Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người

.

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo thông tin về tình hình thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II được Việt Nam chấp thuận.

Các em học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Lao Chải, Sa Pa, Lào Cai trong lớp học. (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)
Các em học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Lao Chải, Sa Pa, Lào Cai trong lớp học. (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, thúc đẩy quyền con người

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao cho biết là một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, đặc biệt là việc thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II mà Việt Nam chấp thuận với sự tham gia chủ động, tích cực của tất cả các bộ, ngành liên quan trên cơ sở tiếp thu thông tin, ý kiến đóng góp quý báu từ các tổ chức, cá nhân quan tâm.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu, Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát đã bước sang chu kỳ thứ III, được đánh giá là một cơ chế thành công, hiệu quả nhất của Hội đồng Nhân quyền và trên thực tế đã góp phần thúc đẩy quyền con người tại nhiều quốc gia và trên toàn thế giới vì cơ chế này đã đảm bảo các nguyên tắc tiến bộ về nhân quyền như phổ cập, toàn diện, công bằng, hợp tác và đối thoại liên chính phủ.

Hội thảo lần này nhằm thông báo rộng rãi cho mọi cá nhân, tổ chức quan tâm về kết quả thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II mà Việt Nam chấp thuận, đồng thời trao đổi về những trọng tâm, lĩnh vực cần ưu tiên thúc đẩy hơn nữa trong việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát hướng đến chu kỳ III, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2019.

Đánh giá cao sự phối hợp của Việt Nam với những cơ quan thực hiện cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc trong việc triển khai Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng tiến trình triển khai Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát cần đảm bảo tính độc lập quốc gia, giúp công tác báo cáo kịp thời, triển khai các khuyến nghị được hiệu quả, nâng cao chất lượng tương tác, tính bổ trợ của tiến trình Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát.

Thiết lập hệ thống giám sát Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát hiệu quả là rất quan trọng. Việc thiếu những kỳ hạn rõ ràng, không có chỉ số cụ thể thì việc giám sát chương trình hành động Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát đặt ra thách thức trong việc theo dõi biến chuyển và tiến độ của việc thực hiện.

"Chỉ có sự phân định rõ ràng và có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Chính phủ thì mới có thể đảm bảo thực hiện hiệu quả các khuyến nghị được chấp thuận. Sự tham gia của các tổ chức xã hội vào việc thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát là rất cần thiết, góp phần tăng cường bảo vệ nhân quyền của từng cá nhân, giúp mọi người thực hiện quyền của mình tốt hơn," ông Kamal Malhotra nói.

Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị

Thông tin về tình hình thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II được Việt Nam chấp thuận, bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, cho biết Phiên rà soát Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II về Việt Nam diễn ra ngày 5/2/2014 tại Hội đồng Nhân quyền. 106 nước phát biểu, đánh giá cao chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người kể từ năm 2009 và đưa ra 227 khuyến nghị. Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị. Các khuyến nghị không được chấp thuận do không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam.

182 khuyến nghị thuộc 7 lĩnh vực: Cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người; tiếp tục tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị; đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; giáo dục về quyền con người; tiếp tục gia nhập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người; hợp tác quốc tế về quyền con người.

Ngay sau khi nghiên cứu các khuyến nghị đã được chấp thuận, Việt Nam đã phân công các bộ, ngành triển khai thực hiện. Sau 2 năm tính từ tháng 6/2014 đến hết ngày 31/12/2016, có 147 khuyến nghị đã được triển khai thực hiện và 4 khuyến nghị được thực hiện một phần, trong tổng số 182 khuyến nghị Việt Nam đã chấp thuận, đạt 80,7%.

Cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người cho thấy, từ năm 2014-2016, hàng chục văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân đã được thông qua nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị, Việt Nam đã triển khai thực hiện khuyến nghị về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người nói chung. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.900 USD năm 2013 lên 2.215 USD năm 2016. Số người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế tăng, 25,05% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm cao, kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ, giải quyết các khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

Các tổ chức xã hội và người dân ngày càng tham gia nhiều hơn vào quá trình kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách của Nhà nước. Người dân được tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng Internet để thực hiện quyền tự do ngôn luận, hiện có khoảng 50 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, chiếm 52% dân số. Các tổ chức tôn giáo ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình quốc gia đạt kết quả cao: Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2012-2020; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đã ban hành cho đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.

Tại Việt Nam, nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ về quyền con người được nâng cao. Các bộ, ban, ngành tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch tuyên truyền về quyền con người, đặc biệt là phổ biến, đào tạo về Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và các văn kiện nhân quyền quốc tế; nỗ lực và chính sách của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.

Ngày 28/11/2014, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn việc tham gia Công ước Chống tra tấn (CAT) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD). Việt Nam chính thức là thành viên của 7/9 Công ước chủ chốt của Liên hợp quốc về quyền con người.

Việt Nam tích cực thực hiện các nghĩa vụ, cam kết quốc tế về quyền con người như đang đảm nhận tốt vai trò thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2015-2019; tham gia tích cực, có trách nhiệm tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR)...

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.