Vượt qua những gian khó, cô giáo Nguyễn Thị Bảy Tám đã sống như đóa hoa, lặng lẽ tỏa hương thơm cho đời bằng những việc làm bình dị nhưng cao cả.
Cô giáo Nguyễn Thị Bảy Tám (hàng giữa, bìa trái) hạnh phúc bên học trò của mình. |
1. Cuộc đời chị Nguyễn Thị Bảy Tám (SN 1978, ngụ tổ 20, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) vốn nhiều gian truân và thấm đẫm nước mắt. Tổ ấm gia đình hạnh phúc chưa bao lâu thì vỡ tan, một mình chị phải gánh gồng mưu sinh để nuôi hai con thơ chỉ mới 3 tuổi và 18 tháng. Tờ mờ sáng mỗi ngày, chị đi lấy hoa tươi ở chợ Đầu mối và giao cho các cửa hàng hoa. Sau đó, chị về nhà chăm sóc các con rồi tất tả đến trường làm “cô nuôi dạy trẻ”.
Làm mẹ đơn thân ở độ tuổi khá trẻ, nhiều khi chị tưởng mình ngã gục. Nhưng tình yêu thương của một người mẹ đã tiếp thêm sức mạnh, giúp chị mạnh mẽ hơn. Chị trở thành hiệu phó của một trường mầm non, được đồng nghiệp nể trọng vì sự nghiêm túc trong công việc, được phụ huynh yêu mến vì sự tận tâm với học trò.
Cứ tưởng hạnh phúc mỉm cười với chị. Nào ngờ, bi kịch thêm lần nữa đổ ập xuống. Năm 33 tuổi, chị hay tin mình bị ung thư. Nhớ lại quãng thời gian này, chị không ngăn được sự xúc động: “Khi xác định chắc chắn mình bị ung thư, tôi như ngã quỵ. Tôi còn quá trẻ, các con của tôi cũng còn quá nhỏ. Chúng tôi đều có những ước mơ dang dở. Khi ấy, tôi thậm chí đã liệt nửa người. Vậy mà, sau 6 đợt điều trị tại Huế, tôi đã phần nào vượt qua được giai đoạn nguy hiểm của căn bệnh quái ác. Các bác sĩ rất ngạc nhiên về điều này. Tôi cũng cảm thấy bản thân mình vô cùng may mắn”.
2. Những tháng ngày đối mặt với tử thần đã thôi thúc chị Tám phải hành động vì người khác. Chị nghỉ việc, mở nhóm trẻ tư thục tại nhà để dành thời gian chăm sóc con cái và tham gia các hoạt động thiện nguyện. Chị nói: “Mình chẳng làm được gì nhiều, chủ yếu là kêu gọi, kết nối các tấm lòng nhân ái với nhau và cùng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, cùng đi đến những vùng sâu, vùng xa”.
Cũng chính những chuyến đi ấy đã tiếp thêm cho chị nghị lực sống và niềm tin vào cuộc đời. Chị kể, trong một chuyến đi tình nguyện tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), chị tình cờ gặp một đôi vợ chồng nghèo nhưng chan chứa nghĩa tình. Người vợ bị bệnh, không thể đi đứng và nói chuyện. Trong suốt 3 năm, người chồng không nề hà vất vả, bồng bế, chăm sóc vợ từng li từng tí. “Nhìn từng cử chỉ nhỏ mà người chồng ân cần dành cho vợ, chúng tôi vô cùng xúc động. Họ cũng khiến chúng tôi tin rằng, luôn có những điều tốt đẹp trong cuộc sống”, chị Tám chia sẻ.
Cứ thế, ngày qua ngày, chị làm thêm việc này việc kia mỗi lúc rảnh rỗi để tích cóp từng đồng dành tặng những mảnh đời khốn khó. Quà của chị không nhiều, khi thì dăm ba chiếc áo ấm, chăn mền; lúc là sách vở, thuốc men hay vài bao gạo... nhưng thấm đượm nghĩa cử cao đẹp của một tấm lòng nhân ái.
3. Tất bật với các hoạt động tình nguyện nhưng khi trở về với công việc, chị Tám lại trở thành người mẹ giàu lòng yêu thương trẻ nhỏ. Chị phát hiện cậu học trò T.T (2 tuổi) có dấu hiệu của trẻ tự kỷ sau 3 ngày nhập học. Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh để hướng dẫn T. trở lại cuộc sống bình thường là câu chuyện dài.
Chị kể: “Dì của T. cũng gửi con ở chỗ tôi. Khi phát hiện T. có dấu hiệu của trẻ tự kỷ, tôi sợ cha mẹ em không chấp nhận sự thật nên tìm hiểu, trò chuyện trước với dì của em. Sau đó, mẹ của T. hay chuyện và tỏ thái độ khó chịu vì cho rằng tôi đánh giá sai về con của bà. Lúc đó, tôi nhẹ nhàng giải thích và gửi bảng chỉ số đánh giá trẻ tự kỷ để phụ huynh theo dõi, tìm hiểu”.
Qua một thời gian dài, với sự chân thành, cô giáo Tám mới tháo gỡ được khúc mắc trong lòng phụ huynh. Cha mẹ của T. đi làm ăn xa nên gửi con cho bà ngoại chăm sóc. Công việc bận rộn, bà thường mở ti-vi để cháu tự chơi khiến khả năng nói của T. chậm phát triển. Thấu hiểu tình trạng của học sinh, cô giáo Tám đã dành nhiều thời gian trò chuyện cũng như theo dõi hoạt động của T. Đều đặn mỗi ngày, chị dành một tiếng để điều trị cho T. Từ một cậu bé ú ớ những lời không rõ nghĩa, nay T. đã có thể đọc thơ trôi chảy.
Không chỉ tận tình chăm sóc học trò, chị Tám còn thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của phụ huynh. Phụ huynh nào là công nhân thì được chị hỗ trợ chăm trẻ ngoài giờ miễn phí. Phụ huynh nào là hộ nghèo, mẹ đơn thân thì con em được miễn giảm học phí. Chị Nguyễn Thị Yến (SN 1985, phụ huynh của em B.A) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đi làm công nhân nên thường tăng ca. Được người quen giới thiệu trường mầm non của cô Tám, tôi cho bé theo học và rất cảm kích với sự chia sẻ, thông cảm của cô giáo đối với các gia đình khó khăn như chúng tôi. Nhờ vậy, hai vợ chồng tôi có thể yên tâm đi làm”.
Bài và ảnh: NAM BÌNH