Tình trạng spa và các cơ sở làm đẹp không có đội ngũ y, bác sĩ vẫn tự ý sử dụng dịch vụ tiểu phẫu, xâm lấn da, hành nghề trái quy định tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe, sắc đẹp của khách hàng đang diễn ra phổ biến tại Đà Nẵng.
Sau khi cắt mí ở E. Spa, mắt L. luôn trong tình trạng cộm khó chịu như có “bụi bay vào mắt”, đường chỉ không tiêu để lại sẹo dài, mưng mủ. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Hiện nay, các dịch vụ như cắt mí, tạo má lúm đồng tiền, hạt gạo, cằm V line, lăn kim tái tạo da mặt đang được giới trẻ ưa chuộng. Thế nhưng, thay vì tìm đến bệnh viện hay cơ sở thẩm mỹ uy tín, nhiều người lại chọn đến các spa, nơi vốn chỉ có chức năng chăm sóc da, massage, tắm trắng, trị liệu cơ thể bằng nước... để rồi phải chịu hậu quả đáng tiếc.
“Làm đẹp” nhưng lại xấu đi
N. L. (21 tuổi, quận Hải Châu) vốn có gương mặt ưa nhìn nhưng cô gái trẻ này vẫn khao khát được sở hữu đôi mắt to tròn, cuốn hút người đối diện. Sau thời gian dài suy nghĩ, L. quyết định đến E. Spa nằm trên đường Điện Biên Phủ để thực hiện ước mơ của mình. Cắt mí được vài ngày, mắt của L. vẫn bầm, to và hằn lên một đường sẹo dài.
Thời gian đầu, L. tự an ủi là mắt mới làm nên sưng, vài ngày sau sẽ hết; thế nhưng mãi về sau, mắt hết sưng mà mí vẫn to thấy rõ. Thất vọng vì kết quả không như ý, L. quay lại spa yêu cầu được làm lại. Lần thứ hai, cô hồi hộp chờ ngày tháo chỉ.
“Mấy ngày đầu, mắt tôi cũng đẹp thật nhưng sau đó lại sưng to, có dấu hiệu mưng mủ, khi nhắm mắt bị cộm như có bụi. Tôi sợ quá phải đến bệnh viện cắt chỉ. Bác sĩ nói do tay nghề kỹ thuật viên spa yếu, thực hiện thiếu chính xác khiến nếp mí mới cách xa so với bờ mi, đường rạch lại dài, vết khâu không tinh tế. Hơn nữa, họ còn dùng chỉ cắt chứ không dùng chỉ tiêu nên rất dễ bị nhiễm trùng”, L. buồn rầu cho biết.
Tiêu tốn 6 triệu đồng cho 2 lần cắt mí nhưng kết quả không như mong đợi khiến N.L. mất niềm tin vào dịch vụ làm đẹp tại spa. Cô chia sẻ: “Sau khi cắt mí hỏng, tôi có tìm hiểu và giật mình khi thấy khá nhiều người sau khi sử dụng dịch vụ cắt mí ở E. Spa lâm vào tình trạng mí xệ, sẹo sâu như mình. Phụ nữ ai cũng thích làm đẹp, nhưng nếu ai có ý định làm các tiểu phẫu này thì tôi khuyên chân thành đừng bao giờ làm ở spa vì họ thực sự không đủ năng lực đụng đến dao kéo”.
Thời gian qua, một trong những phương pháp làm đẹp “thần thánh” được chị em truyền tai nhau là “lăn kim tái tạo da mặt”. Lăn kim hay còn gọi là vi điểm trên da hoặc liệu pháp collagen là phương pháp tạo ra các vi tổn thương để kích thích cơ thể tăng sinh tế bào.
Phương pháp này sử dụng một bánh lăn nhựa chứa gần 200 đầu kim rất bén, nhỏ khoảng 0,07mm, dài từ 0,2-0,3mm, làm bằng thép không rỉ sử dụng trong y khoa. Khi lăn kim trên da, làn da phản ứng tạo nên các vết thương hở, kích thích sự tăng sinh tế bào mới, nguyên bào sợi chuyển thành sợi collagen và elastin.
