Đường gom Yết Kiêu-Ngô Quyền-Ngũ Hành Sơn: Nhiều vướng mắc khi lưu thông một chiều

.

Theo quy định, từ ngày 1-5, đường gom dọc hai bên trục đường Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn, đoạn từ nút giao đường Nguyễn Phan Vinh đến nút giao đường Hồ Xuân Hương với chiều dài gần 8km trở thành đường một chiều. Qua gần 10 ngày triển khai thực hiện, có những ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.

Người dân vẫn lưu thông ngược chiều trên đường gom.
Người dân vẫn lưu thông ngược chiều trên đường gom.

Phản ứng đầu tiên của nhiều người đi đường là tỏ ra khá bất ngờ khi đường gom hai bên trục đường nói trên vốn lưu thông hai chiều nay được gắn biển cấm đi ngược chiều, cùng với đó là lực lượng chức năng đứng ở các đầu đường rẽ hướng dẫn trực tiếp cho người dân không đi ngược chiều.

Một cán bộ của Công ty Quản lý cầu đường thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) chốt trực ở ngã tư Phan Tứ - Ngũ Hành Sơn cho biết: “Do phương án lưu thông mới được đưa vào thử nghiệm, chưa có chế tài xử lý (ngày 1-6 mới xử phạt vi phạm hành chính đi ngược chiều- PV) nên chúng tôi chỉ nhắc nhở để người dân biết, nhưng nhiều người vẫn cố tình đi ngược chiều, thậm chí có cả ô-tô vi phạm”.

Theo phản ánh của người dân, do việc lưu thông theo phương án mới đưa vào áp dụng 10 ngày nay nên nhiều người chưa quen. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, việc lưu thông một chiều khá bất tiện. Ông Nguyễn Hữu Thành (nhà ở đường Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết:

“Nhà tôi cách nút giao Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Hồ Xuân Hương khoảng 100m. Từ khi triển khai đường gom một chiều đi về hướng cảng Tiên Sa, các hộ dân trên đoạn đường này phần lớn đều chấp hành. Tuy nhiên, để di chuyển hướng ngược lại, bắt buộc chúng tôi phải đi vòng xuống phía chợ Bắc Mỹ An rồi chạy ra đường Hồ Xuân Hương mới qua nút giao, hoặc chạy lên phía đèn tín hiệu ở Bà Huyện Thanh Quan - Ngũ Hành Sơn rồi vòng sang bên kia đường chạy ngược lại về nút giao nên rất bất tiện”.

Nhiều hộ dân ở gần vòng xoay cầu Sông Hàn, nút giao cầu Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Thoại - Ngũ Hành Sơn, vòng xoay Ngô Quyền - Nguyễn Công Trứ... cũng nêu khó khăn khi di chuyển trên đường gom theo hướng một chiều. Họ kiến nghị, nếu thực hiện lưu thông một chiều, nên dỡ bỏ dải phân cách giữa trục đường chính và đường gom, mở thêm lối rẽ tại dải phân cách của hai trục đường chính để người dân đi lại thuận tiện.

Theo Sở GTVT, trục đường Ngũ Hành Sơn - Ngô Quyền - Yết Kiêu là tuyến đường vận tải vận chuyển hàng hóa chính từ cảng Tiên Sa ra quốc lộ 1A và quốc lộ 14B lên các tỉnh Tây Nguyên. Trục đường này đầu tư từ vốn vay ODA Nhật Bản, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Để tuyến đường này bảo đảm an toàn, thì xây dựng trục chính ở giữa, hai bên là đường gom. Khi mới đưa vào hoạt động, thành phố cũng đã kiến nghị tháo dỡ dải phân cách, nhưng do đây là tuyến đường vận tải hàng hóa của cảng tiềm ẩn tai nạn giao thông nên Bộ GTVT không đồng ý. Vì vậy, theo nguyên tắc, người dân di chuyển trên đường gom, trục đường chính là đường vận tải và dải phân cách là cần thiết để bảo đảm an toàn giao thông.

Dự án trục đường Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn là công trình giao thông quan trọng. Song, mong muốn của người dân là khi triển khai lưu thông một chiều trên hai đường gom, chính quyền cần lắng nghe ý kiến người dân và việc xây dựng đường gom phải phù hợp với điều kiện thực tế, tránh ảnh hưởng đến đời sống cũng như việc sinh hoạt của người dân ở tuyến đường này.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Nguyễn Hữu Cường cho biết: “Thời gian gần đây, tai nạn giao thông tăng, xung đột giao thông tại các nút giao thông thường xuyên xảy ra, nên việc áp dụng đường một chiều là cần thiết. Hiện nay, chỉ nhắc nhở người dân đi một chiều trên đường gom này, từ ngày 1-6 mới áp dụng các chế tài xử phạt. Theo kế hoạch, đến năm 2020, khi cảng Liên Chiểu hoàn thành, cảng Tiên Sa thành cảng du lịch thì sẽ xem xét điều chỉnh dải phân cách theo kiến nghị của người dân.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.