yết công khai toàn bộ văn bản pháp lý, sơ đồ quy hoạch chợ để bà con biết. Khi đã xây xong chợ mới, cơ quan chức năng sẽ họp từng ngành hàng để công khai dự kiến phân lô, bố trí ngành hàng và lấy ý kiến của bà con để bố trí cho phù hợp.
“UBND quận sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quận Sơn Trà tạo điều kiện cho những hộ tiểu thương có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi. Quan điểm của quận là bảo đảm tất cả các hộ ở chợ cũ đều được vào kinh doanh tại chợ mới và quyền lợi chính đáng của bà con tiểu thương trên cơ sở có sự đồng thuận, có sự tham gia đóng góp xây dựng chợ mới. XHH xây dựng chợ, người dân đóng góp một phần, Nhà nước đầu tư một phần ngân sách là chủ trương chung đã thực hiện nhiều năm nay. Thực tế, quận đã xây dựng được 3 chợ là Phước Mỹ, An Hải Đông và Nại Hiên Đông cũng với phương thức này. Việc xây dựng, nâng cấp chợ không phải chỉ duy nhất một mục đích thương mại mà còn xuất phát từ đòi hỏi của nhân dân chứ không của chỉ riêng các hộ tiểu thương, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Hơn nữa, toàn chợ đã xuống cấp nặng nề, không đồng bộ, không an toàn, nhiều người dân ngại đến chợ... Chính vì vậy, mỗi hộ tiểu thương cần có sự đồng thuận, chia sẻ vì lợi ích chung của cộng đồng, tạo điều kiện cho công trình thi công thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ”, ông Nguyễn Thành Nam nói.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP