Giá trị nhân văn trong tác nghiệp là một trong những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ở Việt Nam lẫn thế giới. Đó cũng là điều nữ nhà báo Mỹ Deborah Nelson luôn hướng tới trong quãng thời gian dài cầm bút của mình; và cũng là điều bà truyền lại cho thế hệ phóng viên trẻ.
Nữ nhà báo Mỹ Deborah Nelson |
1. Phó Giáo sư Deborah Nelson, giảng viên Trường Đại học Báo chí Philip Meril (Đại học Maryland), nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, đã tham gia giảng dạy và chia sẻ kiến thức với các phóng viên Việt Nam tại lớp tập huấn Phóng sự điều tra do Hội Nhà báo Việt Nam và Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) phối hợp tổ chức vào những ngày cuối tháng 5-2017. Điều chúng tôi ấn tượng nhất trong những buổi học không chỉ là những bài học thiết thực của một nhà báo giàu kinh nghiệm mà còn là giá trị nhân văn xuyên suốt trong những câu chuyện, lời chia sẻ của nữ nhà báo Mỹ.
Trong phần báo chí nhập vai, một học viên đề cập phóng sự người Việt Nam nhập cư trái phép tại Pháp mà chị từng thực hiện. Deborah Nelson kể:
“Rất nhiều người Việt Nam đã bán hết tài sản ở quê nhà để tìm đường đến nước Anh, nơi được cho là dễ dàng tìm công việc với mức lương cao. Tuy nhiên, trên thực tế, hành trình đến với nước Anh vô cùng gian truân. Nhiều người Việt Nam đã phải trốn sang một số nước châu Âu để tới Pháp và tìm cách vượt biên sang Anh. Dù vậy, họ đã không thành công và bị bắt vì nhập cư trái phép. Cuộc sống của những người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp rất cơ cực, khó khăn, vất vả nhưng họ không chịu từ bỏ ý định đến với nước Anh và cũng không hé lộ sự thật về cuộc sống của mình với người thân ở quê nhà. Khi phóng viên chúng tôi cố gắng tiếp cận họ, chỉ cần nghe thấy tiếng Việt Nam hoặc biết chúng tôi là nhà báo, họ lập tức lảng tránh, từ chối”.
Sau nhiều lần tiếp cận người Việt Nam nhập cư trái phép ở Pháp thất bại, nữ phóng viên đã nhờ một tổ chức tình nguyện chuyên giúp đỡ những người nhập cư giúp mình “đóng vai” là tình nguyện viên. Nhờ đó, chị đã có một ngày trò chuyện, thăm hỏi, tìm hiểu về đời sống của người dân nhập cư và hoàn thành phóng sự của mình.
Dừng câu chuyện, nhà báo Deborah Nelson vội hỏi: “Khi phóng sự phát sóng hoặc bài báo được đăng tải, những người dân nhập cư có mất niềm tin đối với các tổ chức tình nguyện hay không? Liệu họ có tổn thương không khi phát hiện ra sự thật bạn là nhà báo? Nếu bạn đã có thời gian một ngày để trò chuyện với họ, bạn có thể dành thêm thời gian để xây dựng niềm tin với họ không, và để giới thiệu với họ bạn là ai, bạn đang làm gì…”.
Cuộc thảo luận ngày càng sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều về báo chí nhập vai. Một học viên nam cho hay: “Tôi từng thực hiện nhiều bài phóng sự báo chí bằng cách nhập vai, trong đó có loạt bài về người vô gia cư. Nếu không giả dạng làm người vô gia cư như họ, tôi không thể nào hiểu rõ về cuộc sống của họ, từ những điều nhỏ nhặt, giản đơn nhất như việc ăn uống, ngủ nghỉ…”. Nhà báo Deborah Nelson trăn trở: “Vậy bài viết của bạn muốn phản ánh điều gì? Tại sao họ lại không mở lòng với báo chí? Sau khi bài báo đăng tải, tâm lý của nhân vật có bị tác động theo chiều hướng tiêu cực không? Cuộc sống của họ có bị xáo trộn, thay đổi không?”.
