Báo chí đặt nền móng cho tiểu thuyết phát triển

Nhà phê bình Thiếu Sơn được coi là người mở đầu cho khoa học phê bình văn học ở nước ta, trong bài diễn thuyết Báo giới và văn học quốc ngữ tại Hội Nam kỳ khuyến học Sài Gòn (1933), đã khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa báo chí và văn học hiện đại: “Ở các nước văn minh tiên tiến thì văn học đều có trước báo chí, mà ở nước ta thì chính lại nhờ báo chí xây dựng nền văn học” (Phê bình và cảo luận, Nam Ký xuất bản, Hà Nội 1933, tr.115).

Vai trò tiên phong của báo chí đối với văn chương hiện đại, sau này còn được nhiều tác giả, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định trong các công trình nghiên cứu khác. Báo chí đã khép lại một thời kỳ văn chương được sáng tác ra chỉ để ngâm vịnh thù tạc, làm quà tặng, sau đó cất vào thư phòng, hoặc nếu có phổ biến cũng hết sức hạn chế, bởi chưa có công nghệ làm giấy và lối in mộc bản vừa công phu, tốn kém vừa không in được nhiều. Chính báo chí đã tạo nên tính chuyên nghiệp của người hoạt động trên lĩnh vực văn chương chữ nghĩa, biến văn chương từ quà tặng trở thành hàng hóa có thể mua bán và nhà văn có thể kiếm sống bằng ngòi bút. Hầu hết các nhà văn đều trưởng thành từ cái nôi báo chí, đó là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu văn chương, mài giũa ngòi bút, thể hiện quan niệm, tư tưởng và cũng là nơi tranh luận bút chiến…  Điều quan trọng hơn, chính báo chí, cùng với công nghệ làm giấy và in ấn, đã tạo điều kiện cho sự ra đời một thể loại văn học mới, thể văn dài hơi và chủ lực trong nền văn chương hiện đại, đó là tiểu thuyết, mà trước hết là tiểu thuyết dài kỳ in báo (feuilleton), hay còn gọi là tiểu thuyết tân văn.

Theo những tài liệu đã công bố, việc tiểu thuyết quốc ngữ ra đời đầu tiên ở Nam Bộ, không phải một mà hàng loạt tác phẩm được in ấn đầu tiên trên các báo, là tiểu thuyết feuilleton. Nếu các tác phẩm văn xuôi hiện đại ra đời trước đó như Truyện Thầy Lazaro Phiền (1887, 32 trang) của Nguyễn Trọng Quản, Phan Yên ngoại sử-tiết phụ gian truân (1910, 49 trang) của Trương Duy Toản, Hoàng Tố Anh hàm oan (1910, 54 trang) của Trần Chánh Chiếu không được coi là tiểu thuyết, bởi sự hạn chế về dung lượng hiện thực và số trang quá mỏng, thì tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Nam Bộ/của Việt Nam là tiểu thuyết feuilleton: Truyện nàng Hà Hương in kéo dài gần 4 năm trên báo Nông cổ mín đàm (từ số 19, ngày 20-7-1912 đến số 53, ngày 29-6-1915) mà vẫn chưa kết thúc. Năm 1914, tác phẩm này được nhà in Saigonnaise L.Royer in thành sách với tiêu đề là Hà Hương phong nguyệt truyện (6 tập).

Từ đó, báo chí Nam Bộ phát triển là “đất lành” cho tiểu thuyết neo đậu và phát triển. Bức tranh báo chí sôi động bao nhiêu, tiểu thuyết phát triển mạnh mẽ bấy nhiêu. Sau Hà Hương phong nguyệt truyện, người ta thấy trên Nông cổ mín đàm (1901-1924) xuất hiện liên tục và gối đầu các tiểu thuyết Ai làm được (1919) của Hồ Biểu Chánh, Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920) của Nguyễn Chánh Sắt và hàng loạt tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên như Việt Nam Lý trung hưng, Việt Nam anh hùng kiệt, Lê triều Lý thị, Tiền Lê mạt vận, Trần Hưng Đạo... Những tờ báo thu hút đông đảo người đọc trong thời kỳ này đều có in tiểu thuyết feuilleton: Nông cổ mín đàm (1901),  Lục tỉnh tân văn (1907), Nam Kỳ địa phận (1908), Công luận báo (1916), Đông Pháp thời báo (1923), Phụ nữ tân văn (1929)… Ngay cả trên tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ là An Hà báo (1917) cũng dành trang để in “một số lượng hết sức phong phú tác phẩm thuộc các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, tùy bút, thơ và các trước tác biên khảo văn chương” (Trần Văn Minh, Đặc điểm tùy bút trên “An Hà báo” (1917-1934), tạp chí Văn học số 4-2017, tr.46-47); hoặc chậm hơn, như tờ Sống (1935), chỉ tồn tại trong vòng một năm, nhưng cũng đăng tải nhiều tiểu thuyết của Trúc Phong như Băn khoăn, Đời vui đẹp, Sóng gió hồ Đông.

