Lạm dụng tên nước ngoài trên biển hiệu: Bài 2: Vì sao lạm dụng?

.

Tình trạng sử dụng chữ nước ngoài trên biển hiệu tràn lan hiện nay tại Đà Nẵng và các đô thị lớn do nhiều nguyên nhân; trong đó phải kể đến là do Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2014 có những “khoảng trống” và việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực này thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó là một bộ phận người dân chưa hiểu về hiệu quả của sử dụng tiếng Việt để quảng bá, xây dựng thương hiệu.

Sự thiếu chặt chẽ của luật đã tạo khoảng trống để doanh nghiệp có điều kiện đặt tên tiếng nước ngoài một cách hợp pháp (ảnh chụp trên đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, ngày 30-6). Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Sự thiếu chặt chẽ của luật đã tạo khoảng trống để doanh nghiệp có điều kiện đặt tên tiếng nước ngoài một cách hợp pháp (ảnh chụp trên đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, ngày 30-6). Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Lợi dụng khoảng trống của luật?

Trong quá trình tìm hiểu vấn đề này, khi truy cập trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia, chỉ trong 2 ngày 20 và 21-6-2017, chúng tôi bắt gặp một số tên doanh nghiệp được thành lập mới ở Đà Nẵng mang yếu tố tiếng nước ngoài. Ví dụ như: Công ty TNHH Công nghệ sáng tạo Kaizen Innotek (ngày thành lập 20-6-2017), Công ty TNHH Imagine Desire (ngày thành lập 21-6-2017)…

Giải thích về hiện tượng “nửa nạc nửa mỡ” này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo quy định tại mục b, khoản 1, Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2014, “Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ  số và ký hiệu”. Điều này được hiểu là doanh nghiệp có quyền sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ  F, J, Z, W để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp. Như vậy, các tên doanh nghiệp viết theo chữ nước ngoài, chẳng hạn Kaizen Innotek, Imagine Desire… là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, theo Luật gia Tạ Tự Bình, Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng, có thể hiểu việc đặt tên doanh nghiệp là Công ty TNHH Imagine Desire là không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp vì Điều 38 của luật nêu là “Tên tiếng Việt của doanh nghiệp”. “Đã là tiếng Việt thì phải thể hiện bằng chữ Việt và đọc được bằng tiếng Việt. Ở đây đọc tên là: “Công ty trách nhiệm hữu hạn I-ma-gin De-si-re” hay sao?”, Luật gia Tạ Tự Bình đặt vấn đề.

Như vậy, có thể thấy, một là Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định chưa đúng, chưa chặt chẽ về tên tiếng Việt của doanh nghiệp; hoặc việc vận dụng luật vào thực tiễn có lỗ hổng. Dù gì, cả hai trường hợp đều tạo khoảng trống để doanh nghiệp có điều kiện đặt tên tiếng nước ngoài một cách hợp pháp.
Cùng với đó, theo luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng), ngoài việc doanh nghiệp được đặt tên tiếng nước ngoài được pháp luật công nhận như đã nêu trên, thì tên của các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng… được đặt tên nước ngoài cũng đúng quy định của pháp luật, vì đó là tên thương hiệu và không được ràng buộc về cách đặt tên.

Từ đó, cũng dẫn đến việc thời gian qua, ngành chức năng không thể xử lý sai phạm về tên biển hiệu có chữ nước ngoài theo luật pháp. Cụ thể, ngành quản lý quảng cáo không thể xử lý các trường hợp như trên bởi Điều 18 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo thì trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt...

