Sau gần một năm ấp ủ, chuẩn bị, ngày 29-6 tới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố chính thức ra mắt và đưa vào hoạt động Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nghèo thành phố Đà Nẵng. Vậy là, thêm một kênh hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) nghèo vay vốn, tự tạo việc làm, tăng thu nhập mang “thương hiệu” Công đoàn ra đời.
Một cửa hàng kinh doanh của công nhân, viên chức, lao động được mở từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã hoạt động hiệu quả. |
Đời sống người lao động còn nhiều khó khăn
Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 120.000 CNVCLĐ làm việc trong hơn 1.500 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Mặc dù thời gian qua, đời sống, việc làm của NLĐ không ngừng được quan tâm, cải thiện nhưng cuộc sống của một bộ phận không nhỏ NLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Qua khảo sát, toàn thành phố có khoảng 72.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất; trong đó, 43% lao động ngoại tỉnh chưa có nhà ở hoặc phải thuê nhà; nhiều trường hợp ở nhà tạm, nhà xuống cấp nhưng không có điều kiện tự sửa chữa, nâng cấp; nhiều gia đình CNLĐ muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh (SXKD) để tăng thu nhập nhưng không có vốn sản xuất... bởi thu nhập chỉ đủ trang trải qua ngày. Thực tế trên cho thấy, nhu cầu vay vốn để SXKD, cải thiện điều kiện sống của CNLĐ nghèo là rất lớn nhưng do nhiều nguyên nhân, ràng buộc khắt khe, NLĐ chưa thể tiếp cận được các tổ chức tín dụng.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố đã cho vay 34 dự án với tổng số tiền 2,56 tỷ đồng, cho 550 hộ gia đình CNVCLĐ vay với mức vay từ 10-20 triệu đồng; tạo việc làm cho 674 lao động, trong đó tạo việc làm mới 389 lao động, góp phần cải thiện đời sống NLĐ. “Từ nguồn vốn ủy thác của UBND thành phố, chúng tôi ủy quyền cho Công đoàn Viên chức triển khai cho gần 700 cán bộ, công chức có hoàn cảnh khó khăn vay với số tiền gần 30 tỷ đồng...; tuy nhiên, chỉ như “hạt muối bỏ bể” khi nhu cầu của NLĐ còn quá lớn. Trong bối cảnh này, việc thành lập, ra mắt và đi vào hoạt động Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thành phố Đà Nẵng sẽ phần nào chia sẻ khó khăn của NLĐ, giúp họ cải thiện cuộc sống, giảm dần khoảng cách giàu nghèo, cũng là một giải pháp thực hiện tốt chương trình “Thành phố 4 an””, ông Minh Triết nhấn mạnh.
Được biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND thành phố thống nhất chủ trương cho ra đời Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thành phố Đà Nẵng; trong đó, vốn ban đầu là 10 tỷ đồng (UBND thành phố hỗ trợ 4 tỷ đồng). Dự kiến, quỹ này sẽ giải quyết cho khoảng trên 1.000 CNVCLĐ nghèo vay vốn trong năm đầu tiên; tùy thuộc quy mô phát triển quỹ, nguồn vốn được tăng lên sẽ giải quyết cho hàng ngàn CNVCLĐ nghèo mỗi năm đang có nhu cầu được vay vốn để tự tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020.
Điểm tựa để vươn lên
Việc cho ra đời một mô hình hoạt động không vì lợi nhuận, tuân thủ quy định của pháp luật sẽ mở ra cho CNVCLĐ nghèo thành phố nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống mới. Ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết: “CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, ưu đãi hơn, không cần phải cầm cố, thế chấp tài sản, trong khi đó, lãi suất bằng lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng thời điểm. Đây chính là nỗ lực của tổ chức Công đoàn để chăm lo đời sống NLĐ tốt hơn”.