Nhiều tác giả không chỉ xuất hiện trên một mà hiện diện trên nhiều tờ báo khác nhau. Ngoài Công luận báo, Nam Đình Nguyễn Thế Phương còn có Huyết Lệ hoa (1928), Giọt lệ má hồng (1934) in trên Đông Pháp thời báo. Tương tự, Bửu Đình còn có Cười ra nước mắt (1923), Nghĩa tình khẳng khái (1923) in trên Nam Kỳ kinh tế báo; bên cạnh đó còn có Tấm lòng vàng đá (1926), Trần Kim Quyên (1926) in trên Tân thế kỷ, rồi thêm Mảnh trăng thu (1930), Cậu Tám Lọ (1931) in trên Phụ nữ tân văn. Hơn 40 tiểu thuyết vừa phóng tác, vừa sáng tác của Hồ Biểu Chánh in hầu khắp các tờ báo có trang văn học thời bấy giờ, tiêu biểu là các tác phẩm in trên Đông Pháp thời báo như Ngọn cỏ gió đùa (1926), Nhơn tình ấm lạnh (1928), Cay đắng mùi đời (1930); in trên Phụ nữ tân văn như Vì nghĩa vì tình (1929), Cha con nghĩa nặng (1929), Con nhà nghèo (1930), Khóc thầm (1935) hoặc in trên Đuốc nhà Nam như Hòn máu bỏ rơi (1932)  (được giải thưởng văn chương của tờ báo này)… Hơn 100 tiểu thuyết của Lê Văn Trương, trước khi in thành sách, cũng in hầu khắp các báo, tiêu biểu là các tác phẩm in trên Phổ thông bán nguyệt san như: Một người (1937), Một trái tim (1937), Cô Tư Thương (1937), Ngựa đã thuần rồi, mời ngài lên (1939), Tôi là mẹ (1939), Trong ao tù trưởng giả (1939), Trường đời (1941),… Cần phải khẳng định rằng, nhờ sức đăng tải của các tờ báo đã kích thích sáng tạo, có sức vẫy gọi một đội ngũ đông đảo các nhà văn, tạo cảm hứng và động lực để họ nỗ lực sáng tác, bút lực mạnh mẻ và tâm hồn dào dạt, có được một số lượng tác phẩm đồ sộ, không phải bất cứ thời kỳ nào cũng đạt được.

Không chỉ ở nước ta, mà ở các nước phương Tây, tiểu thuyết hiện đại cũng ra đời trên cái nền của báo chí và tất nhiên, là tiểu thuyết feuilleton. Những tên tuổi lớn như Alexsandre Dumas, Thackerey, Dickens… đã bước đến bục vinh quang khi dưới chân lót đầy những trang báo. Thành công vang dội của họ gợi mở con đường cho các nhà tiểu thuyết kiếm hiệp sau này ở Hồng Kông, như Kim Dung, Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Gia Cát Thanh Vân, cũng thành công không kém. Tiểu thuyết feuilleton ra đời và phát triển, theo đó xuất hiện một số nhà văn chuyên viết tiểu thuyết để in báo. Chính khuôn khổ trang báo, cột báo đã qui định tâm thế sáng tạo/ thưởng thức (đọc tiểu thuyết là đọc báo) và cả những đặc điểm cơ bản về thi pháp thể loại.

Ngày nay, cùng với sự vận động đa dạng về thể loại, điều kiện ấn loát dễ dàng, tiểu thuyết không còn giữ vai trò trọng yếu trên trang báo. Ngoài một số tạp chí văn nghệ có trích đăng tiểu thuyết (Văn, Sông Hương, Đất Quảng, Non nước…, có nơi in nguyên cả quyển tiểu thuyết như Nhà văn và tác phẩm), còn lại, hầu hết các tờ báo đều rất ít khi dành trang cho tiểu thuyết.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.