Gặp nhiều cựu chiến binh (CCB) tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia (K), hiện đang sống ở Đà Nẵng, hỏi điều gì làm họ nhớ nhất, tất cả đều trả lời đó chính là sự hy sinh của đồng đội. Gần 40 năm trôi qua, họ vẫn như thấy đâu đây bóng hình đồng chí của mình một thuở.
Lễ ra quân chiến đấu của Sư đoàn 315, Quân khu 5 tại Đầm Rây 1984. (Ảnh tư liệu) |
Khi lá thư thấm máu
Cuối năm 1978, Trung đoàn 726, tỉnh đội Gia Lai - Kon Tum của Đại đội phó Nguyễn Đức Liên (sau này là Thiếu tướng, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5) trấn giữ ngầm O-za-dao, tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Cùng đơn vị với ông có Nguyễn Được quê Duy Xuyên và Thiều Thanh Bình ở Điện Bàn, Quảng Nam. Cả ba vô cùng thân thiết và hay kể cho nhau nghe mọi chuyện gia đình. Trong trận đánh Đồi Đá ngày 22-11-1978, 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa dứt điểm khi bọn Pol Pot ngoan cố chống cự. Hai người bạn thân của Đại đội phó Liên lần lượt ngã xuống, ông đưa từng người ra khỏi trận địa nồng nặc thuốc súng. Khi vuốt mắt cho cả Được và Bình, Đại đội phó Liên chợt thấy lá thư còn nguyên trong túi chưa kịp bóc của vợ Được gửi mà cậu ta nhận sáng trước đó, máu đã nhòe một góc. “Được à, mày nhắm mắt đi. Anh em sẽ nói với vợ mày, chưa kịp đọc thư là do tội ác của bọn Pol Pot. Còn Bình, yên tâm nhé, cả đại đội đã làm chủ trận địa”, ông Liên thầm thì. Như có phép lạ, sau những lời xúc động của ông, cả hai từ từ khép mắt…
Với CCB Trần Chiến Chinh (hiện ở 15 Nguyễn Cư Trinh, quận Hải Châu), người nổi tiếng khi bỏ tiền làm phim về đồng đội, mỗi khi nhớ lại một thời trận mạc, ông đều rớm lệ. Tháng 12-1984, một bộ phận Sư đoàn 859 của ông được tăng cường cho Sư đoàn 307 lúc này đóng ở chân núi Preah Vihear. Trong khi hành quân, Trung đội trưởng Nguyên bị thương nặng, tấm lưng gần như bị nát vì mìn, được cáng về trạm phẫu. Vẫn còn tỉnh táo, Nguyên cầm tay thủ trưởng mình, chỉ vào túi áo: “Anh Chinh lấy lá thư của người yêu em gửi đọc cho em nghe với. Em muốn nghe một lần nữa, sáng nay chỉ mới kịp đọc vội rồi đi”. Lá thư còn nóng hổi máu của người chiến sĩ. Mới đọc được một nửa thì đã thấy Nguyên ngưng thở, đôi mắt thảng thốt nhìn lá thư. Ông Chinh khẽ khàng vuốt mắt cho Nguyên và bỏ lại lá thư vào túi cho anh để Nguyên có thể yên lòng nằm xuống trong tình yêu của mình.
CCB Hà Mận (hiện ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) thì nhớ lại những năm tháng trong đội hình Trung đoàn 95, Sư đoàn 307 giữ đền Preah Vihear. Thiếu nước đã khổ, thiếu thông tin từ gia đình càng khổ gấp nhiều lần. Nhiều khi máu và nước của lính hòa lẫn vào nhau. Ngay cả những bức thư lên trên chốt cũng nhuốm màu đạn lửa. CCB Hà Mận kể: “Tôi nhớ mãi có lần cha tôi gửi thư qua chiến trường. Khi đến nơi, thấy thư dính máu và lủng nhiều chỗ. Hỏi ra mới biết chiếc xe chở thư báo bị mìn của Pol Pot. Chiến sĩ quân bưu bị thương nặng nhưng vẫn cố đem thư đến ngôi đền. Sau này tôi đem bức thư đặc biệt ấy về lại cho cha. Ông đã khóc. Trung đoàn 95 đã có bài hát ca ngợi anh quân bưu: “Hôm qua anh nhận thư em. Lá thư dính loang máu đỏ. Máu đồng đội anh đó. Người chiến sĩ quân bưu...”.