Trong khi đó, bà Phan Thị Thục Anh, Giám đốc Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện tại, Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thành phố Đà Nẵng có 3 gói sản phẩm cho vay gồm: hỗ trợ hoạt động cho vay SXKD, tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình CNVCLĐ nghèo; hỗ trợ cho vay cải thiện về chỗ ở; hỗ trợ cho vay cải thiện phương tiện sinh hoạt bản thân và gia đình. Người được vay phải tham gia sản phẩm tiết kiệm bắt buộc với mức 1% trên tổng số vốn được vay/tháng trong suốt chu kỳ hoàn trả để tiết kiệm, tăng tích lũy cho bản thân và gia đình. Số tiền tiết kiệm này chỉ được rút khi người vay đã hoàn trả đủ vốn và lãi”.
Với mức vay cho mỗi gói sản phẩm từ 5-30 triệu đồng trong thời hạn đạt mức tối đa 24 tháng, phương thức hoàn trả vốn vay, lãi vay và tiết kiệm bắt buộc hằng tháng cho đến hết thời hạn hợp đồng. Chị Lê Thu An, một CNLĐ tại KCN Hòa Khánh kỳ vọng: “Vợ chồng em thu nhập bấp bênh, từ lâu cũng muốn chăn nuôi thêm gà, vịt để cải thiện đời sống nhưng đành chịu vì không có vốn. Hy vọng, CĐCS nơi em làm việc sẽ đứng ra tín chấp để em được vay gói sản xuất kinh doanh, em hứa sẽ tuân thủ hợp đồng vay, sử dụng vốn vay hiệu quả”.
Hy vọng, từ điểm xuất phát 10 tỷ đồng, nguồn vốn sẽ nhanh chóng phát triển khi có vốn tự bổ sung hằng năm từ kết quả hoạt động của Quỹ, đồng thời, huy động từ nguồn ủng hộ, vốn ủy thác theo chương trình, dự án của Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng như các nguồn hợp pháp khác... Từ đó, số lượng CNVCLĐ được tiếp cận vốn vay sẽ nhiều hơn.
* Liên đoàn Lao động thành phố cùng Sở Văn hóa và Thể thao vừa ký kết chương trình phối hợp về “Xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động giai đoạn 2017-2022”. Tại lễ ký kết, hai đơn vị thống nhất tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; phát triển và tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nhằm nâng cao đời sống tinh thần trong CNVCLĐ. * Liên đoàn Lao động quận Liên Chiểu tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ 6 tháng đầu năm 2017; ký cam kết thực hiện mô hình “Nhà trọ công nhân thân thiện, an toàn, sạch đẹp” và “Tổ công nhân tự quản hoạt động hiệu quả”; ra mắt Tổ công nhân tự quản số 18 Đa Phước 2/5. Tại buổi ra mắt, Liên đoàn Lao động quận cũng đã tuyên truyền chương trình “Thành phố 4 an” để CNLĐ cập nhật chủ trương của thành phố và tình hình ANTT trên địa bàn... * Công đoàn Viên chức và Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn Luật Bảo hiểm xã hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cho hơn 150 Ủy viên Ban Chấp hành các Công đoàn cơ sở trực thuộc. Hoạt động này nhằm giúp cán bộ Công đoàn ở cơ sở cập nhật thông tin về chế độ chính sách để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. * Công đoàn ngành Y tế đã tổ chức Giải bóng đá mi-ni nam CNVCLĐ lần thứ 3 năm 2017 với sự tham gia của 252 vận động viên đến từ 21 đội bóng của các Công đoàn cơ sở trực thuộc. * Liên đoàn Lao động và Trung tâm Văn hóa thể thao quận Liên Chiểu phối hợp tổ chức Hội thao CNVCLĐ năm 2017, gồm 3 nội dung: kéo co, nhảy bao bố và bóng đá mini nam, nữ. Hội thao thu hút sự tham gia của hơn 800 vận động viên đến từ 114 Công đoàn cơ sở trực thuộc. Thành Điệp |
Ngọc Yến