(tiếp theo và hết)
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cũng đã chỉ rõ các biểu hiện của “lợi ích nhóm” này: “Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích... Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động. Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi...”(1).
Nguyên nhân của sự hình thành và phát triển “lợi ích nhóm” (tiêu cực) là do chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý để phát huy tính tích cực và hạn chế mặt tiệu cực của lợi ích nhóm; sự không minh bạch và thiếu tính khoa học trong quy trình hoạch định và thực hiện các chính sách; hoạt động quản lý quan liêu; cơ chế “xin - cho”; thói quen chấp nhận sự cộng sinh và thỏa hiệp với sai trái; sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và sự yếu kém trong hoạt động của một số tổ chức Đảng; sự không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; cơ chế giám sát, kiểm soát nhiều khi còn hình thức...
Nếu không có cơ chế ngăn chặn lợi ích nhóm (tiêu cực) phát triển sẽ kìm hảm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị, cơ quan; làm suy thoái, tha hóa về đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên (đặc biệt là những người có chức, có quyền). Điều đó sẽ làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ(2). Trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tại Hội nghị lần thứ 3, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI; Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”…) và trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đều đã cảnh báo nguy cơ “Lợi ích nhóm”(3).
Để phòng ngừa, hạn chế mặt tiêu cực của “lợi ích nhóm” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Xây dựng cơ chế công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạch định và thực thi đường lối, chủ trương, chính sách; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, sự độc quyền trên một số lĩnh vực về kinh tế.
- Hoàn thiện chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm ngăn chặn, phòng ngừa việc lợi dụng kẻ hở của pháp luật để trục lợi; hoàn thiện các quy định pháp luật về hội, luật vận động hành lang, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật tiếp cận thông tin, luật chống độc quyền.
- Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu thật rõ ràng, rành mạch. Công khai, minh bạch trong công tác tuyển chọn, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển cán bộ ở các lĩnh vực, vị trí nhạy cảm.
- Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ đảng viên (nhất là những người đứng đầu); lãnh đạo đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, suy thoái về đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên; chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh(4).
- Thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, nâng cao vai trò làm chủ của công dân (Giám sát xã hội và phản biện xã hội là những phương thức thực hành dân chủ - thể hiện quyền lực của người dân trong quan hệ với quyền lực nhà nước; nó vừa mang tính chế ước, vừa mang tính hợp tác - vì nhu cầu, lợi ích của cộng đồng, xã hội. Giám sát và phản biện xã hội có các vai trò nổi bật sau: Góp phần phòng ngừa, hạn chế sai lầm trong hoạt động của các chủ thể cầm quyền, tạo lập sự đồng thuận xã hội; góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước sau khi đã ủy quyền, trao quyền; tạo lập môi trường rèn luyện dân chủ, nâng cao bản lĩnh chính trị, tính tích cực chính trị của công dân (với tư cách một con người chính trị); góp phần từng bước hoàn thiện kỹ năng điều chỉnh trong quá trình thực hành công vụ của đội ngũ công chức Nhà nước. Giám sát và phản biện xã hội mang tính nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học và thực tiễn(5).
PGS, TS Lê Văn Đính
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết số 4-NQ/TW) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 2016.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, Trang 68.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, trang 184.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb CTQG. Hà Nội 2016, tr.128.
(5) Ban Chấp hành Trung ương, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Namvà các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị)