Khi phóng viên lên... lão

.

Khi lên lão, người ta thường có nhiều thứ để nhớ để quên. Với nhà báo, khi lên lão đôi khi có những điều muốn quên mà chẳng sao quên được. Đó là những kỷ niệm buồn vui nhặt nhạnh trên đường tác nghiệp, ban đầu chỉ là những câu chữ xuất hiện trên mặt báo, về sau ngẫm lại mới thấy ẩn giấu đằng sau đó biết bao nghĩa tình không hẳn giữa nhà báo với nhân vật mà là giữa con người với nhau trong đời thường.

Tác giả (phải) ghi âm điệu tù và báo tin vui đã bắt được thú rừng của Alăng Đợi.
Tác giả (phải) ghi âm điệu tù và báo tin vui đã bắt được thú rừng của Alăng Đợi.

1 Trung tuần tháng 5 vừa rồi ngược lên xã Hòa Phú, dự Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu năm 2017, do UBND huyện Hòa Vang tổ chức tại nhà Gươl thôn Phú Túc. Trong những nhân vật là người Cơ tu trong các bài báo của mình, tôi gặp lại ông Đinh Hồng Khanh, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang thời chưa có cầu Tà Lang - Giàn Bí bắc qua khe Cầu Sụp nối hai thôn cùng tên của xã Hòa Bắc xa xôi.

Còn nhớ, lần đầu tiên tôi lên tận nơi xa xôi nhất của vùng đất tây bắc thành phố là khi theo đoàn công tác của Mặt trận thành phố và huyện Hòa Vang ngược lên từ trung tâm xã Hòa Bắc. “Đội quân” xe thồ đưa mọi người vượt 8 cây số đường núi đầy ổ gà, ổ voi và cuối cùng đành thúc thủ ở bờ nam khe Cầu Sụp. Lội khe, băng qua con đường lớn nhất Tà Lang đầy bóng cau và nụ cười của những em bé tóc hoe màu nắng. Ngày trao đổi công việc, đêm đến tất cả quây quần trong nhà của ông Đinh Hồng Khanh. Cán bộ với dân, người Kinh với người Cơ tu.

Lần đầu tiên tôi biết đến hương vị món cá niên nướng chấm muối ớt, món ốc đá um lá chanh chính hiệu núi rừng Hòa Bắc và men rượu tà vạt đưa cay. Thấy cán bộ người Kinh có vẻ nhấm nháp chiếu lệ, Đinh Hồng Khanh khề khà: Mời các anh làm ly, đàn ông mà uống rượu tà vạt thì sẽ nhanh hơn con sóc... Ông dừng lại, cụng ly quanh mọi người, “ực” một phát, rồi thủng thẳng tiếp: Còn đàn bà mà uống tà vạt thì da trắng như ngà, bầu ngực căng tròn như trái bóng. Thế là chỉ lát sau, tất cả không còn phân ngôi khách chủ mà trở nên gần gũi, thân tình trong từng lời ca, tiếng hát. Trưởng thôn Đinh Minh Hải vốn phát âm giọng Kinh chưa chuẩn, thế mà hát hò khoan “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say” thì ngọt như mía lùi.

Mỗi chuyến đi tác nghiệp luôn để lại trong lòng người làm báo những kỷ niệm buồn, vui.
Mỗi chuyến đi tác nghiệp luôn để lại trong lòng người làm báo những kỷ niệm buồn, vui.

Sáng hôm sau, chủ nhà đãi khách món sắn luộc chấm muối mè, ai thích thì chấm với đường. Chưa bao giờ chúng tôi có bữa sáng thơm ngon, bát ngát tình quê đến thế. Chia tay, ông Khanh mang ra một bao sắn củ tặng đoàn làm quà, nằng nặc để cho hai phụ nữ là vợ ông và Alăng Thảo – người phụ nữ Cơ tu đầu tiên ở Tà Lang biết trồng lúa nước – khiêng qua khe, dù chúng tôi “năn nỉ” đến mấy cũng mặc. Sắn đã ngon lại thêm ngọt nghĩa tình!