Do đó, việc lập biên bản nhắc nhở, xử lý những vi phạm về biển hiệu trên địa bàn thành phố thời gian qua chủ yếu là sai về kích cỡ, sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài trên cùng biển hiệu nhưng chữ viết tiếng nước ngoài lớn hơn khổ chữ viết tiếng Việt, đặt trên chữ tiếng Việt hoặc không thể hiện chữ viết tiếng Việt…

Thêm một lý do khiến biển hiệu tràn lan tiếng nước ngoài là các ngành chức năng không quản lý từ gốc trước khi biển hiệu được dựng lên. Lý giải điều này, bà Khúc Thanh Hương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý quảng cáo (Sở Văn hóa-Thể thao) cho biết, chiếu theo quy định của Luật Quảng cáo, việc viết, đặt biển hiệu của các tổ chức, cá nhân không phải thông báo, thẩm định của cơ quan quản lý của Nhà nước mà chỉ chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước qua công tác hậu kiểm. Như vậy, khi biển hiệu được dựng lên, các ngành chức năng có kiểm tra mới mong phát hiện!

Thực trạng đó đặt ra câu hỏi, nhu cầu hoạt động, kinh doanh buôn bán của các tổ chức, cá nhân không ngừng phát triển, thay đổi và thành lập mới từng ngày, nếu không quản lý nội dung trước khi biển hiệu được dựng lên thì liệu các ngành chức năng có quản lý xuể bằng cách thụ động “gõ cửa” từng cơ sở kinh doanh hay không?

Đặt tên nước ngoài nhằm thu hút khách    

Những khoảng trống trong luật và sự thiếu kiểm soát của ngành chức năng chính là cơ hội để việc sử dụng biển hiệu có tên chữ nước ngoài tràn lan trong thời gian qua. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ về du lịch cũng tạo tâm lý cho chủ doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ “sính” dùng chữ nước ngoài.

Đơn cử, dù mang cái tên khá thuần Việt “Cắt tóc Quê Hương”, nhưng một cơ sở cắt tóc tại đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà) lại dùng toàn chữ Hàn Quốc từ mái che, đề-can dán ở cửa ra vào, hai bên hông cửa hiệu, đến biểu giá thức uống, loại hình dịch vụ… Theo lý giải của quản lý tiệm cắt tóc này, chủ của cơ sở là người Hàn Quốc và khách cũng chủ yếu là người Hàn Quốc nên trên biển hiệu phải viết tiếng Hàn để khách dễ nhận biết.

Hơn nữa, trong xu hướng kinh doanh qua mạng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bằng tiếng Anh – ngôn ngữ phổ biến trên thế giới để thuận lợi trong quảng bá thương hiệu. Thạc sĩ (Th.S) quản trị truyền thông Trần Thị Diệu Anh, giảng viên khoa Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) phân tích, việc đặt tên thương hiệu hiện nay khá cảm tính, đặt biệt là các nhà hàng, quán ăn, khách sạn mới nổi, có trào lưu đặt tên “theo Tây” là do xu hướng toàn cầu hóa, tâm lý lấy tên ngoại để tạo cho khách hàng cảm giác sẽ được phục vụ theo chất lượng ngoại. Tên ngoại sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận thương hiệu đối với khách quốc tế, công tác quảng bá trực tuyến (online) đến cộng đồng quốc tế cũng thuận lợi và giảm thiểu chi phí.

 “Tuy nhiên, không hẳn cứ muốn giao thương quốc tế thì phải lấy tên ngoại, điều này là không đúng đối với những ngành nghề truyền thống hoặc đặc sản địa phương. Ví dụ: Pho24, cà-phê Trung Nguyên, mắm Phú Quốc, mắm Nam Ô, mì Quảng hay những tên quán thuần việt khác…”, Th.S Diệu Anh nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý quảng cáo, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao, Trung tâm Quản lý quảng cáo thành phố phát hiện 98 trường hợp vi phạm; đã lập 20 biên bản làm việc đơn vị cam kết sửa chữa; 63 công văn yêu cầu chỉnh sửa và lập 15 biên bản vi phạm hành chính đối với các đơn vị chây ỳ không chấp hành sửa chữa (xử phạt 9 đơn vị với số tiền 53 triệu đồng) đối với cả hai hình thức vi phạm là biển hiệu có chữ viết tiếng nước ngoài trên biển hiệu không đúng quy định và biển hiệu có diện tích quá quy định che kín mặt tiền.

Nguyễn Thành – Ngọc Hà

;
.
.
.
.
.