Thành lập từ năm 2010, đến nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng có 23 cơ sở Đoàn trực thuộc với gần 1.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Bên cạnh các đơn vị hoạt động sôi nổi vẫn còn không ít đơn vị hoạt động... cho có.
Chi đoàn Công ty CP Thép Đà Nẵng tham gia dọn vệ sinh trong “Ngày thứ bảy tình nguyện” do đơn vị tổ chức. |
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Bí thư Đoàn các KCN Đà Nẵng cho biết, từ khi thành lập, Ban Thường vụ Đoàn các KCN Đà Nẵng xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, người lao động thông qua các hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn như tổ chức văn hóa - văn nghệ, vận động khám bệnh, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho con người lao động... Trong đó một số hoạt động đáng chú ý như “Ngày hội công nhân lao động các KCN Đà Nẵng”, “Giao lưu văn nghệ và tư vấn sức khỏe cho công nhân lao động”, Hội thao “Thanh niên công nhân”... Ngoài ra, Đoàn các KCN Đà Nẵng cũng phát động sâu rộng phong trào “3 hơn”, “3 trách nhiệm”, “Sáng tạo trẻ” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ĐVTN. Đơn cử như Chi đoàn Ban quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xây dựng mô hình “một cửa liên thông”, tạo thuận lợi cho việc đăng ký của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Tại Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu nghị Đà Nẵng, đoàn viên Mai Phước Hoàng Vinh thuộc Chi đoàn May với sáng kiến tăng chi tiết ở mỗi làn in giúp DN tăng từ 60% đến 100% năng suất, đoàn viên Huỳnh Văn Cường với sáng kiến chế tạo gá may lập trình tăng 200% năng suất...
Để phong trào Đoàn tại DN sôi nổi, trước hết phải kể đến sự hỗ trợ, tiếp sức từ chủ DN. Nổi bật như Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Thủy sản - Thương mại Thuận Phước, Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu nghị Đà Nẵng... Là đơn vị được UBND thành phố Đà Nẵng tôn vinh “DN chăm lo tốt đời sống người lao động 2016”, những năm qua, Công ty CP Cơ điện miền Trung (CEMC) không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, thường xuyên tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn, Hội phát triển.
Tuy nhiên, khó thành lập và duy trì hoạt động của tổ chức Đoàn - Hội trong các đơn vị trực thuộc KCN nói chung, DN có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng vẫn là điều dễ nhận thấy hơn những thuận lợi. Đây không là vấn đề của riêng Đà Nẵng mà là cái khó chung của các địa phương trên cả nước. Từ năm 2015 đến nay, đã có 2 chi đoàn trực thuộc Đoàn các KCN Đà Nẵng xin giải thể vì DN làm ăn không hiệu quả dẫn đến phá sản.
Số liệu tại Cục Thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có hơn 76.000 công nhân, người lao động đang làm việc tại 270 DN thuộc 6 KCN. Trong đó có khoảng 40.000 công nhân làm việc cho các DN nước ngoài. Đa phần công nhân tại các KCN khi được hỏi về phong trào Đoàn đã thẳng thắn thừa nhận mình không được lãnh đạo DN tạo điều kiện tham gia. Bên cạnh đó, cán bộ Đoàn các KCN Đà Nẵng phần lớn kiêm nhiệm, kinh phí hoạt động hạn chế nên nhiều hoạt động không thể triển khai thường xuyên.
Năm 2016, Đoàn các KCN Đà Nẵng từng lên kế hoạch triển khai chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản cho thanh niên công nhân, nhưng khi phổ biến thì chỉ có 1 đơn vị đăng ký tham gia. Do vậy, hoạt động này không thể diễn ra như dự kiến. Một lý do quan trọng khác khiến sinh hoạt Đoàn tại KCN khó bề sôi nổi là vì đời sống công nhân còn nhiều khó khăn, lịch làm việc theo ca và dày đặc ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động phong trào. Một công nhân (xin giấu tên) cho biết, chị rất thích tham gia sinh hoạt Đoàn, tuy nhiên, với mức lương thấp, hầu như cuối tuần nào chị cũng đăng ký tăng ca để cải thiện thu nhập nên không còn thời gian cho những hoạt động Đoàn, Hội.
Không ít lần thủ lĩnh Đoàn tại DN sản xuất “khóc ròng” khi chỉ có vài ba ĐVTN tham gia phong trào, trong khi DN có hàng trăm lao động đang ở tuổi Đoàn. Một Bí thư Đoàn của một công ty tại KCN Hòa Khánh chia sẻ, có lần công nhân hỏi thẳng anh: Tôi tham gia sinh hoạt Đoàn có được tính điểm thưởng hằng tháng không? Đoàn có nuôi sống tôi được không? Chúng tôi còn chưa lo được cuộc sống cho mình, lấy đâu thời gian và tiền bạc tham gia các hoạt động tình nguyện. Trước những câu hỏi đó, anh chỉ biết cười buồn mà chẳng thể tìm được lý do hợp lý để thuyết phục họ bởi với mức lương hạn chế, trước mắt họ là cơm, áo, gạo, tiền...
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