50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24-6-1967 - 24-6-2017)

Niềm vui lớn của lính chuyên gia

.

Rời đất nước Chùa Tháp sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, người lính quân tình nguyện, đặc biệt là các chuyên gia không nghĩ rằng sẽ có ngày đón những niềm vui lớn lao.

Niềm vui những người lính tình nguyện Đoàn 5503 trong ngày gặp mặt (12-2014). (CCB Trịnh Thanh Sáu thứ 3 từ trái qua). 						              Ảnh: H.M
Niềm vui những người lính tình nguyện Đoàn 5503 trong ngày gặp mặt (12-2014). (CCB Trịnh Thanh Sáu thứ 3 từ trái qua). Ảnh: H.M

1. Có mặt tại Đại hội thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia thành phố Đà Nẵng (2016), nhiều người ấn tượng bởi bài hát bằng tiếng Khơ me của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Toàn, Đoàn chuyên gia 5503. Anh hát không quá hay nhưng biểu cảm chân thành trên gương mặt khắc khổ khiến ai cũng đều xúc động. Ít ai biết rằng anh nguyên là con Phó Giám đốc Sở Lương thực tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), học giỏi, được nhắm sẵn một suất du học ở Liên Xô nhưng khi có tổng động viên năm 1979, anh viết đơn bằng máu tham gia bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Rời quân ngũ, anh bôn ba đủ nghề. Có khi bị lừa lọc, bị chủ doanh nghiệp gạt tiền công suốt cả năm, rồi mẹ và vợ ốm đau liên miên, anh rơi vào thế bế tắc. Căn nhà ở đường Tôn Đản xuống cấp trầm trọng vẫn không có tiền sửa chữa. Có mặt tại Đại hội và sau khi biết chuyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đã vượt qua con hẻm ngập nước để thăm nhà anh. Trước Tết Đinh Dậu, một lần nữa vị lãnh đạo thành phố lại đến, trao số tiền 50 triệu của doanh nghiệp tặng, hỗ trợ anh Toàn sắp tới sửa nhà.

2. Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia thành phố Đà Nẵng Trịnh Thanh Sáu thì duyên nợ với đất nước Chùa Tháp suốt cả cuộc đời. 10 năm làm chuyên gia ở nước bạn, thông thạo tiếng Khơ me như tiếng Kinh, anh còn là người có mối thâm tình sâu sắc với bà mẹ Campuchia tại xã Căn Chàm, huyện Tha La, tỉnh Stung Treng. Bà coi anh như con ruột của mình, ngày ngày bảo cô con gái nhỏ tên là Ny mang cho một đĩa bánh ram do tự tay mẹ làm. Bánh ram của mẹ thuộc loại ngon có tiếng. Thấy mẹ ở vùng quê heo hút vất vả, anh đã làm việc với lãnh đạo địa phương, xin cho mẹ một miếng đất ở thị xã. Cả gia đình mẹ sau đó đã chuyển nhà và có cuộc sống ổn định hơn.

Xúc động nhất là khi anh đi công tác, có người đến dạm hỏi con gái, nhưng mẹ không nhận lời mà chờ anh về quyết định bởi coi anh như con cả. Gần 30 năm sau, anh có dịp trở lại Campuchia thăm huyện Tha La. Đang tần ngần trước cảnh lạ, bỗng nhiên có một cô bé xuất hiện, ôm chầm lấy anh và thưa: “Con là con của má Ny đây, bác Sáu”. Nhớ về tình cảm ấy, anh vẫn thấy hạnh phúc như hôm nào. Anh cho biết có kỷ niệm với nhiều người bạn Campuchia. Bây giờ không ít người là tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp. Trên cương vị Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng, anh cố gắng hết sức mình, góp phần đưa quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia ngày càng phát triển.

3. 28 năm trước, cuộc đời người lính chuyên gia Phạm Phú Biết (quê xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) khá mông lung khi quyết định lấy vợ người Campuchia. Bỏ sự nghiệp dở dang, anh nguyện gắn bó với Kot Bunmy, cô gái bị Pôn Pốt giết hại cả cha lẫn mẹ. Vượt qua bao khó khăn ban đầu, vợ luôn là động lực để anh thêm tự tin với lựa chọn của mình. Anh đảm đang quán xuyến gia đình, tạo điều kiện để Bunmy phấn đấu trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Stung Treng. Vợ chồng anh nhiệt tình giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào tỉnh này. Các con của họ đều trưởng thành, có nghề nghiệp vững chắc, có cháu tốt nghiệp trường đại học ở Việt Nam. Dù ở xa nhưng tình yêu quê hương luôn thấm đẫm trong anh. Dù bận rộn, cả nhà vẫn luôn sắp xếp về thăm Hòa Tiến. Cô dâu Khơ me hiền thục cắp giỏ đi chợ, tự tay nấu món ăn Việt trong ngày giỗ chạp làm ấm lòng tất cả bà con trong tộc họ.

4. Ở Quân khu 5, nhiều người biết về tình cảm giữa hai vị tướng Việt Nam và Campuchia. Đó Thiếu tướng Trần Ngọc Yến và Đại tướng Huốt Xiêng, Phó Tổng Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia kiêm Tư lệnh Quân khu 1. Họ vừa là đồng chí vừa gần gũi như anh em. Khi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 Trần Ngọc Yến về làm chuyên gia thì ông Huốt Xiêng lúc này là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 1. Chính nhờ sự giúp đỡ chí tình của chuyên gia Việt Nam, vị sĩ quan trẻ Campuchia ngày càng trưởng thành. Giữa hai sĩ quan có quá nhiều kỷ niệm sống chết ở chiến trường. Không có điều kiện liên lạc sau khi Việt Nam rút quân nhưng tướng Huốt Xiêng đã đi và tìm bằng được thủ trưởng của mình vào năm 2002 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, mỗi lần qua thăm hoặc làm việc với Quân khu 5, dù Thiếu tướng Trần Ngọc Yến đã nghỉ hưu, vị Tư lệnh Quân khu 1 vẫn đến thăm nhà. Theo lời mời của tướng Huốt Xiêng, Thiếu tướng Trần Ngọc Yến cùng gia đình đã có chuyến đi Campuchia sau 22 năm và được bạn đón tiếp nồng nhiệt.

Cho đến bây giờ, các chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam vẫn luôn tự hào về những năm tháng ý nghĩa trên đất bạn; niềm vui bình dị và những ký ức hào hùng thúc giục những người lính bằng công việc và cuộc sống của mình viết thêm bản tình ca hữu nghị Việt Nam- Campuchia.

HÀ MY

;
.
.
.
.
.