Kế hoạch hóa gia đình để nâng cao chất lượng dân số

Ngày 11-7-1987, lúc 6 giờ 35 (giờ Anh), cậu bé người Nam Tư Matej Gašpar ra đời tại thành phố Zagreb (nay là thủ đô của Croatia) và đây cũng là công dân thứ 5 tỷ của thế giới. Qua sự kiện này, nhiều nước trên thế giới tổ chức lễ kỷ niệm vì coi đó là một chiến thắng mà loài người đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực đã kìm hãm sự sinh trưởng trong lịch sử. Tuy nhiên, loài người cũng nhận thức được hiểm họa lớn xảy ra do bùng nổ dân số đưa đến và là tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người trên trái đất về sự cạn kiệt tài nguyên, môi trường sống bị ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái và các quyền của con người không đủ điều kiện để thực hiện.

Trước hiểm họa của “bùng nổ dân số”, tháng 11-1989, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan) quyết định lấy ngày sinh của bé Matej Gašpar (11-7) hằng năm là Ngày Dân số thế giới để nhắc nhở các quốc gia và mỗi người trên trái đất về nguy cơ dân số tăng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khỏe… Hằng năm, nhân Ngày Dân số thế giới, UNFPA lựa chọn một chủ đề cấp thiết mang tính toàn cầu để kêu gọi sự quan tâm chú ý của toàn nhân loại. Năm 2017, Ngày Dân số thế giới có chủ đề “Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ): Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.

Tính tới thời điểm hiện tại, khoảng 225 triệu phụ nữ trên toàn thế giới hiện có nhu cầu về các biện pháp KHHGĐ hiện đại nhưng chưa được đáp ứng. Theo UNFPA, các biện pháp KHHGĐ hiện đại có khả năng ngăn ngừa được 11,7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, gần 3,7 triệu ca nạo phá thai không an toàn và góp phần ngăn ngừa khoảng 29.000 ca tử vong mẹ. Tiếp cận phổ cập với các dịch vụ KHHGĐ tự nguyện có thể giảm 1/3 số ca tử vong mẹ và giảm 20% tỷ lệ tử vong trẻ em.

Việt Nam đã đạt và duy trì mức sinh thay thế, tuổi thọ bình quân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, chúng ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với hơn 63 triệu người (69% dân số) đang trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn lực khổng lồ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và trên thế giới.

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư vào công tác DS-KHHGĐ chính là nhằm cải thiện sức khỏe và góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ và các cặp vợ chồng. Sự đầu tư này mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác có vai trò làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển thành phố. Đầu tư vào công tác KHHGĐ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự thành công cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội của một thành phố trẻ. Đặc biệt, nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô gia đình ít con được chấp nhận ngày càng rộng rãi. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên luôn giữ ở mức đạt yêu cầu, tỷ suất sinh hằng năm đều giảm, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 5,6%. Chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số ngày càng được nâng lên. Những thành tựu trên đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7 cũng là dịp nhắc nhở các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân xem xét lại việc thực hiện chương trình DS-KHHGĐ, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục các tồn tại, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trong thời gian tới. Năm nay, những thông điệp được UNFPA chú trọng gồm: đầu tư vào công tác KHHGĐ, coi KHHGĐ là một phần nội dung quyền con người, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên ưu tiên trẻ em gái vị thành niên; đồng thời, coi việc tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ an toàn và tự nguyện là một quyền của con người, cần phải đặt mối quan hệ giữa KHHGĐ, bình đẳng giới và tăng trưởng kinh tế với nhau. KHHGĐ là một nội dung tích hợp trong các mục tiêu phát triển bền vững.

MAI HOA

;
.
.
.
.
.