Điểm chuẩn xét tuyển đại học có thể ít biến động

.

Mặc dù số điểm 10 thi THPT năm nay khá nhiều, nhưng nhìn chung phổ điểm phân bố đều nên dự kiến điểm chuẩn xét tuyển sẽ không có biến động lớn.

Thí sinh cần thận trọng khi điều chỉnh nguyện vọng. Trong ảnh: Một giờ học của học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 2.
Thí sinh cần thận trọng khi điều chỉnh nguyện vọng. Trong ảnh: Một giờ học của học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 2.

Thận trọng khi điều chỉnh nguyện vọng

Năm nay, Bộ GD-ĐT có một số thay đổi trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là phương thức đăng ký và xét tuyển. Mỗi thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng khác nhau, vào nhiều trường khác nhau để bảo đảm thí sinh có thể theo học được ngành, nghề yêu thích. Đồng thời, thí sinh có thể điều chỉnh, đăng ký bổ sung nguyện vọng sau khi có điểm tốt nghiệp THPT.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), vì phổ điểm phân bố đều nên ngoài một số rất ít trường top đầu, các trường còn lại dự báo cũng không có biến động lớn đối với điểm xét tuyển so với mọi năm.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, các em nên ưu tiên chọn lĩnh vực yêu thích, có năng lực thực sự; sau đó, căn cứ kết quả thi của mình, các em tham khảo điểm trúng tuyển của các trường ở những năm trước, sau đó đăng ký hoặc điều chỉnh đăng ký theo thứ tự trường có điểm trúng tuyển cao đến thấp dẫn. Riêng đối với Trường Đại học Sư phạm, nếu muốn trở thành giáo viên dạy Văn nhưng các em có điểm xấp xỉ các năm trước và lo lắng không trúng được ngành Sư phạm Văn trong năm nay thì có thể đăng ký nguyện vọng 1 là Sư phạm Văn, nguyện vọng 2 là cử nhân Văn, hoặc cử nhân Văn hóa học…

Khi trúng tuyển vào trường, các em có thể đăng ký học chương trình thứ hai là Sư phạm Văn. Khi ra trường, các em nhận cùng lúc 2 bằng chính quy, đi dạy tốt hơn hoặc đi làm các công việc liên quan cũng thuận lợi hơn. Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm đã điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của một số ngành dựa vào kết quả khảo sát các bên liên quan, kết quả điều chỉnh đã được cập nhật trên các trang web của trường.

Còn PGS.TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Kinh tế (ĐHĐN), dự đoán điểm xét tuyển vào trường không biến động nhiều so với năm ngoái vì phổ điểm tốt nghiệp không có biến động nhiều ở các khối A, A1 và D1…

Với phương thức điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký dự thi và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định. Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cán bộ máy tính cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

“Thí sinh cần cố gắng tránh sai sót, phải ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại. Đối với phương thức điều chỉnh bằng phiếu, điểm thu nhận hồ sơ sẽ yêu cầu thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót (nếu có)”, PGS.TS Lê Văn Huy nói.

Theo PGS.TS Lê Văn Huy, khi có kết quả thi THPT, nếu kết quả thực tế chênh lệch cao so với dự kiến (trước khi thi THPT) thì thí sinh mới nên điều chỉnh để phù hợp với phổ điểm của các trường. Tùy từng trường, nếu thí sinh không trúng tuyển ở đợt xét tuyển lần 1 thì có thể chờ đợi lần xét tuyển thứ 2. Dự kiến Trường Đại học Kinh tế sẽ chỉ xét tuyển ở đợt 1.

Hạn chế thí sinh ảo

PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, để hạn chế lượng thí sinh ảo, nhà trường sẽ sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển các ngành khối sư phạm. Ví dụ, đối với ngành Sư phạm Toán, nếu thí sinh có tổng điểm bằng nhau thì ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có điểm Toán cao hơn. Tương tự, đối với các ngành Sư phạm Văn ưu tiên Văn; Sư phạm Sinh ưu tiên Sinh…

Năm nay, để hạn chế số lượng thí sinh ảo, trong quá trình xét tuyển từ ngày 27 đến 30-7, các cơ sở giáo dục thành viên của ĐHĐN sẽ tham gia lọc ảo nội bộ trong nhóm ĐHĐN, sau đó sẽ tham gia lọc ảo theo “nhóm lọc ảo” phía nam (gồm khoảng 70 trường đại học, cao đẳng phía nam). Sau khi lọc ảo theo nhóm xong, dữ liệu sẽ đưa vào Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và Bộ một lần nữa sẽ thực hiện việc lọc ảo trước khi công bố kết quả trúng tuyển cho các thí sinh.

TS. Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐHĐN cho rằng, thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh cập nhật trên trang web của các trường so với các thông tin đã công bố trong đề án tuyển sinh từ tháng 3. Đối với ĐHĐN, có 3 ngành mới mở là Răng-Hàm-Mặt, Dược học thuộc Khoa Y Dược và Công nghệ sinh học của Phân hiệu Kon Tum.

Cách xét tuyển năm nay có những thay đổi so với năm trước nên mỗi thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng, chắc chắn mỗi thí sinh sẽ đăng ký vào 3 nhóm trường (nhóm trường cao hơn năng lực trung bình của thí sinh, nhóm trường hoàn toàn phù hợp với năng lực của thí sinh và nhóm thấp hơn so với năng lực). Với cách đăng ký như vậy, thí sinh sẽ không có nhiều điều chỉnh nguyện vọng.

Đồng thời, theo cách xét của Bộ, với mỗi thí sinh sẽ ưu tiên theo thứ tự nguyện vọng nhưng đối với các thí sinh khác nhau thì sẽ xét theo điểm, không phân biệt thứ tự nguyện vọng nên thí sinh chú ý không nên thay đổi nguyện vọng nếu điểm thi phù hợp với điểm dự kiến trước khi thi THPT.

Bộ GD-ĐT quy định thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời gian từ ngày 15-7-đến 23-7. Cụ thể, từ ngày 9-7 đến ngày 11-7, thí sinh sẽ thực hành điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; từ ngày 15-7 đến 17 giờ ngày 21-7, thí sinh chính thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến. Từ ngày 15-7 đến 17 giờ  ngày 23-7, thí sinh chính thức điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức điều chỉnh bằng phiếu. Thí sinh lưu ý chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức điều chỉnh (trực tuyến hoặc bằng phiếu).

Điểm sàn xét tuyển đại học là 15,5

Ngày 12-7, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đại học (điểm sàn). Cụ thể, điểm sàn xét tuyển đại học năm 2017 là 15,5 ở tất cả khối, cao hơn 2 năm trước 0,5 và cao nhất kể từ khi thực hiện thi 3 chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả thi) đến nay. Điểm sàn là tổng điểm 3 môn mỗi khối thi, chưa nhân hệ số, chưa ưu tiên, được xác định dựa trên phổ điểm của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, đặc điểm vùng miền. Thí sinh có điểm các khối thi từ 15,5 trở lên có thể tham gia xét tuyển vào 140 trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia và 182 trường vừa sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, vừa áp dụng phương thức khác.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, với mức điểm sàn 15,5, có trên 535.000 thí sinh đủ tiêu chuẩn xét tuyển đại học; gấp 1,61 lần chỉ tiêu tuyển sinh. Khoảng 100.000 em dưới điểm sàn sẽ không đủ điều kiện xét tuyển vào các đại học sử dụng kết quả thi THPT quốc gia.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.