Gặp lại Đinh Hồng Khanh ở liên hoan, thấy ông vẫn nụ cười nhân hậu như ngày nào. Nhìn phần ẩm thực của Giàn Bí có món sắn luộc, tôi hỏi sao Tà Lang không có. Ông cười, họ có rồi, mình làm món khác. Đó là món kiến ngựa vàng trộn với chuối cây, có vị chua chua ngọt ngọt. Lạ nhất là xôi có màu như gạo lứt, ông bảo đây là xôi nấu bằng loại nếp vàng mua trên huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

2 Liên hoan hôm đó có bà con thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), trên 30 người xuống dự. Tà Lang để lại dấu ấn trong tôi ẩm thực đặc sánh hương vị Cơ tu, còn Bhờ Hôồng 1 lại khiến tôi ngơ ngẩn bởi trang phục và tiếng tù và của một “phụ tá già làng” tên là Alăng Đợi. Người thay thế già làng này trạc ngũ tuần, mái tóc xoăn xỏa xuống hai bên mang tai cùng với bộ râu nhuốm màu nắng gió miền sơn cước. Ông đội cái pơrnơng (mũ) bằng thổ cẩm, chung quanh giắt lông các loài chim rừng. Vòng đeo cổ xâu bằng những hạt cườm xen kẽ với các hạt mã não, thỉnh thoảng điểm xuyết mấy cái nanh heo rừng trắng nhởn. Tay phải cầm chiếc quạt làm bằng cánh chim cắt (diều hâu), tay trái cầm parngong (tù và) làm bằng sừng trâu, bên hông giắt một trái bầu khô lên nước đen nhánh.

Ông đưa cái parngong lên, nghiêng phần đã lên nước bóng nhẫy về phía tôi: “Để nó trơn láng như thế này thì phải thổi ít nhất bốn mùa rẫy”. Nói rồi, ông lấy hơi thổi một đoạn. Túc túc túc tu tu tu... thanh âm trầm đục ẩn giấu đâu đó trong chiếc sừng trâu vang lên lúc khoan lúc nhặt, lúc gần lúc xa. Tôi mường tượng những người đồng bào của ông, sau khi nghe tiếng tù và báo tin, lũ lượt kéo nhau về nhà Gươl múa hát trong sinh hoạt hằng ngày. Trong tình huống khác, đây là tín hiệu bà con báo cho nhau khi săn được con nai, con heo; nếu với nhịp nhanh đầy vẻ thảng thốt thì đây lời kêu cứu khẩn cấp khi gặp hiểm nguy, tai nạn...

Một lát, sau lời giới thiệu trên loa phóng thanh, Alăng Đợi dẫn đầu nhóm múa Tung tung - Da dá của đơn vị mình, đi quanh cây nêu trước nhà Gươl. Trong bữa cơm thân mật trưa đó, khi nghe tôi hỏi về điệu múa đặc trưng của dân tộc Cơ tu, chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Đông Giang, khẽ hát bài Người quê em do nhạc sĩ Trần Quế Sơn sáng tác phỏng theo dân ca Cơ tu: “Anh yêu quê hương mình, yêu điệu Tung tung - Da dá. Em yêu quê hương mình yêu dòng A Vương trong xanh. Ôi những đôi mắt hiền bao dung, ôi những đôi vai trần thân thương, và những đôi tay dâng hoa lên trời xanh…”.

“Dâng hoa lên trời xanh” - một hình ảnh tâm linh lãng mạn, được chị Ating Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói rõ thêm: “Tung tung - Da dá xuất phát từ đời sống Cơ tu, được thể hiện qua điệu múa, bởi bà con quan niệm rằng trong cuộc sống của mình có sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Múa để thể hiện sự tạ ơn đất trời đã tạo dựng cho con người cuộc sống dung dị, chân chất, hòa hợp với thiên nhiên”.

Năm ngoái, khi huyện Hòa Vang đưa một số bà con Cơ tu hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) lên Đông Giang học tập cách làm du lịch, làm nghề truyền thống, Ating Tươi và Nguyễn Thị Thanh Hương tiếp đoàn trong trang phục người Kinh. Giờ gặp lại, thấy cả hai khoác lên mình trang phục thổ cẩm truyền thống người Cơ tu, trông lạ hẳn ra bởi vẻ dịu dàng, đằm thắm toát lên từ cách ăn mặc.

