Mọi chuyện “dở hơi” và lạ lùng đều có thể xảy ra trong bối cảnh làm báo… khác thường.
Tính đến tháng 1-2017, Việt Nam có 46 triệu người sử dụng mạng xã hội. (Nguồn: WeAreSocial) |
Phá bỏ nguyên tắc
Trong một cuộc trao đổi về các kiểu làm báo mới, chúng tôi cùng “soi” tờ Daily Mail và kê ra hàng loạt gạch đầu dòng về những điều “dở hơi” của tờ báo này nếu so với những quy tắc báo chí thông thường.
Những ai làm báo đều thuộc lòng các nguyên tắc cơ bản như tít tin không quá 15 chữ, tít bài không quá 8 chữ, bài trung bình 800-1.000 chữ, trang chủ điện tử dài 5-8 trang, tin-bài (phản ánh, bình luận, phóng sự, ký sự) cần rõ ràng từng thể loại riêng biệt. Thế nhưng, có cố tìm kiếm, chúng tôi cũng không thể thấy bất kỳ một quy tắc “vàng” nào nêu trên được Daily Mail áp dụng.
Ấn tượng đầu tiên về tờ báo này là những cái tít dài ngoằng đọc hai hơi mới hết. Thật khó tìm tít dài dưới 20 chữ trên mỗi tin, bài. Mỗi tít ngốn 3-4 dòng, thậm chí dài tới 12 dòng đến mức tưởng chừng ta đang đọc nhầm sang sa-pô! Về hình ảnh thì khỏi phải nói. Mỗi bài báo đều có nhiều video và rất nhiều ảnh với hừng hực biểu cảm của nhân vật.
Còn muốn lướt cho hết trang chủ của tờ báo này, bạn phải mỏi tay vì càng đẩy lên càng hiển thị thêm thông tin, đến chừng 60 hoặc 80 trang mới thấy có dấu hiệu dừng lại. Thêm vào đó, nếu bạn thường phàn nàn về thể loại báo chí “tin chẳng ra tin, bài chẳng ra bài” thì đọc Daily Mail bạn sẽ phàn nàn cả ngày do trong mỗi tin đều có nhân vật, cảm xúc và câu chuyện. Ở đây, không có ranh giới giữa tin và bài.
Sau tất cả kiểu làm báo “ngược đời” đó, Daily Mail – đại diện đến từ nước Anh trở thành tờ báo thứ 2 trong top 10 tờ báo trên thế giới có lượng độc giả khổng lồ nhất năm 2017 (nguồn Top 101 News). Câu hỏi đặt ra là:
Tại sao Daily Mail lại chiếm được bạn đọc khi họ không có yếu tố nào gọi là bảo đảm nguyên tắc cơ bản của báo chí? Vị trí thứ 2/10 đã nói lên tất cả. Đó là kiểu làm báo “độc và lạ” bởi không tuân theo những cái số đông gọi là nguyên tắc. Cùng với sự khác thường về hình thức trình bày, nội dung của tờ báo này cũng thể hiện sức lao động thực sự đáng nể của người làm báo khi họ làm tất cả những gì có thể để “dọn” lên cho khách hàng một “bàn ăn” không thể thịnh soạn hơn. Khách hàng của báo chí ngày càng cần được phục vụ chu đáo như thế chứ không phải kiểu đưa thông tin nghèo nàn và áp đặt.
Daily Mail và những tờ báo khác đều hướng theo xu thế hình ảnh hóa và video hóa tác phẩm báo chí. Một mẩu tin be bé cũng phải hấp dẫn về phần nghe lẫn phần nhìn bên cạnh phần đọc. Những nhà nghiên cứu báo chí nói rằng, xu thế hình ảnh hóa và video hóa trong báo chí lần đầu tiên được nhắc đến trên thế giới tại một hội thảo ở Đức năm 2014.
Từ lần đầu tiên nhắc đến cho tới năm 2017 quả thật không quá lâu, nhưng thế giới đã và đang chứng kiến cuộc “nổi dậy” phương thức làm báo kiểu này. Nói xa để nhìn gần, kể cả những tờ báo địa phương hoặc tờ bản tin cũng không thể đứng ngoài cuộc, dù so sánh hiệu quả ứng dụng hình ảnh, video trên mỗi tờ báo còn khoảng cách rất xa.