Rõ ràng, giá trị nhân văn trong tác nghiệp báo chí luôn là niềm đau đáu của nữ nhà báo Mỹ. Xuyên suốt trong những buổi học, nhà báo Deborah Nelson luôn đề cao sự trung thực, cẩn trọng để không phá hoại niềm tin của công chúng và tôn trọng cảm xúc, mong muốn của nhân vật. Và, nhà báo Deborah Nelson tâm tư: “Quan điểm của tôi có gì sai không? Tôi có quá nghiêm khắc không?”. Nữ nhà báo Mỹ cũng khẳng định, không có một chuẩn mực duy nhất và cũng không có câu trả lời đúng hay sai; quan trọng là mỗi người viết phải tự tranh cãi một cách nghiêm túc với bản thân, với đồng nghiệp về hiệu quả, giá trị của bài báo để thống nhất trong cách thực hiện đề tài.
Nữ nhà báo Mỹ Deborah Nelson và tác giả bài viết |
2. Đề cao giá trị nhân văn, nhà báo Deborah Nelson còn rất quan tâm đến nghệ thuật phỏng vấn những người đã trải qua chấn động, vừa đòi hỏi sự nhạy cảm đặc biệt nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác. Trong một lần thực hiện tuyến bài về những người phụ nữ bị chồng hành hung, nữ nhà báo Mỹ dành thời gian hơn một tuần để đến tham dự các phiên toà xét xử về vấn đề này để tìm hiểu, thấu hiểu nhân vật trước khi gặp và trao đổi.
“Trong những giờ giải lao giữa phiên tòa, tôi thường vào nhà vệ sinh và tìm cách làm quen với những người phụ nữ bị chồng bạo hành trong các vụ án. Sau đó, tôi quyết định đến gặp những người phụ nữ dũng cảm và sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của họ. Tôi giới thiệu tôi là Deborah Nelson, phóng viên và trình bày rõ ràng tôi đang làm gì, mục đích của tôi. Tôi cũng nói với họ về những rủi ro họ có thể sẽ gặp phải khi bài báo được đăng tải như sự phản ứng quyết liệt từ phía các ông chồng để họ tự cân nhắc và quyết định”, nhà báo Deborah Nelson chia sẻ.
Sự chân thành và trung thực của nhà báo Deborah Nelson đã tạo nên niềm tin từ những người phụ nữ bị chồng bạo hành. Khi nhân vật đồng ý phỏng vấn, Deborah Nelson tiếp tục trao quyền cho họ. Bà nói với họ rằng họ không cần phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào khiến họ cảm thấy không thoải mái; họ có thể tạm dừng hoặc kết thúc cuộc phỏng vấn bất kỳ khi nào. Họ cũng được quyền rà soát lại câu chuyện trước khi bài báo được đăng tải. Không những vậy, bà còn trao danh thiếp cho họ và trịnh trọng đề nghị:
“Trước khi bài báo được đăng tải, bất cứ khi nào bạn thay đổi suy nghĩ bạn có thể gọi điện cho tôi. Tôi sẽ không công bố câu chuyện, hình ảnh của bạn ra trước công luận như mong muốn của bạn”. Kết thúc câu chuyện, nữ nhà báo Deborah Nelson cười xòa: “Hãy luôn sẵn lòng để nhân vật của mình rút lui cho đến phút cuối cùng. Và rất may mắn cho tôi là trong lần tác nghiệp này, không ai trong số họ thay đổi quyết định cả”.
3. Không trực tiếp đề cập đến giá trị nhân văn trong tác nghiệp báo chí nhưng những trăn trở, câu chuyện của nữ nhà báo Mỹ Deborah Nelson lại khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Đó cũng là bài học quý giá mà những người viết trẻ như chúng tôi cần học hỏi và noi theo.
Trong thời đại bùng nổ truyền thông, rất có thể, đôi khi những người cầm bút vì sự cạnh tranh thông tin mà quên đi cảm xúc và quyền quyết định của nhân vật mình phỏng vấn. Đây là một trong những nguyên do làm rạn nứt niềm tin bền vững giữa nhà báo và công chúng. Do đó, thiết nghĩ, người làm báo hôm nay cần quan tâm nhiều hơn về giá trị nhân văn trong tác nghiệp và xem đó như tôn chỉ của “ngòi bút”!
"Sự bảo vệ tốt nhất bạn có thể mang lại cho các đối tượng dễ tổn thương chính là những bài báo có sức nặng và được thực hiện kỹ lưỡng, phản ánh được thực trạng và nguồn gốc của những đau khổ mà họ đang phải chịu đựng…" Deborah Nelson |
KHA MIÊN