3 Một khi thời gian qua đi thì sẽ không bao giờ trở lại, chỉ có lòng người muốn quay lại với thời gian. Châm ngôn của một tác giả khuyết danh đúng với mọi người, nhất là những người đã lên lão. Khi lên lão, người ta thường có nhiều thứ để nhớ để quên. Với nhà báo, khi lên lão đôi khi có những điều muốn quên mà chẳng sao quên được. Đó là những kỷ niệm buồn vui nhặt nhạnh trên đường tác nghiệp, ban đầu chỉ là những câu chữ xuất hiện trên mặt báo, về sau ngẫm lại mới thấy ẩn giấu đằng sau đó biết bao nghĩa tình không hẳn giữa nhà báo với nhân vật mà là giữa con người với nhau trong đời thường.

Tôi muốn quay lại cuối những năm 70 thế kỷ trước, khi lần đầu tiên ngược lên huyện Hiên và “mục sở thị” đám tang một người Cơ tu bằng nhãn quan của một du khách. Đến khi vào nghề báo, càng gần gũi đời sống bà con Cơ tu càng tìm thấy ở đó có những tập tục truyền thống mà mình cần phải học hỏi, những nghĩa tình mà mình không thể dứt ra được. Gặp lại Đinh Hồng Khanh ở liên hoan lần đó, ông hỏi: Hưu rồi hả? Tôi chưa kịp trả trời, ông tiếp luôn: Hưu chi thì hưu, rảnh thì chạy lên Tà Lang ăn cá niên nghe! Alăng Đợi thì bảo: Đi ngang thì nhớ ghé Bhờ Hôồng, xem mấy cái tượng gỗ tự tay tui làm. Chả là, hôm liên hoan tôi dừng lại khá lâu nhìn ngắm mấy cái phù điêu ông mang xuống treo trên cổng trại của đơn vị mình.

Tôi muốn quay lại thời 15 năm trước, khi mình chỉ là một “tay ngang” tập tò bước vào làng báo, hành trang không có gì ngoài nỗ lực tự thân với lưng vốn trải nghiệm cuộc đời qua tháng ngày rong ruổi mưu sinh. Hôm rồi, gọi điện thoại cho hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hòa Vang, cô xưng hô như thể bằng vai phải lứa. Cảm thấy vui vui với ý nghĩ mình đang trẻ lại. Đến khi gặp nhau ngoài đời, cô “chữa cháy” trước “anh” phóng viên đã lên lão: Nghe giọng anh qua điện thoại thấy trẻ quá, ai ngờ... Lần khác, một “đối tác” nhắn tin vào điện thoại của tôi: Em đến rồi đây, anh đến chưa? Lát sau gặp nhau, cô gái hoảng lên: Ui trời, tưởng anh còn trẻ chứ, thôi để con gọi chú, xưng con cho nó tự nhiên.

Tôi muốn quay lại thời 3 năm trước, khi nghệ nhân Lê Đức Hạ, người chuyên làm sản phẩm mỹ thuật bằng đất sét nung ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cơ sở gốm của anh có một “xưởng” sát bến Xích phía tả ngạn sông Thu Bồn. Năm đó, anh đang để tâm phác thảo một số mẫu mới thì người bạn đời của anh qua đời sau cơn bạo bệnh. Bẵng đi một thời gian anh không sáng tác được gì nhiều. Vừa rồi, anh và hai đứa con làm một vòng qua 5 nước châu Âu, vừa xả stress vừa học hỏi phong cách mỹ thuật trời Tây. Về, anh chuyển sang làm sản phẩm “nhỏ mà xinh lung linh” để phục vụ khách du lịch, trong đó có các mẫu về voọc chà vá bán đảo Sơn Trà. “Tôi muốn góp một tiếng nói để bảo vệ loài động vật hiếm hoi được cộng đồng đề xuất chọn làm biểu tượng đa dạng sinh học của thành phố Đà Nẵng”, anh chia sẻ.

Anh sắp sửa lên lão. Và cũng như tôi, anh tâm đắc câu châm ngôn: Một khi thời gian qua đi thì sẽ không bao giờ trở lại, chỉ có lòng người muốn quay lại với thời gian.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.