Những chuyến đi tử biệt
Cứ mỗi năm Tết đến, khi cùng gia đình vui vầy đón xuân, CCB Đặng Ngọc Châu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) lại nhớ khôn nguôi về cái Tết cả đơn vị làm bánh chưng ở chiến trường K. Để có những tấm lá dong, các chiến sĩ của ông đã đổi bằng mạng sống.
Nếu như cái Tết đầu tiên ở bắc Phnôm Pênh chỉ có lương khô, bánh mì, thịt hộp thì trong cái Tết thứ hai của Trung đoàn 1 ở tỉnh Karchê, đông bắc Campuchia, bộ đội có nếp, đậu xanh, thịt từ trong nước đưa sang. Tuy nhiên, do tình hình nhiều nơi phức tạp, để bảo đảm an toàn, Sư đoàn thông báo các đơn vị không được đi quá xa để lấy lá gói bánh. Tiểu đoàn 2 đóng ở ngã ba Karchê loay hoay không kiếm được lá. Thế là 9 chiến sĩ bí mật đi tìm. Những bó lá dong chưa đưa về được đơn vị nhưng cả nhóm lọt vào ổ phục kích của Pol Pot và cả 9 chiến sĩ hy sinh. Lên trực tiếp làm lễ mai táng và đưa các liệt sĩ về Tổ quốc, lòng Trung đoàn trưởng Châu không khỏi quặn thắt khi nhìn những gương mặt trẻ măng còn nét thư sinh mới đây thôi còn háo hức đón xuân.
“Cháu biết không, với người lính ở chiến trường, khi đồng đội mình ra trận là biết có thể sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Nhưng chú may mắn đã gặp lại anh ấy nhờ chiếc đồng hồ”, CCB Nguyễn Xuân Tình (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) tâm sự. Khi ông là Chính trị viên thì Nguyễn Duy Nhất (quê Duy Xuyên, Quảng Nam) là đại đội trưởng đại đội trinh sát Trung đoàn 1, Sư đoàn 2. Anh được mọi người nhớ nhất bởi có chiếc đồng hồ Seiko màu tím rất đẹp. Ngày 12-8-1978, tổ 4 người do anh Nhất chỉ huy đi vào hang ổ của địch cách biên giới hơn 10km để nắm địa hình khu vực giáp với tỉnh Tây Ninh. Đại đội trưởng và một chiến sĩ hy sinh ngay trên bờ ruộng xâm xấp nước. Đơn vị đã đi tìm nhưng không phát hiện ra. 4 tháng sau, khi khu vực này giải phóng, Chính trị viên Tình cùng lực lượng công binh đi tìm lần nữa. Đập vào mắt các anh là chiếc mũ mềm bộ đội trên bụi cỏ bờ ruộng. Đến nơi thì thấy hai thi thể đã phân hủy. Mọi người nhận ra ngay hài cốt anh Nhất bởi chiếc đồng hồ Seiko còn mắc trong ống xương cổ tay. Sau này, chiếc đồng hồ đã được bàn giao cho người em trai liệt sĩ.
Theo Phòng Chính sách Quân khu 5, toàn Quân khu có 12.954 liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Gắn với khoảng thời gian đó có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về sự hy sinh của những người lính tình nguyện Việt Nam. Máu xương của họ đã tô thắm thêm tình hữu nghị của hai dân tộc, để nhân dân hai nước mãi mãi được sống trong hòa bình và phát triển.
HỒNG VÂN