Làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tổng Liên đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận, chỉ đạo, lời hứa cũng như cam kết của Thủ tướng đối với công nhân.
Thủ tướng mong muốn đối thoại nhiều hơn nữa với công nhân. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Sáng 28/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm 2016-2017, trọng tâm phối hợp công tác năm 2017-2018.
Sau khi lắng nghe ý kiến của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và các ủy viên Đoàn Chủ tịch, ý kiến các bộ, ngành, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhất trí đánh giá rằng đời sống của giai cấp công nhân đã khá hơn. Giai cấp công nhân đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2016 cũng như 6 tháng đầu năm 2017.
Đánh giá cao Tổng Liên đoàn thời gian qua đã làm nhiều việc cho giai cấp công nhân, Thủ tướng khẳng định: “Tôi và các đồng chí thành viên Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm đến bảo đảm điều kiện làm việc và đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, đặt vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…”, Thủ tướng nói. Đặc biệt, trong 2 năm 2016, 2017, Thủ tướng dành nhiều thời gian để xử lý kiến nghị của công đoàn. Thủ tướng mong muốn Tổng Liên đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận, chỉ đạo, lời hứa cũng như cam kết của Thủ tướng đối với công nhân, người lao động như các ý kiến chỉ đạo, giải quyết vướng mắc được nêu ra tại các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân, người lao động trong 2 năm qua, tại Đồng Nai, Đà Nẵng, “những người được Thủ tướng trao tặng kinh phí làm nhà thì đã làm nhà chưa”.
Thủ tướng nhìn nhận, sự phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn ngày càng hiệu quả, thực chất hơn. Tổng Liên đoàn đã tham gia góp ý kiến vào 182 dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, còn 3 nội dung phối hợp còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đạt kết quả như chính sách ưu tiên người lao động tại công ty cổ phần có vốn nhà nước được mua cổ phần khi nhà nước thoái vốn, Đề án “Cung ứng dịch vụ và truyền thông tư vấn trực tiếp cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất về chăm sóc sức khỏe sinh sản”, hỗ trợ kinh phí để tổ chức Công đoàn triển khai chương trình khuyến khích học tập nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, lao động.
“Tất cả việc này đều phải kiểm tra, đôn đốc để thực hiện tốt những chương trình, những điểm phối hợp để lời nói của chúng ta đi đôi với việc làm”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu ra một số trọng tâm phối hợp công tác trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục tích cực tham gia xây dựng thể chế, chủ động đóng góp ý kiến xây dựng, phổ biến chính sách, pháp luật, nhất là chính sách liên quan đến chế độ của người lao động, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Chúng ta lo phong trào, giải quyết việc này việc kia ở trong xã hội là cần thiết. Nhưng cái đáng lo nhất để hệ thống hoạt động tốt chính là xây dựng thể chế, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, rồi phổ biến pháp luật. Bao nhiêu công nhân của chúng ta biết được pháp luật về lao động, về quyền lợi của họ như thế nào để bảo vệ quyền lợi đó một cách chính đáng?”, Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh: “Đó là một câu hỏi đặt ra đối với công đoàn các cấp chúng ta”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo đó, Tổng Liên đoàn cần phối hợp với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang đặt ra những cạnh tranh gay gắt đòi hỏi sự năng động, đổi mới, học nghề, tự rèn luyện, tự khởi nghiệp để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế đối với giai cấp công nhân. Thủ tướng chia sẻ, qua 2 cuộc đối thoại với công nhân ở Đà Nẵng, Đồng Nai, ông thấy được lo lắng của nhiều công nhân là vấn đề tuổi tác, tay nghề. Do đó, việc đào tạo nghề, nhất là những nghề mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần được chú trọng hơn.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, tuyên truyền tốt hơn, đẩy lùi các thông tin tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của người lao động vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự quản lý, điều hành của Chính phủ.
Một việc nữa mà Chính phủ cũng như Tổng Liên đoàn cần tiếp tục lo là chăm lo đời sống người lao động, trước hết là việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đây là những chủ trương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Công đoàn các cấp cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng bảo đảm việc thực thi này.
Đồng thời, cần phối hợp để tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, kịp thời kiến nghị giải quyết vướng mắc, xử lý vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả giám sát xã hội. Tiếp tục phát huy các phong trào thi đua, động viên người lao động. Phối hợp tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo với công nhân, người lao động nhiều hơn nữa, trong đó có cuộc gặp giữa Thủ tướng với các đại diện các đoàn đại biểu dự Đại hội công đoàn Việt Nam hay cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với công nhân, người lao động nhân dịp Tết Lao động 1/5…
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý, giải quyết các kiến nghị cụ thể của Tổng Liên đoàn liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động, hỗ trợ hoạt động của tổ chức công đoàn…
Về việc xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động theo Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn đề xuất, tham gia ý kiến với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với Hội đồng Tiền lương Quốc gia để trình Thủ tướng xem xét. Thủ tướng nêu rõ tinh thần giải quyết một cách hài hòa, các bên thảo luận một cách thấu tình đạt lý, chặt chẽ, “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, bởi nếu tăng lương tối thiểu cao quá thì khó thu hút đầu tư, có nghĩa là không giải quyết nhiều việc làm cho người lao động nhưng để thấp quá thì đời sống người lao động gặp khó khăn.
Tổng Liên đoàn cũng nêu kiến nghị sớm ban hành quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn tập thể hoặc dịch vụ bữa ăn ca của người lao động tại các doanh nghiệp. Mặc dù đã có Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định an toàn thực phẩm, trong đó có áp dụng cho cả đối tượng nêu trên, nhưng Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định và Tổng Liên đoàn, các tổ chức công đoàn phải tăng cường kiểm tra thực hiện chủ trương này.
“Ủy ban phải bảo đảm bữa ăn cho người công nhân thế nào, cả số lượng, chất lượng, nguồn cung cấp thực phẩm an toàn như thế nào? Trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra ngộ độc như thế nào? Phải xử lý nghiêm khắc như thế nào? Phải công khai hóa chuyện này trong các bếp ăn tập thể”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng, lương công nhân còn thấp, phải dựa vào tái sản xuất sức lao động thông qua bữa ăn tập thể giữa ca, buổi trưa. “Đây là việc quan trọng mà tất cả chúng ta đều phải quan tâm”.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chính quyền địa phương và các cấp công đoàn tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển hợp tác xã, FDI và các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam để làm sao giải quyết việc làm cho người lao động tốt nhất, đồng thời, các cấp, các ngành và các doanh nghiệp phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, để người lao động có điều kiện tái sản xuất sức lao động, xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa lao động và doanh nghiệp.
Theo Chinhphu.vn