CHÍNH PHỦ HỌP TRỰC TUYẾN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017

Quyết tâm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6,7%

.

Ngày 3-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017, bàn giải pháp hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017, trong đó trọng tâm là quyết tâm, nỗ lực nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “6 tháng đầu năm 2017 có thể nói là 6 tháng thiên thời, địa lợi, nhân hòa của đất nước. Người dân phấn khởi làm ăn, kinh doanh, khởi nghiệp, xu hướng kinh doanh tốt hơn. Như một người đi khám sức khỏe, các chỉ số cơ bản như huyết áp, mỡ máu, men gan… đều tốt”. Trên cơ sở kết quả trong 6 tháng đầu năm, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung đưa ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa; đặc biệt là tiêu thụ hiệu quả các loại nông sản như: lúa, gà, thịt heo, trái cây… Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một số cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả; một bộ phận cán bộ chính quyền còn để xảy ra tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề ra các giải pháp đột phá, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN để từ đó có điều kiện thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững hơn. “Chúng ta thấy nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Riêng về tăng trưởng, muốn tăng trưởng 6,7% cả năm thì 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 7,42%, đây là con số không dễ dàng bởi chúng ta chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ”, Thủ tướng nói. Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, vấn đề đặt ra phải quyết tâm, nỗ lực và hành động quyết liệt hơn nữa, nhất là góc độ sản xuất, kinh doanh ở các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm lớn của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành đề xuất phương pháp, cách làm cụ thể để chủ trương, cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thực hiện vượt các chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thực chất hơn, đồng thời phải chuyển động hệ thống từ Trung ương tới cơ sở, nhất là cấp Vụ, Cục, Tổng cục, đặc biệt là các sở, huyện, xã, theo hướng phục vụ người dân tốt hơn, tạo điều kiện cho quyền làm chủ người dân, sản xuất kinh doanh.

Qua thực tiễn công việc, Thủ tướng đã chỉ ra các nút thắt ​tác động đến tăng trưởng, bao gồm thủ tục hành chính (nhất là giải ngân vốn đầu tư), ​tiếp đến là vốn và cuối cùng là ​công tác giải phóng mặt bằng. Nhấn mạnh về hoạt động tín dụng, Thủ tướng đề nghị ​cần có chính sách để tín dụng “không dồn cho các đại gia” mà phải tạo điều kiện để DN khởi nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong quá trình thực hiện các chính sách, ​người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần phân cấp mạnh mẽ hơn và giao quyền cho cấp dưới chịu trách nhiệm, nhất là các dự án đầu tư. ​Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư không chỉ vào ngân sách Nhà nước, mà phải xã hội hóa, cố gắng giảm các loại phí với các DN, giảm giá thành để cạnh tranh. “Chúng ta tiếp tục lắng nghe, xử lý kiến nghị của người dân, DN, tìm ra phương thức hợp tình, hợp lý nhất là giải quyết đơn thư tố cáo, kiến nghị của doanh nghiệp. Nếu không sẽ rơi vào quan liêu, cửa quyền, hách dịch... Cuộc sống yêu cầu rất phong phú, cấp chính quyền địa phương phải tăng cường đối thoại”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ​lưu ý thêm.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sớm công bố biển miền Trung an toàn

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay, sau sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, cơ quan chức năng đã thực hiện giám sát và thấy rằng chất lượng hải sản tầng nước mặt và tầng trung đã an toàn. Riêng với hải sản tầng đáy, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đã phối hợp với một số chuyên gia quốc tế giám sát chặt chẽ, sử dụng phương pháp lấy mẫu đối chứng để kiểm nghiệm. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu hải sản tại 3 tỉnh không bị ảnh hưởng trong sự cố là Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu để kiểm tra với hải sản tầng đáy 4 tỉnh miền Trung. Kết quả cho thấy, các mẫu đối chứng đã giống nhau về các chỉ tiêu nêu trên, riêng mẫu ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh còn chỉ tiêu phenol cao hơn.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, khu vực Kỳ Anh có thể ở khu vực đầu ra của Formosa nên ngành y tế sẽ thực hiện kiểm tra thêm. Nếu chỉ tiêu giống nhau ở tất cả các mẫu, cơ quan chức năng sẽ công bố hải sản tầng đáy tại các tỉnh miền Trung đảm bảo an toàn.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế phải khẩn trương kiểm tra lại mẫu. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu trong vòng 15 ngày nữa, ngành y tế phải họp báo công bố công khai các chỉ số tầng đáy của hải sản 4 tỉnh miền Trung vì đây là vấn đề liên quan đến đời sống người dân, môi trường, kinh tế.

Xử lý cơ quan chủ quản khi tờ báo trực thuộc sai phạm

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã phối hợp các địa phương kiểm tra một số văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí và đã đề nghị chấn chỉnh một số sai phạm. Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Bộ TT-TT sẽ tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm.

Liên quan đến vụ việc của nhà báo Lê Duy Phong (Báo điện tử Giáo dục Việt Nam) nhận tiền của DN ở tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, sẽ phối hợp với Bộ Công an để xem xét xử lý đối với phóng viên và các cơ quan báo chí liên quan. Đồng thời, Bộ trưởng cảnh báo, hiện nay có hiện tượng một số phóng viên câu kết thành nhóm để “đánh hội đồng” các DN. Đặc biệt, thực trạng “sáng đăng báo, trưa gặp DN rồi chiều gỡ bài” vẫn tồn tại ở một số báo, nhất là báo điện tử. Chính từ thực tế này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị các Bộ, ngành và Hiệp hội phải quản lý chặt chẽ các tòa soạn báo chí trực thuộc. “Trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước chỉ quản lý hậu kiểm, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng phải xử lý cơ quan chủ quản khi tờ báo trực thuộc sai phạm nghiêm trọng trong việc đăng tin, bài. Hiện nhiều cơ quan chủ quản vẫn đứng ngoài khi cơ quan báo chí trực thuộc có vấn đề”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề xuất.

Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc quản lý báo chí trong tình hình hiện nay hết sức nặng nề. Đối với thực trạng do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu, liên quan đến các hiện tượng tiêu cực trong báo chí, Thủ tướng yêu cầu cần phải xử lý nghiêm. Thủ tướng giao Bộ TT-TT tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm; yêu cầu các cơ quan chủ quản có trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu các tòa soạn và cá nhân các phóng viên.

Trong 6 tháng, cả nước thành lập mới 61.300 doanh nghiệp (DN), với tổng vốn đăng ký khoảng 597.000 tỷ đồng, tăng 12,4% về số DN và tăng 39,4% số vốn đăng ký so với năm 2016. Đây là mức tăng cao nhất từ năm 2014 đến nay. Bên cạnh đó, có 15.300 DN hoạt động trở lại, nâng tổng số DN gia nhập thị trường lên trên 76.600 DN. Nhờ đó, tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng khá, ước đạt 7,54%. Đây là mức tăng cao so với các năm gần đây, thể hiện xu hướng phát triển tích cực và khả năng hấp thụ vốn tương đối tốt của nền kinh tế.

VIỆT DŨNG - B.T

;
.
.
.
.
.