Để cải thiện làn da mụn, sần sùi, qua lời giới thiệu của người bạn, chị Q.H. (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) tìm đến một spa trên đường Quang Trung. Sau khi được spa tư vấn không được ủ tê (dù đây là bước rất quan trọng - PV) khi lăn kim thì da mới đẹp, H. có ý chùn bước vì sợ đau.
Thế nhưng, giọng nói ngọt ngào cùng viễn cảnh “10 ngày sau da sẽ đẹp ngất ngây” do cô chủ spa vẽ ra khiến chị xuôi theo. “Quả thực tôi chưa từng trải qua cảm giác nào đau đớn hơn thế khi bánh lăn nhựa đi qua mặt như hàng ngàn mũi kim đâm chích trên da mặt mình.
Tôi đã khóc vì không thể chịu đựng nổi. Khi về nhà, mặt tôi sưng đỏ 5 ngày. Mỗi lần rửa mặt để bôi thuốc (do spa cung cấp) là mỗi lần đau đớn. Tuy nhiên, điều tôi thất vọng là sau 3 lần lăn kim, da không những không đẹp mà còn sạm hơn. Giờ có cho tiền triệu tôi cũng không dám lăn thêm một lần nào nữa”, chị H. chia sẻ.
Quá chức năng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn thành phố đang tồn tại hai loại hình cơ sở làm đẹp, gồm: phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép, quản lý và các cơ sở chăm sóc sắc đẹp như spa, cơ sở massage, chăm sóc da... do UBND quận, huyện cấp phép kinh doanh.
Dù được Sở Y tế cấp phép, các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ cũng chỉ được thực hiện các tiểu phẫu như cắt mí mắt, làm cằm chẻ, nâng mũi, tạo má lúm đồng tiền, lăn kim tái tạo da mặt...
Còn các tiểu phẫu qua gây mê đều phải thực hiện tại bệnh viện. Trong khi đó, theo Quyết định số 337 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, có 2 mã ngành liên quan đến spa gồm các dịch vụ như tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe tương tự trừ hoạt động thể thao, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật...
Quy định rõ ràng là vậy, song trên thực tế, có không ít spa ngang nhiên đưa ra những lời quảng cáo “đường mật” nhằm thu hút khách hàng. Những quảng cáo này được chạy công khai trên nhiều trang web, phổ biến nhất là facebook thu hút hàng nghìn lượt like (thích) và bình luận của chị em như: nhấn mí Hàn Quốc bằng chỉ vàng nano (đẹp ngất ngây chỉ sau 30 phút); tiêm botox thon gọn cằm, môi trên hạt đậu, má lúm đồng tiền (không đau, không nghỉ dưỡng, “bao” đẹp)... Điều đáng nói, các dịch vụ làm đẹp này tại các spa có giá chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/5 nếu so với các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép, có bác sĩ phụ trách.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở làm đẹp đăng ký kinh doanh với tên gọi “thẩm mỹ viện” dễ khiến khách hàng hiểu nhầm các cơ sở này điều được Sở Y tế cấp phép và đủ trình độ chuyên môn. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tế, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hiện nay trên toàn thành phố chỉ có 10 cơ sở khám phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép gồm:
Linh Châu (số 6 Ngô Gia Tự); Bảo Ân (21/24 Lê Hồng Phong); Skinlab spa (79 Yên Bái); Xuân Trường (152 đường 2 Tháng 9); Đông Á (293 Hùng Vương); Trương Kiều Xuân (318 Nguyễn Văn Linh); Vân Trường (69 Hoàng Hoa Thám); Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ BS Hưng (31 Hoàng Hoa Thám); Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ BS Nhân (47 Nguyễn Thị Minh Khai); Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Kỳ Bình (814/25B Trần Cao Vân).
Bác sĩ Võ Doãn Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng: Tất cả các tác động gây chảy máu trên da (như lăn kim, cắt mí) hay các thủ thuật như tiêm filler (chất làm đầy), làm má lúm, hạt gạo... còn gọi là thủ thuật xâm lấn đều phải được thực hiện bởi người có chuyên môn như bác sĩ da liễu, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Do đó, khi muốn thay đổi ngoại hình, chị em không nên chỉ dựa vào quảng cáo hay, hình ảnh đẹp, giá rẻ mà phải tìm hiểu thật kỹ và đến đúng cơ sở uy tín, được cấp phép của ngành y tế để bảo đảm chất lượng. |
TIỂU YẾN - HẢI ÂU