“Trường Sa đã có mạng viễn thông Viettel nhưng chỉ có 2G (mức độ chỉ ưu tiên cho gọi điện thoại). Ra đấy đừng mong hằng ngày gửi được tin, bài, ảnh về đất liền đâu nhé”. Trước khi lên đường ra Trường Sa, tôi đã được cảnh báo như thế, bởi trước tôi, nhiều phóng viên từng đến Trường Sa nhưng không thể gửi được tin, bài về hằng ngày.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (giữa) trả lời phỏng vấn báo chí khi thăm đảo Thuyền Chài. Ảnh: SƠN TRUNG |
Tuy nhiên, Bùi Ngọc Phú, đồng nghiệp cùng cơ quan Báo Đà Nẵng từng đi Trường Sa năm 2016, đã mách nước kinh nghiệm: Truyền tin, ảnh về đất liền qua ứng dụng Messenger của Facebook trên điện thoại thông minh và cách làm này thực sự hiệu quả. Theo Ngọc Phú, tôi chỉ cần giảm dung lượng ảnh xuống dưới 300KB, phù hợp với ảnh sử dụng cho web, còn tin, bài cứ gõ trên máy vi tính rồi chuyển qua điện thoại và cũng gửi về qua ứng dụng Messenger. Ban đầu, tưởng chừng làm vậy sẽ đơn giản nhưng thực tế mọi chuyện không hề trơn tru.
Chúng tôi xuống tàu ngày 20-5, tin về sự kiện lãnh đạo Quân chủng Hải quân cùng lãnh đạo đoàn công tác làm lễ xuất quân trước Đài tưởng niệm Đoàn tàu không số anh hùng (nay là Lữ đoàn 125, Vùng 4 Hải quân) được chuyển thuận lợi qua thư điện tử bằng máy tính có kết nối thiết bị thu phát 3G của Viettel. Thế nhưng, khi tàu ra biển, đến cuối ngày, điện thoại không hiện sóng của bất cứ mạng viễn thông nào. Sáng 22-5, chúng tôi lên điểm đảo đầu tiên - đảo chìm Đá Lát. Lần đầu được tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa thân yêu, cánh phóng viên chúng tôi đều háo hức. Đảo chìm diện tích nhỏ nên thành viên đoàn công tác thay phiên lên đảo và trở lại tàu. Riêng cánh phóng viên được ưu tiên hơn là lên đảo chỉ sau chuyến tàu chở hàng nên ai cũng tranh thủ thời gian quý báu trên đảo để ghi chép, chụp ảnh, tìm hiểu thông tin, phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ đóng trên đảo. Đến được Trường Sa có khi chỉ là cơ hội duy nhất nên phóng viên nào cũng cố gắng ghi, chụp nhiều hình ảnh, nắm được nhiều thông tin càng tốt.
Tác giả (phải) chụp ảnh lưu niệm tại đảo Đá Tây A. |
Vào đảo, thấy sóng 2G Viettel là mừng thầm “chắc mình sẽ gửi được tin lên đảo đầu tiên về đây” nhưng việc xảy ra không theo ý muốn. Đoàn công tác thăm đảo xong trở về, tàu chạy một mạch chỉ vài chục phút sau là ra khỏi vùng sóng Viettel và tôi bắt đầu thấy lo lắng nhưng vẫn cố xử lý hơn chục tấm ảnh và gõ xong bản tin trên máy tính. Suốt ngày hôm đó, tôi cứ mong trên hải trình tàu chạy sẽ gần hòn đảo nào đó của ta có sóng 2G nhưng điều đó không xảy ra. Tàu chạy gần trưa, trên điện thoại bỗng xuất hiện 2 vạch sóng, mừng quá, tôi đem ảnh ra gửi. Đưa hết ảnh vào gửi qua Messenger mà chẳng thấy báo đã chuyển được ảnh, thất vọng, tôi chuyển sang gửi tin nhưng không thể nào chép được file sang điện thoại. Nhanh trí, tôi nghĩ ra cách đọc tin qua điện thoại để phóng viên Ngọc Phú ghi âm và gõ lại. Bản tin đầu tiên đi trên biển của tôi phải làm như vậy.
Chỉ khi lên được đảo Trường Sa, thời gian ở lại tương đối lâu, tôi mới gửi được tin, ảnh đầu tiên qua Messenger để chuyển cho báo kịp thời. Gửi được tin lần đầu, tôi rút ra kinh nghiệm: Lên đảo, thông tin cần đưa về nhà ngay là hoạt động của lãnh đạo đoàn, lãnh đạo thành phố. Những thông tin dùng cho bài phản ánh sau này cứ thu thập rồi để dùng sau. Ngoài ra, phải tranh thủ sử dụng sóng 2G từng giờ, từng phút để gửi tin, ảnh trước khi tàu rời đảo. Có khi, được chỉ huy đảo tạo điều kiện, tôi chụp ảnh báo cáo của đơn vị rồi gửi ngay về, ảnh thì về tàu xử lý xong rồi gửi tiếp và tôi chỉ bổ sung thông tin nào không có trong báo cáo. Cứ như vậy, tin được truyền về đất liền liên tục.
Cũng có những đêm tàu chạy trong vùng có sóng 2G liên tục 3-4 giờ liền, những lúc như vậy, tôi thường tranh thủ khoảng thời gian từ 23 giờ trở đi lên boong tàu - nơi điện thoại bắt sóng mạnh nhất để gửi tin, ảnh về đất liền. Đó là khoảng thời gian không có ai gọi điện về đất liền, mạng 2G như con đường rộng mà chỉ mình tôi đi nên gửi tin, ảnh thuận lợi. Mỗi bức ảnh gửi đi mất hơn 10 phút mới thành công. Đặc biệt, có 2 lần tôi gặp may mắn. Đó là khi tàu chạy qua khu vực có các giàn khoan dầu khí ban đêm đèn điện sáng trưng cả mặt biển. Lúc đó, sóng 2G của Viettel có biểu tượng chữ H (tức có 3G), thậm chí có cả sóng Vinaphone, MobiFone. Nghe điện thoại có chuông báo “ting” là tôi rời khỏi giường chạy lên boong ngay. Nếu không tranh thủ thời điểm thuận lợi này thì chỉ 1 giờ sau, tàu lại ra khỏi vùng phủ sóng. Ngoài thời gian tàu neo tại đảo ra, khi tàu đi trên biển, không thể biết được tàu đến đâu sẽ có sóng 2G. Nói chung, phải chuẩn bị sẵn những hình ảnh, nội dung tin, bài chưa gửi về được và chờ đợi khi có cơ hội, điện thoại bắt sóng là gửi ngay.
Cũng có lúc tin, ảnh truyền về qua mạng 2G rất phập phù. Tin chuyển về từ chiều nhưng trưa ngày hôm sau ảnh mới về hoặc cứ gửi 1 bức ảnh nhắn kèm dòng chú thích thì chú thích về trước, ảnh về sau. Nếu người nhận tin ở đất liền chưa từng đi Trường Sa thì phải mất thời gian đọc rồi xem ảnh để khớp chú thích cho các bức ảnh. Nói chung, để gửi được tin, ảnh về hằng ngày, phóng viên phải chịu khó “rình” lúc có sóng 2G. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện đối với phóng viên báo in, đối với phóng viên truyền hình thì bất khả thi.
Dù khó khăn, nhưng với tình cảm sâu nặng đặc biệt dành cho Trường Sa, cho biển, đảo quê hương, những nhà báo chúng tôi luôn tâm niệm phải làm hết sức mình để chuyển tải thông tin chính xác, kịp thời nhất…
SƠN TRUNG