Có hình bóng chồng, con trong quê hương đổi thay

.

Ba lần tiễn con đi là hai lần Mẹ gạt nước mắt nhận tin con không trở về. Người chồng của Mẹ cũng hy sinh anh dũng trong một trận chiến ngay sau đó khiến nỗi đau chất chồng…

Trong những đổi thay của quê hương, Mẹ Loan luôn nhìn thấy bóng dáng của chồng và những người con đã nằm xuống.
Trong những đổi thay của quê hương, Mẹ Loan luôn nhìn thấy bóng dáng của chồng và những người con đã nằm xuống.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng xã Sơn An (nay là xã Quế An), huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Loan (nay đã 93 tuổi) sớm giác ngộ cách mạng và làm nhiệm vụ giao liên. “Hằng ngày, thấy tụi lính đi càn, bắn giết, rồi đốt nhà người dân vô tội, tôi uất ức lắm. Chính vì vậy, khi được hai cán bộ xã là đồng chí Trần Liên và Nguyễn Mộng Cư động viên tham gia làm giao liên, tôi gật đầu ngay”, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Loan nhớ lại.

Năm 24 tuổi, Mẹ được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Châu Sơn, xã Sơn An, với nhiệm vụ chính là cùng chị em vận động quyên góp lương thực cho du kích và bộ đội. Từ đây, cuộc sống của Mẹ gặp rất nhiều khó khăn vì bị địch thường xuyên “dằn mặt” dù không có chứng cứ. Vượt qua tất cả, Mẹ vẫn hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ phụ nữ và nuôi dạy con để chồng yên tâm hoạt động. Hoạt động của Mẹ và chị em trong chi hội gặp khó khăn bộn bề khi năm 1970 địch thực hiện chính sách dồn dân vào ấp chiến lược nhằm cắt đứt nguồn tiếp tế cho du kích và bộ đội. Năm 1971, khi quân địch hành quân đến xã liên tiếp bị dính mìn của du kích và bộ đội, chính Mẹ bị lính ngụy “chọn” làm bia đỡ đạn khi hằng ngày chúng bắt Mẹ đi trước đội ngũ hành quân. Chúng nói với Mẹ, nếu khai nơi ẩn nấp của bộ đội thì không bắt Mẹ phải làm bia đỡ đạn như thế nữa nhưng Mẹ nhất quyết không chịu.

Năm 1970, nhận được tin chồng và 2 con trai lần lượt hy sinh, Mẹ gần như suy sụp. Ấy vậy nhưng khi người con trai cuối cùng còn lại là anh Hà Huy Hoàng xin Mẹ tham gia hoạt động cách mạng, Mẹ vẫn gật đầu và bình thản dặn dò: “Con sống và chiến đấu làm sao khỏi phụ niềm tin của cha, anh và em của con. Cách mạng còn thì chúng ta còn!”.

Nhớ lại những ngày đó, anh Hà Huy Hoàng- người con trai duy nhất còn sống và phụng dưỡng Mẹ tại số nhà 22 Phùng Hưng, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê tự hào về mẹ mình: “Mẹ tôi suốt cả đời tận tụy chăm lo, ủng hộ chồng con tham gia cách mạng và chẳng bao giờ đòi hỏi gì riêng cho mình. Với Mẹ, niềm vui là ngày Tết, ngày giỗ, nhất là Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 được về quê thắp hương cho chồng, con và những đồng đội của ba, của anh tôi”, anh Hoàng nói. Anh Hoàng cho biết, những lúc khỏe, Mẹ rất thích đi thăm những cảnh đổi thay của quê hương Quế An, Quế Sơn cũng như những cảnh đẹp ở Đà Nẵng như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý. “Trong những lần đi như vậy, bao giờ Mẹ cũng nói rằng quê hương mình thay đổi từng ngày. Trong từng tấc đấc quê hương mẹ đều thấy bóng dáng của cha và những người con đã ngã xuống. Bây giờ, các con phải sống làm sao cho xứng đáng với những hy sinh đó. Và chúng tôi lúc nào cũng luôn nằm lòng câu nói ấy của Mẹ để cố gắng hơn nữa”, anh Hoàng nói.

Bài và ảnh: T.S

;
.
.
.
.
.