Lạm dụng tên nước ngoài trên biển hiệu - Bài cuối: Chấn chỉnh thế nào?

.

Theo nhiều ý kiến, việc lạm dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu như hiện nay rất đáng báo động. Việc chấn chỉnh cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành liên quan, trong đó cần tính toán đến việc sửa nội dung luật.

Một biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài vừa “mọc” lên trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu). 		                                Ảnh: NGỌC HÀ
Một biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài vừa “mọc” lên trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu). Ảnh: NGỌC HÀ

Theo luật gia Tạ Tự Bình, Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng, nếu bắt bẻ đúng theo Điều 38 Luật Doanh nghiệp, tên tiếng Việt của doanh nghiệp (phải viết và đọc được bằng tiếng Việt) thì cần sửa lại nội dung quy định đặt tên riêng của doanh nghiệp là chỉ sử dụng bảng chữ cái tiếng Việt và phát âm tiếng Việt (tránh trường hợp ghép chữ cái tiếng Việt nhưng không thành âm và từ tiếng Việt mà thành âm và từ nước ngoài).

Còn tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài thì đã được Điều 40 Luật Doanh nghiệp quy định: “Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài”.

Luật sư Đỗ Pháp bổ sung thêm, các ngành chức năng, nhà quản lý hoàn toàn có thể siết chặt việc đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài. Bởi căn cứ vào khoản 3 của Điều 38 Luật Doanh nghiệp, “Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp, vì vậy việc đặt tên cho doanh nghiệp trên thực tế phụ thuộc vào cơ quan đăng ký kinh doanh.

Chấn chỉnh việc làm này là việc không khó với các cơ quan chức năng, nếu có vi phạm các cơ quan phải lập biên bản đề nghị làm đúng theo Luật Doanh nghiệp, nếu không thì buộc tháo dỡ”, luật sư Đỗ Pháp nói.

Trong khi đó, TS Trần Văn Sáng, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bản sắc, nét đặc trưng của thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố cần có các giải pháp cụ thể. Đó là tất cả các biển hiệu phải được ghi bằng tiếng Việt, đúng ngữ pháp, đúng chính tả, chuẩn mực về phong cách.

Đồng thời, việc quy định chuẩn mực về ngôn ngữ biển hiệu phải dựa vào văn bản pháp quy như Luật Quảng cáo và Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo TS Trần Văn Sáng, thành phố cũng nên có quy định riêng về ngôn ngữ biển hiệu, tạo nên bản sắc Đà Nẵng qua biển hiệu như: mọi biển hiệu chỉ được ghi bằng một ngôn ngữ duy nhất tiếng Việt, không kể đó là doanh nghiệp/cửa hiệu của người Việt hay người nước ngoài, đính kèm hình ảnh biểu trưng của thành phố.

Còn theo ThS Trần Thị Diệu Anh, giảng viên khoa Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), nên tăng cường tuyên truyền hướng dẫn lợi ích của việc chọn tên thương hiệu đúng để người dân hiểu và thấy được lợi ích thực sự của việc chọn một tên hiệu phù hợp nhằm giúp phát triển kinh doanh tăng lợi nhuận, từ đó chủ động lựa chọn một tên gọi phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.

Trong đó, cần ưu tiên tiếng Việt, vừa giữ gìn bản sắc, vừa khẳng định thương hiệu Việt. Tại Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ có Trung tâm Tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp; trung tâm này nên đảm nhiệm công việc tuyên truyền, tư vấn đặt tên phù hợp; đối với cấp quận/huyện nên lồng ghép tuyên truyền ngay từ khâu cấp phép: một quán ăn không liên quan gì đến yếu tố nước ngoài (ông chủ, phong cách ẩm thực, khách hàng mục tiêu...) thì không nên lạm dụng đặt tên nước ngoài.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, chấn chỉnh biển hiệu còn cần tăng cường vai trò quản lý của Sở Văn hóa-Thể thao. Thời gian qua, sở này tuyên truyền, phổ biến các quy định về việc viết, đặt biển hiệu bằng các hình thức in tờ gấp phát tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đăng trên báo, đài, đưa nội dung này lên trang tin điện tử của sở, của Trung tâm Quản lý quảng cáo và qua hệ thống thông tin tuyên truyền của Trung tâm Văn hóa-Thông tin các quận, huyện... Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp trên đường Dương Đình Nghệ (quận Sơn Trà) cho rằng:

“Cần tổ chức những buổi tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ; đồng thời chú trọng tuyên truyền và xử phạt các cơ sở làm dịch vụ biển hiệu, quảng cáo sai quy định. Ý thức người dân chưa cao, một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ dân trí thấp cần sự tuyên truyền mạnh mẽ kèm theo chế tài xử phạt chứ việc tuyên truyền như vừa qua khó đến người dân”.

 NGUYỄN THÀNH - NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.