Hình thành các đơn vị cung cấp dịch vụ công lớn phục vụ xã hội

Chiều 21-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) khảo sát về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống này tại Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh ý nghĩa của việc sắp xếp lại hệ thống ĐVSNCL - một trong 5 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII. Trước đó, năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 37 về Đề án đổi mới cơ chế hoạt động các ĐVSNCL, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công. Đến năm 2015, Chính phủ tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của ĐVSNCL khi ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP để triển khai kết luận của Trung ương.

Tháng 10-2017, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp và ban hành một nghị quyết Trung ương về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống ĐVSNCL. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, các cơ quan Trung ương chắt lọc các nội dung quan trọng của Nghị quyết số 16 để xây dựng đề án mới.

Phó Thủ tướng lưu ý các quan điểm chỉ đạo lớn về lĩnh vực này mà Nghị quyết số 11 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa được ban hành về hoàn thiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN đã nhấn mạnh: “Hoàn thiện thể chế, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đầy đủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập về phạm vi hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính gắn với cơ chế đánh giá độc lập. Thực hiện xã hội hóa tối đa các dịch vụ công, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường”. “Với tinh thần đó, phải tiếp tục đổi mới quá trình này, tìm kiếm nội dung đổi mới hơn nữa, để sắp xếp đơn vị, tinh giản biên chế, hình thành các ĐVSNCL đủ lớn, có thực lực đáp ứng được nhu cầu và khả năng chi trả của xã hội, quan trọng hơn hết là nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công, giảm gánh nặng cho ngân sách và tạo nguồn cho cải cách tiền lương”, Trưởng BCĐ Nhà nước nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan cần làm rõ việc phân loại các ĐVSNCL theo tiêu chí tự chủ, tự chịu trách nhiệm (coi trọng tiêu chí tự chủ tài chính) theo định hướng mạnh mẽ hơn, đầy đủ hơn, để đơn vị tự chủ càng cao thì thẩm quyền càng lớn theo mức độ tự chủ.

Về việc xây dựng danh mục ĐVSNCL sử dụng ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ tính pháp lý và tính hiệu quả trong thực hiện; đồng thời nêu rõ các bất cập trong triển khai để kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, năm 2016, cả nước có 41.508 ĐVSNCL, trong đó hơn 32.900 đơn vị tự chủ chiếm 79%. Hơn 1.316 ĐVSNCL tự chủ được thu chi, chiếm 4%. 11.588 ĐVSNCL bảo đảm một phần chi thường xuyên, chiếm 35,2% và có 20.038 ĐVSNCL do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ, chiếm 60,08%.

Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.