Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII:

Mọi thành phần kinh tế được phát triển, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh

.

Sáng 29-6, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo. Chủ trì điểm cầu Đà Nẵng có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “3 nghị quyết chuyên đề về kinh tế được Trung ương ban hành tại hội nghị lần này đều là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội XII của Đảng đã đề ra về phát triển kinh tế-xã hội. Nội dung trọng tâm của các nghị quyết này là những định hướng lớn mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những chủ thể rất quan trọng, là nơi tạo ra của cải vật chất chủ yếu của nền kinh tế”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị việc triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) phải gắn liền với thực tiễn nhiệm vụ ở từng đơn vị, địa phương, nói đi đôi với làm, tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm; phải bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu trong nghị quyết và hướng dẫn của Trung ương. Trong đó, chú trọng một số nội dung: Thống nhất nhận thức, nội dung cốt lõi của nghị quyết về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ các khu vực kinh tế có định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta; xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhiệm vụ chiến lược, đột phá quan trọng, tạo động lực, giải phóng nguồn lực, tạo mọi thuận lợi cho kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh (giữa); Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (trái), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: SƠN TRUNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh (giữa); Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (trái), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: SƠN TRUNG

Song song đó, đổi mới xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, đầu tư công và phân bổ nguồn lực, đẩy mạnh cải cách tiền lương, tiền công, bảo đảm an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thể chế kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu; cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao chất lượng các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Đồng thời, hoàn thiện thể chế kinh tế phải đi đôi với việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy cán bộ của hệ thống chính trị, xác định đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường bảo đảm định hướng XHCH, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Để DNNN hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động công khai, minh bạch, tự chủ, cạnh tranh bình đẳng. DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những lĩnh vực quan trọng về quốc phòng-an ninh, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra không để thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước; tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng chủ sở hữu; tập trung xử lý dứt điểm các tổng công ty, dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; kiên quyết xử lý nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi, tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Đối với khu vực kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phần kinh tế này; khuyến khích thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, tham gia chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, chăm lo nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng CNXH của các chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, đồng thời ngăn chặn, hạn chế tiêu cực, đặc biệt là phòng, chống chủ nghĩa thân hữu, quan hệ lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi bất chính.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng, kỷ luật phải nghiêm minh; đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền phải nghiêm túc.

Tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) bao gồm các nghị quyết: Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin thêm: Số lượng DNNN từ 12.000 vào năm 1990 giảm còn 6.000 năm 2001 và còn 652 vào năm 2016. DNNN đã đóng góp gần 30% GDP với tổng tài sản trên 3 triệu tỷ đồng, tổng vốn của chủ sở hữu khoảng 1,37 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 161 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 276 ngàn tỷ đồng.

Số doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tăng mạnh từ khi Chính phủ phát động phong trào khởi nghiệp. Năm 2015, có gần 500.000 DNTN, năm 2016 đăng ký trên 110.000 DNTN; 6 tháng đầu năm 2017, đăng ký mới 61.000. Doanh nghiệp hộ cá thể đã đạt gần 5 triệu hộ. DNTN chiếm gần 40% GDP, đóng vai trò chủ đạo, tạo việc làm cho người lao động. Về doanh nghiệp FDI, năm 2016 có trên 2.006 dự án đăng ký mới với số vốn gần 57 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2017 có gần 1.200 dự án đăng ký mới với tổng vốn trên 19 tỷ USD. Đến nay, cả nước có gần 23.600 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký trên 306 tỷ USD.

 S.TRUNG

;
.
.
.
.
.