Ba năm gắn bó với mảng văn hóa, thời gian tuy không nhiều nhưng những con người tôi gặp, những nhân vật tôi viết đã truyền cho tôi thứ cảm xúc đặc biệt với loại hình nghệ thuật truyền thống của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng.
Dù đã lớn tuổi nhưng động tác vũ đạo tuồng của ông Hồ Hữu Có đúng chuẩn mực đáng khâm phục. |
Lớn lên tại phố cổ Hội An và vùi vào sách vở, với tôi, cải lương, hát bội, bài chòi… chỉ nằm trong ký ức ngày bé, thuở tôi được ngoại dẫn đi coi hát ở bãi đất trống của làng quê Cẩm Nam – vùng ven thị xã Hội An ngày ấy. Vào đại học và sống một thời gian tương đối dài tại Thành phố Hồ Chí Minh, những loại hình nghệ thuật truyền thống này càng không hề hiện diện trong cuộc sống của tôi…
Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ ngày tôi được nhận vào làm việc tại Báo Đà Nẵng vào năm 2014. Tôi được bố trí vào thử việc tại Phòng Văn hóa – Xã hội. Qua thâm nhập thực tế trong môi trường mới, một sự kiện tình cờ đã dẫn tôi đến gặp ông – bậc thầy của những nghệ sĩ, nghệ nhân tên tuổi trong nghệ thuật tuồng hiện nay, nghệ nhân Hồ Hữu Có (sinh năm 1930).
Tôi vẫn nhớ như in ngày tôi gặp ông, lúc đó là năm 2014, ông đã 84 tuổi, bệnh tuổi già khiến ông nghe tiếng được tiếng mất. Thế nhưng khi nghe tôi giới thiệu đến để tìm hiểu nghệ thuật tuồng thì ông nghe thật rõ. Sợ tôi không nghe hết được, ông bảo vợ gọi điện cho con gái sống gần đó sang “phiên dịch” giúp. Rồi từng câu chuyện về tuồng của ông cứ cuốn tôi vào một loại hình nghệ thuật khiến người nghệ sĩ si mê đến vậy…
Những năm kháng chiến, ông Hồ Hữu Có tham gia đoàn văn công biểu diễn các vở tuồng lịch sử phục vụ bộ đội suốt dọc Trường Sơn. Sau ngày giải phóng, ông gắn liền với công tác dạy vũ đạo tuồng cho diễn viên tuồng từ các tỉnh nổi tiếng về nghệ thuật tuồng như: Thanh Hóa, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên… Ông mê tuồng, ngày đi dạy, đêm về lại nghiên cứu vũ đạo tuồng đến độ vợ giận, con hờn một thời gian dài. Giận hoài không xong, vợ con ông đành chấp nhận và trong câu chuyện của gia đình bắt đầu hiện diện thứ tình yêu đặc biệt với tuồng đến bây giờ.
Tới nay, số học trò được ông dìu dắt đã trên 500 người. Trong đó, nhiều người thành danh và đạt các danh hiệu cao quý như: NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng đoàn Tuồng Thanh Hóa; NSND Phan Thị Bạch Hạc, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế; NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; NSND Nguyễn Hòa Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, tỉnh Bình Định.
Nhưng ông, người thầy dày công đào tạo nên tên tuổi cho các nghệ sĩ nghệ thuật tuồng vẫn chưa có danh hiệu nào ngoài những bằng khen về đóng góp giữ gìn và phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống! Năm 2015, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng trình đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất, với 9 bộ hồ sơ, trong đó hồ sơ của ông Hồ Hữu Có nổi bật nhất nhưng cuối cùng bị “rớt” bởi lý do “ông từng đi dạy trong trường học, nghệ nhân thì chỉ truyền dạy ở dân gian”!?
Tôi cảm thấy buồn cho một tài năng nhiều cống hiến với nghệ thuật tuồng và day dứt vì chưa làm được gì cho nhân vật của mình. Gần đây, khi hỏi thăm ông, ông chỉ cười bảo: “Tôi yêu từng động tác trong vũ đạo tuồng. Tôi quý những gì các thầy đã truyền cho tôi nên chỉ muốn chia sẻ tình yêu và sự hiểu biết của mình cho những người đam mê nghệ thuật tuồng. Danh hiệu gì đó với tôi từ lâu không còn quan trọng nữa”. Nói rồi, đôi bàn tay của ông run run khi giở lại cuốn sổ ông ghi chép cẩn thận từng bài giảng lên lớp ngày nào và cuốn album lưu giữ những tấm hình của những người thầy ông kính mến được ông cẩn thận cắt ra từ các bài báo và hình ảnh ông dạy vũ đạo tuồng, dạy nghệ thuật hóa trang tuồng… Ông xem đó như gia tài quý báu bởi nó gắn liền với một đời say mê nghệ thuật tuồng của ông.
Dù ông không được bất cứ danh hiệu nào nhưng với học trò ông, với tôi, không có danh hiệu nào có thể xứng đáng với tình yêu, sự đam mê nghệ thuật tuồng và khả năng truyền được tình yêu đó đến mọi người của ông. Từ ông, tôi có thêm tình cảm đặc biệt với nghệ thuật tuồng, về văn hóa Đà Nẵng – một thứ cảm xúc cần có của một người cầm bút viết về văn hóa. Trên hết, ông đã dạy cho tôi sự tận tâm với nghề. Hãy cố gắng, làm hết sức mình dù việc nhỏ hay việc lớn, cái mình nhận được trước hết là sự thanh thản trong chính con người mình…
NGỌC HÀ