Sáng 11-7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 12.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 12 diễn ra trong 1,5 ngày.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV; thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung, gồm việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV vào tháng 10 tới; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng; việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN để tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh tại Việt Nam; việc điều chỉnh đối tượng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của Chương trình kiên cố hóa trường lớp học; chế độ đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Viện Nghiên cứu lập pháp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để đảm bảo tính ổn định và tạo thuận lợi cho việc tham dự và phục vụ các phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất từ phiên họp này sẽ cố định thời gian khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày mùng 10 hằng tháng, trừ trường hợp trùng vào ngày nghỉ thì phiên họp sẽ lùi lại 1-2 ngày hoặc thời gian diễn ra Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hay có những việc đột xuất, phát sinh quan trọng của đất nước, thì sẽ điều chỉnh theo tình hình thực tế.
“Về cơ bản là cố định khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày mùng 10 hằng tháng để Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban, Trưởng các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cán bộ phục vụ biết được để chuẩn bị phiên họp được chu đáo và không bị động về mặt thời gian,” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Đồng thời, nội dung được bố trí trải đều các phiên họp để bảo đảm mỗi phiên họp không quá 7 ngày, tránh những phiên họp như trước đây diễn ra tới 2 tuần.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan tham dự các phiên họp đầy đủ, nghiên cứu kỹ tài liệu, góp phần xem xét, quyết định hiệu quả các nội dung, báo cáo tại phiên họp.
Theo Vietnam+