.

Xây dựng niềm tự hào Đà Nẵng

.

Cách đây hơn 3 năm, trong chuyến thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đà Nẵng là địa bàn chiến lược của khu vực và cả nước, có bước phát triển khá toàn diện và rõ nét; nhiều sáng tạo, linh hoạt trong cách làm đã mang lại thành công.

Thương hiệu Đà Nẵng được ghi nhận, đánh giá không chỉ trong nước mà cả nước ngoài… Điều quan trọng là cần sớm rút ra những bài học kinh nghiệm từ những cách làm đó để tiếp tục phát triển hơn nữa”.

Đây là ghi nhận, động viên kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thành phố tạo đột phá mới trong những năm đến.

Đô thị Đà Nẵng phát triển với nhiều cây cầu, công trình cao tầng hiện đại, văn minh.  Ảnh: VIỆT DŨNG
Đô thị Đà Nẵng phát triển với nhiều cây cầu, công trình cao tầng hiện đại, văn minh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cuộc cách mạng về phát triển đô thị

42 năm sau giải phóng, Đà Nẵng từ một thành phố bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh trở thành đô thị theo hướng văn minh, hiện đại của cả nước. Mốc son đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của Đà Nẵng thể hiện rõ rệt sau khi Bộ Chính trị có chủ trương chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1997.

Kể từ đó, thành phố đã làm một “cuộc cách mạng” về xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị. Hàng trăm dự án phát triển hạ tầng đô thị và giao thông đã làm nên diện mạo Đà Nẵng đổi thay đáng tự hào. Hàng ngàn tuyến đường được mở rộng và xây mới; nhiều khu đô thị với vóc dáng hiện đại được mọc lên, tạo lan tỏa thành phố ra nhiều hướng.

Song song với phát triển hạ tầng đô thị, Đà Nẵng thực hiện các cơ chế, chính sách linh hoạt, đặc biệt là tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút tối đa các nguồn lực phát triển.

Bằng những chính sách linh hoạt và phù hợp với thực tiễn nên thành phố hiện có hơn 19.000 doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, thành phố có từ 40.000 đến 45.000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn vươn tầm khu vực và quốc tế.

Nhiều năm liền Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin…, từng bước hướng đến mô hình chính quyền điện tử. Kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh với cơ cấu hợp lý và đúng định hướng.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2016 đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 16 lần. Trong đó thu nội địa đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 23 lần. Với lợi thế nằm trên điểm cuối của Tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, có sân bay quốc tế và cảng biển, Đà Nẵng trở thành đầu mối giao thương quan trọng của cả nước, thành phố ưu tiên phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thân thiện môi trường, hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

Phát triển như một Singapore, Hồng Kông

42 năm qua, đặc biệt là sau 20 năm chia tách, lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng phát huy tính năng động, sáng tạo, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ các nguồn lực phát triển, khơi dậy và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, các hướng đột phá mới nhằm tạo thế và lực xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố trung tâm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực và cả nước.

Thành phố chọn những khâu đột phá dựa trên tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW và Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Thành phố đóng vai trò động lực trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội được chú trọng với mức đầu tư ngày càng tăng; bước đầu đã hình thành và phát huy nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 70 triệu đồng…

Thành phố triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn như chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” và gần đây là chương trình “Thành phố 4 an” được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tất cả đã minh chứng cho phương châm: “Đảng nói - dân tin; Mặt trận - đoàn thể vận động, dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ”.  

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh khẳng định: Thành quả của Đà Nẵng sau 20 năm trực thuộc Trung ương không chỉ là những cây cầu, những con đường, những công trình kiến trúc kỳ vĩ hay những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng mà cái được lớn nhất của thành phố là được lòng dân.

Chính vì vậy, người đứng đầu Đảng bộ thành phố mong muốn thế hệ hôm nay hãy hành động với tất cả trí tuệ và cái tâm của mình, hãy vững vàng và bản lĩnh vì sau lưng là 1 triệu người dân thành phố và đây chính là lá chắn vững chắc để thành phố tiến lên phía trước, mạnh mẽ bước vào cuộc chiến mới: đưa Đà Nẵng phát triển lên một tầm cao hơn...

“Một thành phố động lực không thể không có khát vọng. Khát vọng của chúng ta là trong 20 năm tới bên bờ biển xinh đẹp này phải có được một thành phố không chỉ phát triển bề rộng mà phải có tầm cao, cao về trình độ văn minh đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời phải có chiều sâu, sâu trong cái đẹp mang đậm bản sắc văn hóa người Đà Nẵng và tự hào truyền thống cách mạng của đất Quảng anh hùng”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Với những thành tựu quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử sau 42 năm giải phóng đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tin tưởng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng và phát triển Đà Nẵng như một Singapore, Hồng Kông trong tương lai như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào để mỗi người dân Đà Nẵng cùng phấn đấu, nỗ lực cho một thành phố văn minh, hiện đại trong tương lai…

Việt Dũng

;
.
.
.
.
.