Làm báo bằng điện thoại
Mới đây, tôi còn nhìn những nhà báo đi tác nghiệp với vỏn vẹn chiếc điện thoại trong túi là những người lười vác máy ảnh và có phần thiếu đầu tư cho công việc. Thế nhưng, từ khi biết rằng công cụ làm báo hiện đại hoàn toàn có thể gói gọn trong một chiếc điện thoại, không nhất thiết lỉnh kỉnh đủ thứ máy móc, tôi đã đổi cách nhìn về những người làm báo chỉ nhét theo điện thoại mỗi lần ra hiện trường: Một, đó là người rất lười như trên; hai là người rất chuyên nghiệp.
Nói đến báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, tôi chỉ muốn đề cập những người làm báo chuyên nghiệp bằng điện thoại. Tôi từng chẳng bận tâm hệ điều hành trên chiếc điện thoại di động theo mình 24/24 giờ mỗi ngày là Windows Phone, Android, iOS, hay gì gì khác. Tôi càng không vọc xem nó thông minh cỡ nào cho đến khi tôi được biết khó có phương tiện đa năng nào phục vụ việc làm báo đa phương tiện hoàn hảo hơn một chiếc điện thoại thông minh.
Nếu trung thành với việc đeo máy ảnh, vác máy quay, xách máy ghi âm, mang máy tính, chắc một nhà báo thấp bé nhẹ cân phải đối mặt nguy cơ nghỉ hưu sớm vì không thể gồng gánh từng ấy thứ cho mỗi lần tác nghiệp hiện trường. Nói vậy không có nghĩa phủ định giá trị của những thiết bị chuyên dụng khác, nhưng trong rất nhiều trường hợp, nhất là trong làm báo điện tử, chỉ cần tác nghiệp với chiếc điện thoại là cơ bản đáp ứng được.
Bạn cần thiết bị gì để quay phim và biên tập video? - Điện thoại. Bạn cần gì để chụp ảnh góc rộng 180 độ, 360 độ và xử lý hình ảnh chuyên nghiệp hơn? – Điện thoại. Bạn cần gì nếu trong tình huống không thể viết, chỉ cần nói sẽ được chuyển thành văn bản word? – Điện thoại. Bạn cần gì để chuyển từ ảnh thành văn bản? – Điện thoại. Đó chỉ là vài trong số rất nhiều ứng dụng mà chiếc điện thoại thông minh có thể hỗ trợ đắc lực cho nhà báo.
Và cũng từ đây, các trụ sở báo chí, hay còn gọi tòa soạn báo buộc phải đứng trước sự “nhìn lại” chính mình. Nếu lấy yếu tố cao tầng với các thiết bị đồ sộ làm niềm tự hào cho một tòa soạn báo, không khó tránh khỏi có lúc chúng ta bị rơi vào sự lãng phí.
Tòa soạn báo có cần xây dựng studio hoành tráng khi mỗi chiếc điện thoại thông minh đã có thể đảm nhận vai trò của một studio và sản phẩm báo chí ngày càng đòi hỏi sự cởi mở về không gian chuyển tải chứ không chỉ gom trong 4 bức tường? Cần hay không phụ thuộc vào cách sử dụng studio của tòa soạn báo, nhưng nếu chỉ sử dụng studio để làm bản tin theo kiểu nhà đài (trong khi nhà đài làm bản tin phát trên thiết bị ti-vi, khác hoàn toàn với phát trên máy tính, điện thoại) hoặc “khép kín hóa” cách chuyển tải thông tin thì rất cần được cân nhắc lại.
