50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24-6-1967 - 24-6-2017)

Phát triển quan hệ Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới

.

Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24-6-1967 - 24-6-2017), quan hệ hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước luôn được giữ gìn, phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào chiều sâu.

Nhân dân Campuchia lưu luyến tiễn đưa một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, trở về Tổ quốc. 			          (Ảnh: baotintuc.vn)
Nhân dân Campuchia lưu luyến tiễn đưa một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, trở về Tổ quốc. (Ảnh: baotintuc.vn)

Quan hệ láng giềng hữu nghị và tin cậy

Suốt 50 năm qua, hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia đều có chung ý chí trong việc củng cố, phát triển quan hệ láng giềng đoàn kết tốt đẹp. Campuchia luôn ghi nhớ công ơn của nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt vào ngày 7-1-1979 và phát triển như ngày hôm nay. Là hai nước láng giềng, có chung hơn 1.000km đường biên giới, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia, những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Hợp tác an ninh-quốc phòng được tăng cường, hai bên phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, giải quyết tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới. Hai bên đã phấn đấu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ vào thời gian sớm nhất nhằm xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Quan hệ láng giềng tốt đẹp chính là điều kiện thuận lợi để nâng cao lợi ích chung, là cơ sở vững chắc bảo đảm cho an ninh mỗi nước, khu vực và thế giới.

Hiện nay, quan hệ chính trị-ngoại giao giữa hai nước ngày càng sâu sắc dựa trên cơ sở tin cậy và hiểu biết lẫn nhau nhằm củng cố thêm sự tin cậy giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Hoạt động trao đổi đoàn cấp cao của hai nước được duy trì thường xuyên, đưa đến những thành tựu cụ thể. Mới đây nhất, từ ngày 24 đến 26-4-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Campuchia. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, hai bên cam kết thúc đẩy các doanh nghiệp của nhau đẩy mạnh đầu tư kinh doanh vào thị trường hai nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp hai bên. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết và thống nhất, tiếp tục làm việc chặt chẽ trong nỗ lực chung xây dựng cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Việt Nam và Campuchia cũng cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước thành viên khác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê-kông quốc tế và các cơ chế hợp tác Mê-kông khác nhằm bảo đảm việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước lưu vực sông Mê-kông theo luật pháp và thông lệ quốc tế, vì lợi ích hài hòa của các quốc gia ven sông và vì mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực... Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và đánh dấu bước phát triển hai nước lên tầm cao mới, ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.

Thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu nhân dân

Chính sách của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với Campuchia là tiếp tục tôn trọng sự phát triển quan hệ hữu nghị và sự hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực với Campuchia theo tinh thần mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí là láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.

Kinh tế, thương mại và đầu tư là lĩnh vực nhận được sự ưu tiên hàng đầu trong hợp tác giữa hai nước. Những năm qua, quy mô trao đổi thương mại giữa hai nước tiếp tục gia tăng, từ 1,8 tỷ USD năm 2010 lên 3,34 tỷ USD năm 2013. Hai nước thúc đẩy quy mô trao đổi thương mại lên mức 5 tỷ USD vào năm 2015. Trên lĩnh vực đầu tư, đến nay Campuchia cấp phép đầu tư cho 128 dự án của các công ty Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 3,36 tỷ USD… Các dự án được triển khai đồng bộ trên những lĩnh vực trọng yếu, nhiều dự án lớn có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Campuchia như nông, lâm nghiệp, năng lượng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông. Nhiều nhà đầu tư Việt Nam không những kinh doanh thành công ở Campuchia, mà còn giúp cải thiện đời sống và tạo việc làm cho người dân sở tại, góp phần vào công tác giảm nghèo tại Campuchia. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là nước có lượng du khách lớn nhất tại Campuchia. Khách du lịch Việt Nam đến Campuchia năm 2016 đạt 960.000 lượt người, chiếm 19% tổng lượng khách quốc tế đến Campuchia. Kim ngạch thương mại hai nước đạt trung bình khoảng 3 tỷ USD/năm trong những năm gần đây và đạt 1,686 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2017.

Trong những giai đoạn khó khăn, Việt Nam và Campuchia có truyền thống đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Truyền thống tốt đẹp đó mãi mãi là niềm tự hào và là tài sản vô giá mà hai dân tộc cần cùng nhau gìn giữ và vun đắp ngày càng thiết thực và hiệu quả nhất.

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Trịnh Thanh Sáu, quan hệ giữa Đà Nẵng với các địa phương của Campuchia tiếp tục được củng cố. Tháng 5-2016, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia thành phố Đà Nẵng được thành lập. Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 3.000 người nguyên là quân tình nguyện và chuyên gia giúp bạn Campuchia chiến đấu để thoát khỏi nạn diệt chủng. Ngoài Chi hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia quận Thanh Khê và Cẩm Lệ được thành lập, các quận, huyện còn lại đang xúc tiến để thành lập Chi hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Việt Dũng

;
.
.
.
.
.