Người "đưa đường" thầm lặng

.

Nhiều người dân ở thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) gọi đùa chị Trần Thị Yến (53 tuổi) là “Yến khùng, “Yến lang thang”; bởi chỉ với chiếc xe đạp cà tàng, chị đã rong ruổi khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên đất Quảng Nam và Đà Nẵng để tìm mộ của cha mình - liệt sĩ Trần Thái và những ngôi mộ chưa rõ họ tên khác.

Chị Trần Thị Yến với cuốn vở ghi danh sách các liệt sĩ.
Chị Trần Thị Yến với cuốn vở ghi danh sách các liệt sĩ.

Quyết tâm đi tìm mộ cha

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 khá tuềnh toàng, ngoài tấm bằng “Tổ quốc ghi công” được treo trang trọng ngay giữa nhà, đồ đạc trong nhà chị Yến chỉ đáng kể với… chiếc bàn gỗ đã long chân. Chị Trần Thị Yến chia sẻ: “Từ tấm bằng Tổ quốc ghi công này, tôi mới có cơ hội được gặp cố Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh, người đã tận tình giúp tôi tìm mộ ba tôi và cũng từ đó tôi có động lực làm cầu nối liên lạc cho hàng trăm thân nhân khắp cả nước tìm mộ người thân”.

Chị Yến vẫn còn nhớ như in những câu chuyện mẹ kể về cha qua ký ức chắp nối từ những đồng đội của cha. Năm 1968, trong trận đánh vào sân bay An Định (thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), đại đội do chiến sĩ Trần Thái chỉ huy bị phục kích. Trong lúc nguy cấp, ông đề nghị những người còn sống rút lui để bảo toàn lực lượng và tình nguyện ở lại cản bước chân địch do ông bị thương vào đùi nên không thể đi được. Sau đó, chiến sĩ Trần Thái bị địch sát hại.

Một thời gian sau, gia đình chị Yến nhận được tin báo tử từ đơn vị. Để tránh tai mắt của Mỹ - ngụy suốt ngày lùng sục, gia đình chị Yến đã cuộn tròn giấy báo tử đút trong ống tre làm đòn tay của ngôi nhà. Nhưng thật không may, năm 1969, trong một trận càn, địch đã đốt căn nhà của gia đình chị và tờ giấy báo tử bị cháy.

Ngày giải phóng trở về, nhiều người hy sinh trong thôn, xã, những đồng đội của chiến sĩ Trần Thái được công nhận liệt sĩ nhưng trường hợp của ông lại không được công nhận do thiếu giấy báo tử; thậm chí có người còn bóng gió rằng ông Trần Thái đã chiêu hồi chứ không phải hy sinh.

Bức xúc trước việc này, chị Trần Thị Yến nộp đơn lên UBND thành phố để xin được hỗ trợ tìm mộ cũng như chứng minh cha mình đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Thế nhưng, cả 4 lần đến nộp đơn đều không thể gặp được Chủ tịch UBND thành phố do có quá đông người. Phải đến lần thứ 5, chị mới được vào gặp.

Nhớ lại những câu chuyện cũ, chị Trần Thị Yến bồi hồi: “Sau khi xem đơn của tôi, chú Thanh (ông Nguyễn Bá Thanh-P.V) nói rằng, đây là câu chuyện dài không thể ngồi tại đây giải quyết được mà hẹn tôi đến nhà. Đúng hẹn, tôi đến nhà, chú im lặng lắng nghe tôi trình bày về trường hợp của ba tôi. Sau hồi trầm ngâm suy nghĩ, cuối cùng chú viết cho tôi một lá thư tay rồi nói: “Cháu cầm thư này trở về những nơi mà cha cháu từng chiến đấu, công tác, nhờ họ lần ra manh mối giúp”.

Vậy là chị Yến bắt đầu hành trình khắp nơi từ Đà Nẵng đến Quảng Nam và sang tận đất Lào, cứ nghe người ta chỉ đâu, chị liền đến đó. Và điều kỳ diệu đã đến khi chị tìm đến Đồn Biên phòng A Dizh (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) thì manh mối xuất hiện khi hồ sơ của cha chị còn được lưu ở đồn biên phòng thuộc nước Lào.