Theo thời thế
Những lời dự báo rằng báo điện tử có thể “bóp chết” báo giấy; báo điện tử lên ngôi, báo giấy suy tàn… dường như vẫn chưa nguội thì đến nay, người ta lại đưa ra khái niệm “báo chí thuật toán”, nghĩa là dự báo trong tương lai gần, vai trò của nhà báo có thể bị công nghệ và robot soán ngôi. Một bài phân tích trên mạng được đăng vào giữa tháng 5-2017 giật tít:
“Báo chí thuật toán sẽ giết chết báo chí?”. Bài viết này dẫn một bài báo 250 chữ, là sản phẩm của hệ thống trí tuệ nhân tạo. Với 5 từ khóa theo chủ đề và giới hạn bài viết ở số chữ nhất định, thuật toán phân tích từng từ và quét toàn bộ trên internet để chọn nguồn chính, tìm tài liệu liên quan để cho ra tác phẩm thô trước khi được chỉnh sửa bằng công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, bảo đảm độ chính xác, rõ ràng. Toàn bộ quá trình này mất 2 phút!
Nhà báo có đáng lo bị “mất ghế” trong bối cảnh này? Lo chứ! Nhưng nói gì thì nói, công cụ cũng không thể thay thế con người ở khía cạnh cảm xúc, cá tính, phong cách rất thật và rất riêng. Thế thì chỉ có cách “làm hòa” nhau để cùng phát triển, bằng việc nhà báo nắm bắt công nghệ và đón đầu các nền tảng phổ biến báo chí để tối ưu việc cung cấp sản phẩm của mình cho độc giả. Làm báo giờ đây không chỉ là cuộc chạy đua thông tin như cách chúng ta vẫn thường ẩn dụ, mà thực sự là một guồng tranh đua tiếp cận tri thức để đón đầu xu thế.
Theo báo cáo mới nhất của WeAreSocial, một công ty chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội toàn cầu, tính đến tháng 1-2017, 53% dân số Việt Nam (tương đương 50,05 triệu người/94,93 triệu tổng dân số) sử dụng internet. Việt Nam có đến 48% dân số (46 triệu người) sử dụng mạng xã hội. So với tháng 1-2016, cả nước có thêm 11 triệu người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt chủ yếu sử dụng trên thiết bị điện thoại di động.
Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng không chỉ là phương tiện để người đọc tiếp cận báo chí, đáng nói hơn, các công cụ này đang chiếm lĩnh vai trò điều-hướng-báo-chí. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, năm 2012, Google chiếm vai trò điều hướng báo chí khi đa phần người dùng tìm kiếm tờ báo hoặc tác phẩm báo chí thông qua công cụ này chứ không phải vào ngay trang chủ của tờ báo đó.
Năm 2015, Facebook cùng với Google trở thành kênh tìm kiếm chủ đạo của người đọc báo, nhưng một thời gian sau đó, Facebook lại trội hơn Google khi người đọc báo thông qua mạng xã hội tìm tới báo chí nhiều hơn. Và hiện nay, trung bình trên 70% người đọc báo chọn tin, bài báo thông qua hai kênh này.
Việc sử dụng mạng xã hội để đọc báo trở thành phương tiện phổ biến của độc giả, nên những câu hỏi muôn thuở trong làm báo là “viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào?” đã có thể được trả lời theo kiểu ngày nay là: “Viết theo thời thế!”.
Không còn cảnh người đọc phải chờ đến mỗi sáng để lật từng trang báo mới có thể tiếp cận thông tin; hiện nay, nền tảng chuyển tải thông tin thay đổi, tức mỗi tờ báo, mỗi bài báo đều có các phiên bản khác nhau cho máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại nên người đọc có thể và có quyền đọc báo bất kỳ ở đâu, chỗ nào họ muốn với những thiết bị sẵn có trên tay.
Đến đây, nhiều người có thể cho rằng những ứng dụng kể trên, những kiểu làm báo kể trên loay hoay lại sắp lạc hậu. Vâng, công nghệ đổi mới liên tục, ứng dụng đổi mới liên tục, mạng xã hội vươn lên như vũ bão nên báo chí có “đổi mốt” xoành xoạch cũng là thường. Cái hôm nay chúng ta cho là hiện đại, nhiều khả năng trong nay mai sẽ nhanh chóng trở thành truyền thống. “Tuổi thọ” của một xu hướng báo chí ngày càng ngắn rõ rệt.
THU HOA