“Tìm cách thích nghi và ứng xử cho phù hợp”, đó là những gì mà giảng viên và sinh viên (SV) ngành báo chí, Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng chuẩn bị trong hành trang học và làm nghề của mình. Cô Phạm Thị Hương, Tổ trưởng tổ Báo chí, Khoa văn học và ngôn ngữ của trường cho rằng: đây đang là giai đoạn chúng ta không đi tìm tin để đọc mà bị ngập trong tin, đặc biệt là lượng tin tức rất lớn xuất phát từ mạng xã hội.
Giờ học thực hành dẫn chương trình của sinh viên báo chí, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Ảnh: CTV |
Một giảng viên của tổ Báo chí, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, chia sẻ: “Không ít lần “lướt” facebook, tôi đọc được những link bài báo, hoặc những dòng chia sẻ của SV về một số vấn đề nóng của xã hội. Rất nhiều thông tin phiến diện, đầy định kiến… Tôi lập tức làm động tác nhắn tin, gọi điện thoại cho SV để chấn chỉnh. Trong thời đại mà ai cũng có quyền lan tỏa thông tin, là SV báo chí, các em cần cẩn trọng hơn trong chia sẻ tin tức”.
Giảng viên này thừa nhận, chị từng không thích mạng xã hội (MXH). Chị cảm thấy phiền hà khi mọi vấn đề riêng/chung đều dễ dàng được công khai với công chúng. Tuy vậy, trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, khi mà thông tin trên trên mạng xã hội chi phối cuộc sống của chúng ta hằng ngày, hằng giờ, chị hiểu mình không có quyền từ chối nó. Còn với tư cách một giảng viên đang giảng dạy về báo chí-truyền thông, chị càng không thể đứng ngoài cuộc, nếu không hòa nhập vào MXH, nhà báo sẽ trở nên lạc lõng. Hiện tại, chị vẫn đang trong thời kỳ học cách để thích nghi và tìm ra lối ứng xử phù hợp với MXH trước khi truyền dạy lại cho SV.
2 năm trở lại đây, nhận thấy việc cần thiết phải đưa vấn đề MXH vào giảng dạy cho SV chuyên ngành báo chí, giảng viên Khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và khoa Xã hội nhân văn, Trường ĐH Duy Tân đều đề cập nhiều hơn vấn đề này trong bài giảng của mình. Mỗi buổi học sẽ có 15-30 phút điểm tin và luôn có phần tin tức xuất phát từ MXH để SV nêu ý kiến, nên hay không nên chia sẻ tin tức đó, trong tin đó, ai đáng trách, ai đáng thương...
Trong bài tập của SV báo chí Trường ĐH Duy Tân: “Tập phân tích những tít câu view (người xem), câu like (thích)”, vào đầu mỗi buổi học, giảng viên luôn đưa những ví dụ cụ thể để SV tập phân tích. Những cái tít “giật gân” này không mang tính báo chí mà đi ngược lại với tôn chỉ của người làm báo; qua đó, dạy cho SV cách làm nghề một cách trung thực, khách quan.
Theo cô Phạm Thị Hương, tùy theo môn học giảng viên sẽ đưa ra cách ứng xử phù hợp để yêu cầu SV tuân thủ. Ví dụ như môn Cơ sở lý luận báo chí thì cách ứng xử với MXH khác với khi SV học môn Tin báo chí.
Khung chương trình ngành báo chí mới nhất (năm 2017) của Trường ĐH Sư phạm gia tăng những môn học có liên quan đến khai thác, xử lý thông tin trên Internet. Như: Báo chí và dư luận xã hội, Báo chí và thông tin quốc tế, Tổ chức tin bài đa phương tiện... Bên cạnh đó, đặt sức nặng vào khối kiến thức nền tảng như Cơ sở lý luận báo chí, Nguyên tắc hoạt động của báo chí, Đạo đức người làm báo... nhằm trang bị cho SV góc nhìn, quan điểm, đạo đức, sự am hiểu luật pháp...
Cô Võ Kim Ngân (Tổ trưởng Tổ Văn-Báo chí, Khoa Xã hội nhân văn, Trường ĐH Duy Tân) cho biết, theo khung chương trình mới, hầu như môn học nào thuộc chuyên ngành báo chí cũng liên quan đến mạng Internet và MXH.
Do đó, các giảng viên luôn nhắc nhở SV cách ứng xử với nó. Cô Ngân cho rằng nếu như nguồn tin là quan trọng thì thẩm định nguồn tin quan trọng gấp 10 lần. Nếu “bắt” được nguồn tin trên MXH, người làm báo cần trực tiếp đến hiện trường để kiểm tra, nếu muốn sử dụng nguồn tin trên mạng thì phải xin ý kiến chủ nguồn. Việc sử dụng nguồn tin và các luồng ý kiến trên MXH chỉ nên xem như những dữ liệu tham khảo để đánh giá thêm các chiều cạnh của vấn đề, không nên chỉ lấy đó làm tiền đề.
Trước một nguồn thông tin lớn đến từ các trang MXH, SV có thể “choáng ngợp”, có thể dẫn đến việc lấy thông tin đó hoặc dẫn nguồn tin mà không kiểm chứng, lâu dần có thể hình thành một thói quen trong làm nghề. Do đó, ngay từ khi đang được trang bị kiến thức, các em phải tập “tỉnh táo” để nhận biết và kiểm chứng nguồn thông tin trước khi đưa đến cho người đọc; tìm hiểu để viết đúng sự thật và hiểu đúng bản chất vấn đề. Để làm được điều này, ngoài kiến thức nền và những nguyên tắc chung đã được nhà trường truyền dạy, thiết nghĩ mỗi SV cần rèn luyện bản lĩnh, không chạy theo số đông, tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, khách quan, dẫn nguồn tin có kiểm chứng…
QUỲNH TRANG