Cũng nhờ các chiến sĩ biên phòng nơi đây, chị Yến đã sang đồn biên giới trên đất Lào và biết được cha chị trước khi hy sinh thuộc đơn vị C 130 Mặt trận  44, Quân khu 5. Lần theo thông tin này, chị tìm được ông Y Kông, từng là Huyện đội phó Huyện đội Nam Giang, là bạn chiến đấu của ông Trần Thái và chính ông đã giúp gia đình chị tìm được nơi chôn cha với đầy đủ giấy tờ còn nằm trong ống thuốc bỏ trong túi áo. Đến năm 2000, cha chị Yến được công nhận liệt sĩ.

Hơn 300 lá thư tay gửi thân nhân liệt sĩ

Sau khi tìm được mộ cha, cứ mỗi lúc xong việc đồng áng, chị Yến lại đạp xe rong ruổi khắp các nghĩa trang liệt sĩ từ Quảng Nam, Đà Nẵng sang tận đất bạn Lào. Đi đến đâu, dù nắng hay mưa, sớm hay tối, hễ đọc trên những tấm bia đá trong các nghĩa trang có ghi tên liệt sĩ “xa xứ” ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, chị lại cặm cụi ghi ghi, chép chép vào cuốn vở luôn mang bên mình.

Cái tên “Yến khùng”, “Yến lang thang” cũng ra đời từ đó. Biết chuyện, mẹ chị, bà Nguyễn Thị Đãi, cũng là thương binh (hạng ¾ - P.V) hết lòng ủng hộ, động viên con gái. Bởi hơn ai hết, bà hiểu nỗi day dứt khôn nguôi của những gia đình chưa tìm được mộ người thân.

Còn với chị Yến, đó chính là một trong những nguồn động viên lớn để chị thực hiện điều mình đau đáu. Cứ vậy, đã có trên 300 cái tên liệt sĩ trên khắp đất nước được chị cẩn thận ghi chép rõ ràng địa chỉ nghĩa trang rồi gửi thư cho thân nhân liệt sĩ theo thông tin ghi trên những tấm bia.

Những cuộc điện thoại của thân nhân liệt sĩ theo đó dồn dập gọi về cho chị và chị lại lặn lội đưa họ đến tận nghĩa trang mà chị đã từng đến để tìm mộ. Nhớ lại những ngày làm “người đưa đường”, chị Yến tâm sự: “Cứ nghe điện thoại gọi nhờ chỉ giúp đến nghĩa trang liệt sĩ thì tôi tạm gác việc đồng áng, gật đầu đi ngay. Có cái gì đó cứ thúc giục tôi phải đi, phải giúp họ. Tôi cũng chẳng nhớ bao nhiều lần như vậy và cũng không biết bao nhiêu lần cả tôi và gia đình liệt sĩ đã òa khóc ngay trong nghĩa trang bởi niềm vui khi tìm được mộ. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục công việc của mình”.

Nhắc đến chị Yến, ông Tán Kim, cán bộ văn hóa xã hội xã Hòa Phong từ năm 1996 vừa nghỉ hưu trong năm 2016 bày tỏ khâm phục: “Nhìn bề ngoài cô Yến nhỏ nhắn, thậm chí có phần ốm yếu nhưng chính cô khiến tôi nể phục sự kiên trì, quyết tâm trong việc tìm mộ và hoàn tất hồ sơ liệt sĩ cho cha mình. Không chỉ vậy, trong năm 2000, cô cũng tìm ra và giúp 4 thân nhân khác ở huyện Nam Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam hoàn tất hồ sơ liệt sĩ cho người thân”.

Tháng 7-mùa tri ân các anh hùng liệt sĩ lại về. Đây cũng là lúc chị Yến nhận được rất nhiều cuộc gọi của người thân liệt sĩ ở khắp nơi, có khi để nhờ tìm liệt sĩ hoặc đơn giản chỉ để cảm ơn, chia sẻ dăm ba câu chuyện. Với chị Yến, cuộc sống có ý nghĩa bởi những điều giản đơn như thế.

Bài và ảnh: THANH SƠN

;
.
.
.
.
.