Cuối năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam công bố “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo”. Đây thực sự là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Tại Điều 3 quy định “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc”.
Đây có thể xem là quy định cốt lõi trong hoạt động nghề nghiệp của người làm báo. Nói đến đạo đức nghề nghiệp người làm báo là nói đến sự trung thực. Trung thực với bản thân, với bạn bè và đồng nghiệp, với nghề báo, với cuộc sống xã hội của đất nước và dân tộc, mà biểu hiện cụ thể nhà báo cần có sự trung thực trong khai thác nguồn tin.
Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Hứa Văn Hải phát biểu tham luận tại hội thảo “Đạo đức nhà báo trong bối cảnh truyền thông hiện nay” do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng và Sở Thông tin-Truyền thông tổ chức, tháng 6-2017. |
Sự trung thực của nhà báo trong khai thác nguồn tin là vấn đề không mới. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, dẫn tới sự ra đời của nhiều phương tiện truyền thông mới, hội tụ trên mạng Internet, mạng xã hội tạo nên một môi trường thông tin hiện đại, không còn biên giới quốc gia, trong đó hầu như mọi người đều được tiếp cận thông tin hay trở thành người cung cấp thông tin. Trong môi trường như vậy, việc khai thác và sử dụng nguồn tin có ý nghĩa sống còn đối với mỗi nhà báo và mỗi tờ báo.
Hoạt động báo chí tại Đà Nẵng rất sôi động như hai trung tâm chính trị, kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, với 109 cơ quan báo chí đang hoạt động.
Báo cáo của Sở Thông tin- Truyền thông (TT-TT) thành phố Đà Nẵng tại cuộc họp báo thành phố Đà Nẵng quý 1-2017 cho biết: Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, vẫn còn tình trạng nhầm lẫn về khái niệm giữa trang thông tin điện tử với báo chí; một vài bài viết đăng tải trên một số tờ báo đưa tin chưa chính xác, thiếu xác minh, kiểm chứng về thông tin, tít bài chưa phù hợp với nội dung, có dấu hiệu áp đặt, suy diễn thiếu căn cứ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức, cá nhân. Trong quý 1-2017, trên một số trang thông tin điện tử xuất hiện nhiều thông tin mang tính xuyên tạc, sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lãnh đạo và thành phố Đà Nẵng. Đây đều là những thông tin có hình thức và nội dung vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực báo chí và thông tin điện tử. Một số thông tin sai sự thật lại được nhiều tờ báo lấy lại, “chế biến” thành sản phẩm của mình mà thiếu kiểm chứng. Trước tình hình đó, Sở TT-TT đã đề nghị Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khác phối hợp xử lý khoảng 20 trang thông tin điện tử.
Nhiều trường hợp nhà báo không chịu đi thực tế mà dựa vào những thông tin trên Internet hay được đồng nghiệp chia sẻ để viết bài, đưa tin, tùy tiện bịa đặt hoặc hư cấu chi tiết trong tác phẩm. Những “nhà báo salon”, những “phóng viên trong phòng lạnh” như thế này hiện nay không ít. Ngồi một chỗ để tìm kiếm thông tin, thậm chí “cóp” và “dán”, thiếu những chuyến đi thực tế, những trải nghiệm bản thân, thiếu kiểm chứng nguồn tin... thì làm thế nào để có được những tin, bài chính xác, trung thực? Đáng lo là thực trạng này lại đang có xu hướng phổ biến. Từ sự thiếu trung trực trong khai thác nguồn tin dẫn tới vi phạm đạo đức nghề nghiệp và đánh mất mình của một số nhà báo.
Hiện tượng thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, không đúng sự thật, thiếu toàn diện, thiếu cân nhắc sự lợi hại, đưa đậm các mặt trái, mặt yếu kém, các vụ án và các tệ nạn xã hội trên trang nhất; thông tin dễ dãi, xa rời tôn chỉ mục đích, bình luận một chiều, lên án thái quá, thậm chí quy chụp, coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng, gây tổn hại nghiêm trọng tới lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan báo chí... xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí, nhất là báo điện tử và trang thông tin điện tử. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng nguyên nhân sâu xa và mang tính bản chất là sự thiếu đạo đức, thiếu trung thực của nhà báo, của phóng viên; trong đó có việc thiếu trung thực trong khai thác và trích dẫn nguồn tin. Thậm chí, có trường hợp biết rõ nguồn tin không chính xác, không chắc chắn nhưng có nhà báo vẫn cố tình viết và được đăng tải. Nhiều nhà báo nhận thông tin (và nhận thứ khác nữa) của doanh nghiệp này về doanh nghiệp kia để viết báo.
Từ tình hình trên, trong thời gian tới, mỗi tờ báo cần xây dựng chuẩn mực hoạt động của tòa soạn, quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, hướng dẫn cho các phóng viên, biên tập viên của mình trong các hoạt động nghề nghiệp, trong đó quy định những yêu cầu cần có đối với phóng viên, biên tập viên của tòa soạn; những việc phóng viên, biên tập viên cần làm và những việc không được làm trong quá trình tác nghiệp; những yêu cầu cụ thể đối với các mục cần kiểm tra trong tin, bài trước khi xuất bản. Những người làm báo được đào tạo cơ bản, được làm việc trong môi trường báo chí chuyên nghiệp sẽ là nhân tố chính góp phần bồi dưỡng đạo đức của mỗi nhà báo. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp chính là để “Các nhà báo giám sát xã hội cũng phải là những người trụ vững trước mọi sự giám sát” của xã hội.
Trách nhiệm của người làm báo là phải đi đến cùng của sự thật, phải thông tin một cách khách quan, trung thực, không thiên vị và không bị chi phối bởi các lợi ích nhóm cũng như lợi ích bên ngoài hay bất cứ một áp lực hoặc thế lực nào. Có như vậy, báo chí mới thực hiện được chức năng định hướng, giúp bạn đọc có suy nghĩ, hành động đúng để bảo vệ cái tốt, cái đẹp, loại trừ được cái ác, cái xấu trong xã hội.
Muốn làm được điều đó, đòi hỏi người làm báo phải có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp đối với báo chí nói chung, đặc biệt trong kỹ năng tác nghiệp mà khâu đầu tiên là chọn nguồn tin như thế nào và khai thác tư liệu ra sao để tiếp cận gần nhất đến bản chất của sự thật. Khi chọn nguồn tin, trước hết cần chọn những nguồn tin nào có lợi cho bạn đọc, cho người dân, cho chính đối tượng được phản ánh. Cao hơn, đó là cần chọn nguồn tin có lợi cho cái chung, cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của thành phố, cho quốc gia, dân tộc.
Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về báo chí, Người coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ.
Người làm báo nói riêng và báo chí nói chung cần thấy rõ trách nhiệm không chỉ với bản thân mình mà còn là trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với toàn xã hội. Đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận của đạo đức xã hội. Đạo đức của người làm báo lại chính là nền tảng của hoạt động báo chí. Sự trung thực, khách quan và tôn trọng sự thật lại là cái cốt lõi, cái cơ bản để làm nên một nhà báo chân chính.
Trách nhiệm của người làm báo là phải đi đến cùng của sự thật, phải thông tin một cách khách quan, trung thực, không thiên vị và không bị chi phối bởi các lợi ích nhóm cũng như lợi ích bên ngoài hay bất cứ một áp lực hoặc thế lực nào. Có như vậy, báo chí mới thực hiện được chức năng định hướng, giúp bạn đọc có suy nghĩ, hành động đúng để bảo vệ cái tốt, cái đẹp, loại trừ được cái ác, cái xấu trong xã hội. |
ĐÀ NAM