Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng là giải pháp liên kết, từng bước điều chỉnh hành vi của các ngành, địa phương trong quá trình quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng lưu vực sông và vùng bờ. Đó là một trong những nhiệm vụ chính mà hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận vào cuối năm 2016.
Liên kết hợp tác lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn sẽ tạo thuận lợi trong bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường giữa hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, sau khi ký kết thỏa thuận ngày 21-12-2016, lãnh đạo hai địa phương đã có cuộc họp lần thứ nhất của Ban điều phối lâm thời vào ngày 23-2-2017 tại Đà Nẵng và đã xin ý kiến của Bộ TN&MT về việc thiết lập thử nghiệm Ban điều phối, sắp tới sẽ trình lãnh đạo UBND thành phố và tỉnh Quảng Nam ký ban hành chính thức.
* Lợi ích của việc ký kết quy chế phối hợp giữa hai địa phương về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là gì, thưa ông?
- Năm 2017, được sự hỗ trợ của dự án “Hỗ trợ xây dựng thể chế liên tỉnh để nâng cao khả năng chống chịu ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn” do chương trình đối tác toàn cầu về xây dựng khả năng chống chịu (gọi tắt là GRP) tài trợ thông qua Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), Sở TN&MT hai địa phương đã tổ chức 2 hội thảo cấp Sở, ngành của hai địa phương, các bên liên quan; qua đó thống nhất các nội dung chính gồm: phân tích, làm rõ các yếu tố liên quan đến quy trình vận hành liên hồ cho cả mùa lũ và mùa kiệt trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, làm cơ sở đề xuất Ban điều phối xem xét kiến nghị điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa đến các cấp Bộ, ngành liên quan; thảo luận các phương án phân chia nguồn nước trong mùa kiệt để chống hạn, giảm mặn. Trước mắt, tập trung phân tích ở các điểm như tại thủy điện Đăk Mi 4, Quảng Huế và Vĩnh Điện (Câu Nhi). Sau đó, Ban điều phối liên tỉnh xem xét để thống nhất các phương án thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT thành phố đã chủ động triển khai các nhiệm vụ kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp có nguồn thải vào hạ lưu sông. Đối với khu vực giáp ranh liên tỉnh, bước đầu hai địa phương đã phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) và xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam); thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang và xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn; thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang và xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra và phản hồi với Sở TN&MT Đà Nẵng về các nội dung đã xử lý.
* Công tác phối hợp này gặp những khó khăn, thách thức gì?
- Trong giai đoạn hiện tại, Chính phủ chưa thành lập Ủy ban lưu vực sông ở Vu Gia - Thu Bồn. Do đó, việc thiết lập Ban điều phối giữa hai địa phương về quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ bước đầu gặp nhiều khó khăn. Khó khăn, thách thức lớn nhất là nhân sự của cơ quan thường trực với cơ chế làm việc kiêm nhiệm nên việc phối hợp dễ bị chậm trễ nếu một bên không thực sự tích cực. Sở TN&MT là cơ quan đầu mối, cần có sự tham gia, triển khai tích cực, chủ động từ Sở TN&MT cả hai phía.
Quản lý tổng hợp lưu vực sông là cách tiếp cận tổng thể, từ công tác quy hoạch, khai thác đến sử dụng hợp lý và toàn diện các đối tượng trên lưu vực. Ban đầu, việc phối hợp quản lý này xuất phát từ nhu cầu quản lý nguồn tài nguyên nước, quản lý các vấn đề lũ lụt, hạn hán và cấp nước sinh hoạt cho phía hạ du Đà Nẵng. Do đó, việc huy động sự tham gia, vào cuộc của các ngành, lĩnh vực khác ở tỉnh Quảng Nam rất khó, cần có nguồn lực, quyết tâm cao của tất cả các bên và xem xét các vấn đề theo hướng liên vùng, liên ngành. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ cấp quốc gia để tạo những điều kiện đặc thù khi liên kết vùng Quảng Nam và Đà Nẵng.
* Định hướng của hai địa phương đối với công tác này như thế nào?
- Quảng Nam, Đà Nẵng là hai địa phương rất dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu, nhất là bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, tình trạng xả thải gây ô nhiễm lưu vực. Do đó, việc liên kết quản lý giúp hai địa phương cùng giải quyết vấn đề này tốt hơn.
Đến nay, một số định hướng mà lãnh đạo hai địa phương cơ bản thống nhất đang được tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng để quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, bảo vệ môi trường lưu vực sông. Thực hiện nhiệm vụ này bằng cách cùng xây dựng kế hoạch hoạt động chung của giai đoạn 2017-2020. Từ đó, các sở, ngành của hai địa phương căn cứ để triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước Vu Gia - Thu Bồn; phối hợp kiểm soát ô nhiễm môi trường và ứng phó các sự cố môi trường trên lưu vực sông.
Bên cạnh đó, đầu tư thêm nguồn lực để đánh giá hiện trạng, dự báo nguy cơ rủi ro xảy ra trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn tác động đến phát triển đô thị ở lưu vực sông và vùng bờ. Trước mắt, với sự hỗ trợ của ISET trong giai đoạn 2017-2018, hai địa phương sẽ cùng thảo luận các tác động hiện trạng, dự báo các hình thái, rủi ro về ngập lụt và hạn hán/xâm nhập mặn, tác động đến phát triển đô thị ở lưu vực sông và vùng bờ.
Về lâu dài, cần tổ chức nghiên cứu điều tra chuyên sâu, đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông và các thủy vực ven bờ; hướng tới tổ chức công bố các đoạn sông, dòng sông, ven biển không còn khả năng tiếp nhận chất thải theo thẩm quyền; nghiên cứu đề xuất phát triển các mô hình bảo vệ môi trường trên lưu vực sông và vùng bờ, triển khai các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm để kiểm soát chặt chẽ sự phát triển trên lưu vực sông và vùng bờ, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra đối với lưu vực.
Một giải pháp nữa là tăng cường quan trắc, giám sát chất lượng môi trường phục vụ công tác phối hợp liên vùng, liên ngành. Đây là công cụ để hỗ trợ cả hai địa phương trong công tác giám sát các thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn chấp hành quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc tăng cường, nâng cao kiến thức, nhận thức để đáp ứng các yêu cầu quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ là giải pháp cần thiết. Các hoạt động phối hợp và tổ chức luân phiên để chia sẻ, học hỏi và các kinh nghiệm thực tế về quản lý tổng hợp lưu vực sông, thiết lập chặt chẽ mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý hai địa phương đến với các doanh nghiệp, cộng đồng; huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, cộng đồng trong công tác quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng…
* Cảm ơn ông!
NGỌC PHÚ - KIM HÀ thực hiện